Đoàn kết là truyền thống, là sức mạnh của Đảng

(VOH) - Trong Di chúc của Bác, người đã nhấn mạnh đặc biệt về tầm quan trọng của việc đoàn kết trong Đảng, lời dạy của người có ý nghĩa quyết định trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Tiến tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2020), những truyền thống quý báu của Đảng trong 90 năm qua cần được giữ gìn, phát huy, coi đó là kim chỉ nam để soi đường tiếp bước cuộc cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới đó là thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn

Bác bắt nhịp bài ca Kết đoàn. (Ảnh: Lâm Hồng Long/TTXVN)

Vấn đề đoàn kết trong Đảng cần được nhìn nhận, tiếp thu và thực hiện như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

Trong công tác xây dựng Đảng, vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất. Lịch sử đã chứng minh công cuộc cách mạng Việt Nam, qua hai cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng, giành độc lập thống nhất đất nước, xét đến cùng đó là kết quả của sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Trong lời kêu gọi ở Lễ mừng Quốc khánh 2/9/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”. Những lời Bác nói khi đó đến nay đã thành sự thật.

Về tầm quan trọng của đoàn kết, trong bản Di chúc, Bác viết: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Nếu mất đi sự đoàn kết chính là đã đánh mất đi thị giác của mình, tức sẽ lạc mất phương hướng và không còn thấy con đường đi tới của cách mạng. Khi đó Đảng sẽ đánh mất chính mình. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để ngọn đuốc của Đảng soi đường cho cách mạng, lãnh đạo nhân dân ta vượt qua muôn vàn thử thách, khó khăn, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu cách mạng.

Trong tư tưởng của Người, đoàn kết phải là đoàn kết thống nhất, trước sau như một, tức là phải dựa trên nền tảng đường lối, quan điểm của Đảng và vì lợi ích của cách mạng, nhân dân, tập thể.

Người chỉ rõ về nguyên tắc của đoàn kết: Đảng tuy có nhiều đảng viên, song khi tiến hành nhiệm vụ cách mạng thì chỉ như một người, trong Đảng không cho phép có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Đoàn kết trong Đảng cũng chính là đoàn kết để tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II, năm 1961, Bác đã nhấn mạnh quan điểm mà nay trở thành một câu nói bất hủ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. 

Bác Hồ với đồng bào các dân tộc

Bác Hồ với đồng bào các dân tộc. Ảnh tư liệu

Đoàn kết như thế nào? Để đoàn kết trong Đảng, Người coi nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản và quan trọng. Trong từng tổ chức đảng phải thực hành dân chủ, mở rộng dân chủ, phải thực sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến.

Suy nghĩ của mỗi đảng viên đều phải được bày tỏ, được lắng nghe, mọi quyết định quan trọng đều phải được bàn bạc, thảo luận dân chủ. Có như thế mới thông từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên.

Bên cạnh đó, phải chống tình trạng dân chủ hình thức, thống nhất một chiều, thiếu sự tranh luận, thảo luận thấu đáo hoặc hiểu không đúng nguyên tắc này, dẫn đến mất đoàn kết nội bộ...

Vì sao còn tình trạng dân chủ hình thức, thống nhất một chiều, thiếu sự tranh luận, thảo luận, Đại hội XII của Đảng chỉ ra nguyên nhân chính là: “Nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc, có mặt chưa rõ, chưa thống nhất một số vấn đề quan trọng ở tầm quan điểm, chủ trương”.

Để xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng theo tinh thần Đại hội XII của Đảng, đòi hỏi các cấp ủy và mỗi đảng viên cần nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm trong công việc và lối sống trên tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau. Xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng bởi đây là cơ sở quan trọng nhất để xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Đặc biệt, phải lựa chọn, bố trí người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, có vai trò tiên phong, gương mẫu. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thực sự công bằng, công tâm trong xử lý công việc, phải thực sự là trung tâm quy tụ, đoàn kết của tổ chức Đảng, tập thể cơ quan, đơn vị.

Để có dân chủ thì Người căn dặn: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.

Trong thực hành công việc, không chỉ là đặt ra yêu cầu hoàn thành công việc mà còn phải có sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc. Vì vậy, để duy trì và bồi đắp đoàn kết thống nhất thì từng tổ chức Đảng bên cạnh việc phải chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm còn phải thường xuyên bồi dưỡng tình thân ái, tình thương yêu, cảm thông chia sẻ, tình đồng chí.

Sự đoàn kết thống nhất phải thể hiện ở chỗ cương quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội trong chính bản thân trước những tác động từ bên ngoài. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra: chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội chính là căn nguyên của mất đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Thế giới ngày nay biến động nhanh chóng khó lường, đất nước đang đứng trước những thời cơ nhưng cũng đầy những thử thách, bối cảnh tình hình thế giới diễn biến càng phức tạp chung quanh các yếu tố địa chính trị. Bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách, bằng nhiều âm mưu thâm độc, xảo quyệt, kích động chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết trong Đảng. Chính vì vậy, tăng cường đoàn kết và thống nhất trong Đảng từ Trung ương đến cơ sở là điều tất yếu và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Đảng ta đã yêu cầu: “Từng đảng bộ giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong tập thể lãnh đạo. Đối với những cấp ủy, tổ chức đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, cán bộ lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, kéo bè, kéo cánh, gây mất đoàn kết nội bộ, cấp ủy cấp trên phải chỉ đạo kiểm điểm làm rõ đúng sai, xử lý nghiêm những người có khuyết điểm”. Như thế đoàn kết cũng không có nghĩa là bao che cho sai phạm, yếu kém hay các hành vi vi phạm pháp luật.

Những năm gần đây, trước những tác động ngày càng khốc liệt từ mặt trái của cơ chế thị trường, một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao có xu hướng chạy theo chủ nghĩa cá nhân, một số tổ chức đảng có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, chưa tôn trọng và thực hiện chưa đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc tự phê bình và phê bình có nơi trở nên hình thức, có nơi bị lợi dụng để đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Bên cạnh đó, những biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, “lợi ích nhóm”, tính cục bộ địa phương có nơi đã xuất hiện và phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Nhiều chỉ thị, qui định của Bộ chính trị, Ban bí thư ban hành trong khóa XII đã qui định rõ các vi phạm trong suy thoái chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ đảng viên cần phải xử lý và phải xử lý nghiêm không bao che, không có vùng cấm để ngăn chặn suy thoái trong Đảng. Thực tế trong các năm  đầu nhiệm kỳ XII đến nay đã có nhiều cán bộ, đảng viên ở các cấp bị xử lý nghiêm theo các qui định của Đảng, bất kể ở cương vị nào cho thấy, không phải vì đoàn kết mà bỏ qua các  sai phạm. Vụ án AVG đang được đưa ra xét xử trước pháp luật với 2 cán bộ cao cấp của Đảng là một ví dụ điển hình.

Không lợi dụng danh nghĩa “đoàn kết” để bao che tìm kiếm đặc quyền, đặc lợi trong các bè phái, cánh hẩu hay nhóm lợi ích.

Cũng cần tránh việc vì quyền lợi hay tình cảm cá nhân dùng danh nghĩa “đoàn kết nội bộ” để bao che cho hành vi sai phạm hay vi phạm pháp luật.

Đoàn kết phải được thực hiện trong toàn Đảng, quần chúng nhân dân vì lợi ích chung của đất nước, dân tộc.