Một tấm gương sống có giá trị hơn 100 bài tuyên truyền

(VOH) - Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: 'Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền'.

Tư tưởng đó vẫn giữ nguyên giá trị và càng trở nên cần thiết trong tình hình hiện nay, khi toàn Đảng đang đẩy mạnh công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI và XII của Đảng. Trong các bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc “nêu gương”, “làm gương” của mọi tổ chức, mọi lực lượng cách mạng và mọi cá nhân, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.

gia đình hạnh phúc

Ảnh minh họa.

Nêu gương từ những điều giản dị

Nếu trong một gia đình, cha mẹ là tấm gương cho các con; anh chị là tấm gương đối với các em; trong nhà trường, thầy cô giáo là tấm gương cho học trò thì trong cơ quan, tổ chức, cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu là tấm gương cho cấp dưới.

Trong xã hội việc nêu gương của các cán bộ, đảng viên, lãnh đạo các cấp, các ngành có vai trò đặc biệt quan trọng vì đó là một phương thức lãnh đạo của Đảng. Cán bộ càng cao thì người dân càng nhìn vào đó để noi theo, do đó chức vụ càng cao, càng cần phải gương mẫu.

Nêu gương không phải làm những việc quá cao xa, to lớn mà chỉ cần làm những điều bình thường, cụ thể, thiết thực trong công việc, cuộc sống, qua đó đọng lại những điều tốt đẹp mọi người đều thấy và làm theo.

Với việc tư, là một người lễ phép, hiếu thảo với cha mẹ, thương yêu con cái, trách nhiệm với gia đình. sống tử tế với mọi người… Với việc công, thì lấy hiệu quả, trách nhiệm công việc để nêu gương, có tình thương đồng nghiệp, quần chúng. 

Nêu gương còn là “Nói đi đôi với làm”, nếu không thì chỉ là những người hứa suông hoặc “nói một đằng, làm một nẻo” - vốn là hành động của những kẻ cơ hội, né tránh trách nhiệm.

Thực tế cho thấy, nếu một cán bộ, đảng viên “nói một đằng, làm một nẻo” thì trước mắt của quần chúng nhân dân, họ nói sẽ chẳng ai nghe theo. Thực chất, họ đã tự tước đi vai trò người lãnh đạo của mình. Muốn làm cho quần chúng, nhân dân tin, nghe theo mình thì bản thân phải mực thước, công bằng, liêm chính, nêu gương tốt, tạo hiệu ứng lan tỏa để mọi người làm theo.

Cán bộ, đảng viên cấp dưới phải gương mẫu trước quần chúng nhân dân. Cán bộ cấp trên phải làm gương mẫu cho cán bộ cấp dưới.

Từ trong kháng chiến, Đảng ta đã có phương châm: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đảng viên chính là tấm gương sáng cho quần chúng học tập và noi theo.

Thực tế trong thời gian qua cho thấy, một số cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu trong học tập, tu dưỡng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống thiếu ý thức khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Có đảng viên sống tha hóa, chạy theo tiền bạc, vật chất, rượu chè, trai gái, thậm chi thực hiện hành vi dâm ô với cả trẻ em chưa thành niên; có cán bộ chạy điểm cho con em mình vào đại học, thậm chí vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham ô, tham nhũng phải truy tố, xét xử trước pháp luật gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Hiện nay, nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động thiết thực ngày càng lớn mạnh, lan tỏa, thấm sâu vào đời sống xã hội bằng những tấm gương mẫu mực. Nhưng, còn đó không ít những gương “người tốt, việc tốt” được nêu lên thông qua quá trình báo cáo không trung thực, thậm chí "nặn ra" thành tích giả tạo để tuyên dương, khen thưởng ở hội trường nhưng bên ngoài quần chúng cho là không xứng đáng, tấm gương không ai muốn soi.

Đây chính là bệnh “nêu gương hội trường” làm cho động lực phấn đấu vươn lên của mọi người bị thui chột, phong trào vì thế không thể đi lên được.

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. Ảnh: Tư liệu.

Nêu gương chính là một giải pháp xây dựng Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Nêu gương của cán bộ, đảng viên chính là một phương thức lãnh đạo của Đảng, là giá trị đạo đức mang đậm tính nhân văn sâu sắc, thấm đẫm đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, bằng hành động, việc làm và sự hy sinh của cán bộ, đảng viên trung kiên đã nêu tấm gương sáng cho quần chúng noi theo, đứng lên giành độc lập dân tộc.

Đảng ta luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Vấn đề nêu gương cũng được Đảng ta luôn chú trọng lãnh đạo thực hiện, nhiều nghị quyết đã đề cập đến tinh thần nêu gương của cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo.

Ngày 25/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Trước đó đã có các qui định như Quy định 101 của Ban Bí thư, Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về "Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”. Như vậy, cho thấy “trách nhiệm nêu gương” của cán bộ, đảng viên đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay.

Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nêu gương thì tất cả cán bộ, đảng viên đều phải làm nhưng trước hết, các lãnh đạo cao nhất phải có trách nhiệm, chứ không phải vì vừa qua có một số lãnh đạo cấp cao hư hỏng nên phải có Quy định. Quy định phải rất chặt chẽ là tất cả cán bộ, đảng viên nhưng trước hết cán bộ cấp cao phải nêu gương”.

nêu gương

Quy định nêu gương trở thành Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương là bước tiến quan trọng, là bước đột phá về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay.

Ngày nay trong điều kiện đất nước được độc lập đang trong quá trình xây dựng đi lên chủ nghĩa xã hội, sự nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên lại càng có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng vào bảo vệ đất nước. Cán bộ đảng viên và nhất là các lãnh đạo càng cao thì càng phải nêu gương, phải là những công bộc thật sự lo cho dân, cho nước..

Có như vậy quần chúng nhân dân mới tin vào Đảng và Đảng vì vậy mới phát triển mạnh mẽ, thấm sâu trong đời sống xã hội.