Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hướng về Đại hội Đảng

(VOH) - Hướng tới một kỳ đại hội chất lượng, hiệu quả, cử tri và đồng bào các giới trên địa bàn TPHCM đã gửi gắm nhiều tình cảm, nguyện vọng trước thềm Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.

Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI chính thức khai mạc vào sáng nay 15/10 và bế mạc vào ngày 18/10. Hướng tới một kỳ đại hội chất lượng, hiệu quả, cử tri và đồng bào các giới trên địa bàn TPHCM đã gửi gắm nhiều tình cảm, nguyện vọng trước thềm Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.

Tiến sĩ Vòng Bính Long, dân tộc Hoa - Giảng viên Khoa Sinh học - Công nghệ sinh học Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM cho rằng, hiện nay, trí thức khoa học trẻ nhận thức rõ ràng về vai trò và nhiệm vụ của mình trong việc cống hiến, đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TP, song vẫn gặp không ít khó khăn: “Là đại diện cho trí thức trẻ về tiếng nói của mình với TP. Trí thức trẻ rất mong mỏi nhận được sự hỗ trợ từ TP, giúp trí thức trẻ phát huy được năng lực, trí tuệ, sự sáng tạo, đóng góp cho nền khoa học nước nhà”.

Bày tỏ tình cảm và sự biết ơn trân trọng đối với lãnh đạo TP ông Haji Ysa UMơ – Trưởng Ban thánh đường Hồi Giáo Muwahidiu, Quận 9 cho biết: trong nhiều năm qua luôn dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số sự quan tâm, giúp đỡ về nhiều mặt, làm cho mỗi người, mỗi gia đình và mỗi dân tộc như được sống chung một mái nhà ấm áp sự yêu thương của đất nước, của dân tộc. Đồng thời, mong muốn lãnh đạo Thành phố và các cấp chính quyền có thể xem xét, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có tâm huyết được vào Đảng để có thể phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân tốt hơn: “Chính sách chăm lo của lãnh đạo TP cho các dân tộc, trong đó có dân tộc Chăm rất chu đáo. Thay mặt cho cộng đồng người Chăm tôi xin cám ơn lãnh đạo TP. Trước năm 1985 ăn hóa của người Chăm rất thấp. Từ lúc được lãnh đạo TP quan tâm thì hiện nay trình độ văn hóa của người Chăm đã phát triển rất nhiều. Cách đây vài năm trình độ đại học của người Chăm đếm trên đầu ngón tay. Hiện nay đồng bào người Chăm có hơn 7.000 người thì nay trình độ học vấn đã phát triển vô số kể nhờ sự quan tâm của TP”.

Trong nhiều năm quan tâm đến văn hóa dân tộc, ông Phú Văn Hẳn – Phó Viện trưởng – Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ nhậnthấy Trung tâm văn hóa TP của mình là nơi để tập hợp cộng đồng các dân tộc để tổ chức những sinh hoạt văn hóa cho nên phải được nâng cao lên.Ông mong muốn người dân tộc thiểu số trên địa bàn TP là những cộng đồng khác nhau và mỗi cộng đồng có một văn hóa đặc thù, đặc biệt làm giàu cho nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền văn hóa Thành phố nói riêng. Tuy nhiên, nơi để họ lưu truyền, đào tạo, phát huy thì chưa có.Ông mong rằng TP phải nghĩ đến nhu cầu có một trung tâm văn hóa của các dân tộc thiểu số. Đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa hiện nay, Bảo tàng TP cũng nên dành một không gian để giới thiệu những giá trị văn hóa phong phú của các dân tộc trên địa bàn TP: “Đồng bào các dân tộc phần lớn đều là những hộ còn nghèo. Trước tiên tôi nghĩ rằng TP của chúng ta tiếp tục tạo điều kiện để người dân tộc thiểu số như Khmer hay người Chăm có công ăn việc làm ổn định và có thu nhập thì họ mới có thể đầu tư cho con em của mình học văn hóa và học nghề và từ học nghề đó họ mới có thể đóng góp nhiều hơn cho TP của chúng ta. Mặc dù TP của chúng ta rất nhiều việc để làm nhưng đa số người dân tộc thiểu số trong đó có người Chăm và Khmer thường không kiếm được việc làm phù hợp”.

Quan tâm đến sự phát triển của Thành phố trong thời gian tới, ông Trần Văn Quyên - quận 2 đề nghị: "Cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện, và các quy trình hành chính, nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc cơ học với doanh nghiệp và cơ quan hành chính. Thủ tục hành chính gọn, chính xác, giúp giảm lãng phí nguồn nhân lực, gia tăng hiệu quả làm việc, và sản xuất kinh doanh, giúp minh bạch hóa, trong sạch nền hành chính công, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ 4.0 để tăng năng lực sản xuất hướng tới sự phát triển bền vững, vươn lên Thành phố trung tâm của khu vực".

