Nhìn lại 3 kỳ Đại hội với Nghị quyết Trung ương 4

(VOH) - Qua 3 kỳ Đại hội XI - XIII, đều có các Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm ngăn chặn sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...

3 khoá liên tục từ Đại hội XI đến XIII đều chọn Hội nghị Trung ương 4 là Hội nghị ở năm đầu mỗi khoá để bàn về công tác xây dựng Đảng, điều đó không phải ngẫu nhiên. Đó là việc cần làm, rất quan trọng đối với sự nghiệp của cách mạng vì ở mỗi Hội nghị TW 4 đều có sự kế thừa và phát triển mới.

Cho đến nay chưa từng có nghị quyết nào lại được Ban Chấp hành cả 3 kỳ Đại hội đem ra thảo luận, bàn bạc và triển khai thực hiện nghị quyết trong nhiệm kỳ mới.

hop Ban chỉ đạo
Ngày 10/9/2021, Bộ Chính trị thống nhất tên gọi “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” thay cho tên cũ là “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng”. Việc bổ sung từ “tiêu cực”, theo tinh thần thống nhất tại phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Ngày 31/12/2011, Hội nghị Trung ương 4 khoá XI đã ban hành Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" gọi tắt là Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng. Bộ Chính trị còn quyết định thành lập “Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban.

Sau một thời gian giải thể, thì Ban Nội chính Trung ương cũng được tái lập lại và làm cơ quan thường trực cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ban Chỉ đạo này được điều chỉnh đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng để tập trung cho việc thực hiện Nghị quyết TW 4 (trước đó Ban Chỉ đạo này thuộc Chính phủ).

5 năm sau, ngày 30/10/2016, Ban Chấp hành khoá XII tiếp tục ra Nghị quyết Trung ương 4 “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ”. 

Cho đến Đại hội XIII diễn ra vào đầu năm 2021, đã khẳng định tiếp tục kiên trì và kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của khoá XI và khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Hơn thế nữa sau 9 năm triển khai nghị quyết, ngày 16/9/2021, Bộ Chính trị quyết định bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Giờ đây, Ban Chỉ đạo không chỉ có chức năng phòng chống tham nhũng mà có cả chức năng phòng chống tiêu cực. Đó là việc phòng chống các hiện tượng, vụ việc tiêu cực đã làm suy thoái sự phát triển của Đảng, ảnh hưởng đến công tác xây dựng đảng và đe dọa sự tồn vong của Đảng. Đây là bước phát triển mới trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 trong nhiệm kỳ XIII.

Ban Chỉ đạo Trung ương đã không dừng lại ở nội dung của nghị quyết kỳ đại hội trước mà còn bổ sung, kế thừa, kiên quyết thực hiện và đòi hỏi tính hiệu quả khi triển khai Nghị quyết TW 4.

Qua thực tiễn cho thấy, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng không chỉ được toàn Đảng mà toàn dân cũng đồng tình ủng hộ mà còn đánh giá cao công cuộc đấu tranh này.

Nhìn lại hai kỳ đại hội trước, Nghị quyết TW 4 khóa XI đưa ra 4 nhóm giải pháp gồm : nhóm về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên; Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng; Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.

Đến Đại hội XII, công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đạt được một số kết quả, tích cực đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ XII, Đảng nhìn nhận về công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, khuyết điểm. Cụ thể như công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu. Nội dung sinh hoạt Đảng ở nhiều nơi còn đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn yếu kém.

Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, đẩy lùi sự suy thoái.

Vì vậy, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, được nhận định có một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Trong đó, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.

Có thực tế đó là do việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm còn nương nhẹ, nể nang, thiếu cương quyết; Chậm ban hành quy định xử lý tổ chức, cá nhân có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Những điều kiện trên làm cho sự suy thoái của cán bộ đảng viên không được ngăn chặn kịp thời dẫn đến những vụ án trong các cấp, các ngành, các đơn vị thậm chí cả ở các cơ quan bảo vệ pháp luật, quân đội, công an...

Chỉ tính trong năm đầu nhiệm kỳ XIII (từ tháng 9/2020 - 9/2021), qua các vụ tham nhũng hối lộ đã kiến nghị xử lý hành chính 2.925 tập thể, 4.286 cá nhân, kiến nghị thu hồi 16.775 tỷ đồng, 3.497 ha đất, đã phát hiện 8.081 vụ, 7.032 đối tượng, 73 tổ chức phạm tội về  trật tự quản lý kinh tế, 687 đối tượng phạm tội về tham nhũng, chức vụ.

Những số liệu đó cho thấy, việc tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là cần thiết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII lần này khẳng định tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với tên gọi, chủ đề nhưng có những phạm vi mới.

Cùng với ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực thì phải tích cực phòng ngừa và chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực, có biện pháp thu hồi các tài sản vật chất tham nhũng, đẩy mạnh tính hiệu quả trong phòng chống tiêu cực...; Tìm ra những chủ trương, giải pháp phù hợp đối với từng nội dung, vấn đề, nhất là những giải pháp có tính đột phá.

Để tiếp tục triển khai nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII, cần nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Việc tổ chức quán triệt, học tập Nghị quyết phải được thực hiện nghiêm túc ở tất cả các cấp, theo đúng nội dung, chương trình, kế hoạch đã đề ra; Thực hiện tốt phương châm: kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết, làm thực chất và kịp thời khắc phục những biểu hiện làm chiếu lệ, qua loa, đại khái, hình thức, đối phó; Phải kiên quyết, kiên trì thực hiện và thực hiện với quyết tâm cao, tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành, cả ở Trung ương lẫn cơ sở.

Các cán bộ, đảng viên phải cam kết rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, có cơ chế kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước, công khai kết quả xử lý vi phạm.

Thực hiện quyết liệt Nghị quyết TW 4, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có hiệu quả, nhất là những vụ việc gây bức xúc trong dư luận để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng là phương cách để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, yêu cầu về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng ngày càng cao. Việc thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 càng có ý nghĩa thiết thực, góp phần làm trong sạch nội bộ, xây dựng Đảng ngang tầm, lãnh đạo hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đổi mới, hội nhập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.