Những tấm gương thầm lặng tỏa sáng giữa đời thường

(VOH) - Những tấm gương thầm lặng mà cao cả trong phong trào thi đua yêu nước TPHCM lần thứ 4 vừa được tuyên dương là những “bông hoa đẹp” đóng góp nhiều hoạt động có ý nghĩa lớn cho xã hội.

Mặc dù năm 2020 là một năm đầy biến động, khi mà dịch bệnh, thiên tai đã tác động mạnh mẽ lên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhưng cũng chính trong thời kỳ này, những câu chuyện, những tấm gương sáng truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng lại được biết đến và lan tỏa một cách rộng rãi hơn bao giờ hết. Những hình ảnh cao thượng, những câu chuyện rất đẹp về tình người và những việc làm không vụ lợi, không cần vinh danh đã xuất hiện thường xuyên trong đời sống hằng ngày.

Thiếu tá Thành giao lưu tại buổi tuyên dương
Thiếu tá Thành giao lưu tại buổi tuyên dương

Đó là những chiến sĩ áo trắng bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch, chấp nhận thiệt thòi, hy sinh để mang lại sự bình yên, sức khỏe cho nhân dân. Trong thời gian phòng chống dịch Covid -19, lượng mẫu mà Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM nhận được là rất lớn. Ngoài việc xét nghiệm các bệnh nhân đang cách ly và điều trị tại bệnh viện, Khoa còn xét nghiệm các mẫu cho Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ; phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM xét nghiệm trong từng ổ dịch, tầm soát trong các khu cách ly và tham gia điều tra cộng đồng. Thời gian đầu, Khoa được công nhận là một trong những đơn vị có năng lực xét nghiệm đầu tiên của TPHCM nên áp lực rất lớn về lượng mẫu và thời gian trả kết quả rất cao. Trước yêu cầu này, Khoa phải liên tục cải tiến để càng làm càng nhanh, mà vẫn bảo đảm chính xác. Với số lượng mẫu xét nghiệm lớn, rất nhiều công đoạn nên nhân viên Khoa xét nghiệm thay nhau làm việc xuyên suốt cả giờ nghỉ trưa, chiều tối và đến 21 giờ, đặc biệt có những khâu phải đảm bảo túc trực 24/24. Bác sĩ Đinh Nguyễn Huy Mẫn, Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết đã tập trung xây dựng quy trình và chuẩn hóa quy trình xét nghiệm trong thời gian sớm nhất. Cùng với đó là đào tạo nhân viên để đạt chuẩn kỹ thuật, khi bắt tay vào làm không còn khó khăn nữa. “Đối với công tác xét nghiệm gọi là thầm lặng cũng đúng, bởi vì chúng tôi làm việc trong phòng xét nghiệm. Nhưng cũng rất mong đóng góp hết sức mình cho những công cuộc phòng chống dịch của Thành phố nói riêng và của cả nước nói chung”, Bác sĩ Mẫn nói.

Gắn bó gần 20 năm với công việc phòng cháy, chữa cháy cứu nạn, cứu hộ hết sức nguy hiểm, Thiếu tá Nguyễn Chí Thành, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, đã trực tiếp tham gia 173 vụ cứu nạn, cứu hộ, cứu sống 82 nạn nhân và tìm được 27 thi thể. Thiếu tá Nguyễn Chí Thành chia sẻ, bản thân anh luôn ý thức về nghề của mình là nghề Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ luôn đặt lên trên hết là lòng yêu thương con người. Và để trụ được với nghề cần lòng dũng cảm, gan dạ, bản lĩnh để đối diện với mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. “Qua thực tế rút ra được kinh nghiệm và mình thấy được ý nghĩa nhân văn của công việc, người đi trước truyền lại cho người đi sau, để có ý chí vượt qua nỗi sợ hãi, khó khăn. Tinh thần của anh em cứu hộ, cứu nạn trong đơn vị trao đổi với nhau, gọi là cái tâm để cứu người, giúp người, cứu tài sản cho nhân dân, khi người ta gặp nạn thì mình cứu tức cứu được cái còn trong cái mất”,  Thiếu tá Thành chia sẻ.

Với quan niệm: “Không phải thật dư dả mới chia sẻ”, trong 10 năm qua, bà Nguyễn Thị Hồng Huế, chủ nhà hàng Khải Phương – Quỹ Bàn tay ấm đã âm thầm lặng lẽ làm công việc từ thiện để sẻ chia cùng với những người, những nơi còn khó khăn, thiếu thốn. Từ những bữa ăn dinh dưỡng cho người già, trẻ em, người lao động, siêu thị 0 đồng, học hổng cho học sinh, sinh viên, làm giếng nước cộng đồng, trao sinh kế, xây cầu nông thôn. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, quỹ cũng chung tay nấu hơn 3.000 nồi thịt kho, làm bánh tét mang tặng những công nhân không thể về quê đón tết. Bà Nguyễn Thị Hồng Huế chia sẻ, “Một khoảng thời gian 10 năm không dài và không ngắn để chúng tôi đồng hành, tin tưởng, đoàn kết với nhau để chia sẻ tới những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Ý nghĩa và phương châm hoạt động của Quỹ là trách nhiệm, rõ ràng và khảo sát đầu vào đúng đối tượng, đánh giá hiệu quả đầu ra và giám sát trong suốt quá trình thực hiện của chúng tôi”.

Với cái “Tâm” muốn làm cho cuộc sống xung quanh được hạnh phúc hơn, tốt đẹp hơn, bớt đi những hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, cơ nhỡ... các tấm gương thầm lặng đã âm thầm đóng góp cho xã hội những việc làm nhân ái, nghĩa tình, góp phần quan trọng cho quá trình phát triển của Thành phố, xứng danh là Thành phố nghĩa tình, Thành phố anh hùng, Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.