Đề cập đến vấn đề nhà ở dành cho người lao động có thu nhập thấp trên địa bàn Thành phố, bà Trần Thị Thu Hồng, quận 9 nêu ý kiến: "Hiện nay người lao động trên địa bàn TP rất đông, nhu cầu nhà ở ngày càng cao, thu nhập hiện nay của người lao động chỉ đủ trang trãi cuộc sống hàng ngày, cho nên về việc mua nhà ở theo giá thị trường thì không đủ khả năng. Cần sớm triển khai chương trình nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cho người lao động và có công bố công khai cho người lao động, quy định cụ thể từng đối tượng được mua nhà ở xã hội và có chính sách hỗ trợ vay cũng như chính sách thanh toán đối với người lao động".    

Toàn cảnh phiên trù bị Đại hội Đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI sáng 14/10 - Ảnh: SGGP

Nhiệm kỳ qua, 5 huyện ngoại thành TPHCM cũng ghi nhận nhiều sự đổi mới cả trên lĩnh vực đời sống kinh tế lẫn văn hoá xã hội. Đời sống người dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 49 triệu đồng/người/năm vào năm 2016 lên đến hơn 63 triệu đồng/người/năm như hiện nay. Ông Phạm Văn Minh, nông dân ứng dụng công nghệ mới vào nuôi tôm tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, cho rằng nhờ chính sách hỗ trợ 100% lãi vay của thành phố, đã tạo động lực và cơ hội phát triển cho nông dân và các đơn vị đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ông cho rằng, trước xu hướng đô thị hoá, các mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố cần được sự hỗ trợ nhiều hơn trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để có thể tăng cao năng suất chất lượng: "Nông dân ngoại thành nói chung cũng kỳ vọng ở nhiệm kỳ mới có những bước đột phá hơn. Ví dụ, mình phải phân vùng, vùng nào làm cái gì để thành phố có chính sách hỗ trợ thiết thực cho nông dân hơn. Phân vùng để sản xuất, để cơ quan chức năng vào cuộc bảo vệ trước tiên cho đồng vốn của nông dân. Đưa kỹ thuật, rồi có chính sách để tạo đầu ra cho nông dân. Đó là những điều căn cơ mà tôi thấy được."  

Không chỉ quan tâm lĩnh vực kinh tế, người dân ngoại thành cũng ghi nhận những kết quả đáng khích lệ trong việc phát triển trường lớp và nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay, Thành phố đã hoàn tất quy hoạch mạng lưới trường lớp tại 5 huyện ngoại thành làm cơ sở cho thực hiện xây dựng mạng lưới trường lớp giai đoạn 2020 - 2030.Quy mô và mạng lưới các cấp học được đầu tư phát triển đồng bộ, khang trang cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học của người dân vùng nông thôn. Bà Đặng Thị Hoàng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Cần Thạnh 2, cho biết hiện 100% các trường trên địa bàn huyện Cần Giờ tổ chức dạy 2 buổi/ngày. Giáo viên, học sinh huyện cũng được hỗ trợ nhiều mặt, từ chương trình sữa học đường nâng cao tầm vóc trẻ, đến đề án phát triển kỹ năng ngoại ngữ cho học sinh trên địa bàn... Trước thềm đại  hội, bà Đặng Thị Hoàng gửi gắm: "Người dân Cần Giờ rất mong muốn trong thực hiện nhiệm vụ trong tâm sắp tới, thành phố quan tâm công tác đào tạo bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Cần Giờ, đáp ứng được các chuẩn theo Luật Giáo dục mới 2019. Thứ hai, quan tâm thêm thực hiện chế độ đối với giáo viên và cũng mong thành phố tiếp tục thực hiện những chế độ chính sách HĐND trong nhiệm kỳ vừa qua đã quan tâm ban hành, để đời sống của đội ngũ giáo viên được nâng cao hơn. Tôi cũng mong là có sự đầu tư đối với việc cấp kinh phí duy trì các điều kiện cơ sở vật chất đã đạt được, để các em được học trong điều kiện môi trường tốt nhất."

Với mong muốn Thành phố ngày càng phát triển, trở thành nơi đáng sống, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng: “Mong ước của người dân rất nhiều và lãnh đạo cũng hiểu điều đó, và để xây dựng một thành phố đáng sống, TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, người dân sẵn sàng cùng với lãnh đạo TP và với khả năng của mình để đưa TP bứt phá hơn nữa. Đây là cơ hội tăng cường hơn nữa sự đoàn kết toàn dân. Để mọi người hiểu rằng, trách nhiệm xây dựng TP là trách nhiệm của từng người, từng giới”.

Đại hội Đảng là đại hội của nhân dân, những nguyện vọng, mong muốn của nhân dân cũng nhằm mong muốn trong nhiệm kỳ tới Thành phố mang tên Bác tiếp tục phát triển mạnh mẽ, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng.