Phải tiếp tục nghiên cứu, học tập nhiều hơn nữa di chúc của Bác Hồ

(VOH) - Ngày 05/06/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết tâm ra đi tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Cột mốc lịch sử này đồng thời mở ra một giai đoạn mới về sau cho cuộc đấu tranh của Việt Nam chống ách thực dân xâm lược, giành lại quyền độc lập, tự do, dân chủ.

Trải qua 110 năm kể từ sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, cả dân tộc đang tiếp tục duy trì, xây đắp thành quả cách mạng của cha ông cũng như không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội.

VOH phỏng vấn với Tiến sĩ Vũ Trung Kiên – Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.  

Tiến sĩ Vũ Trung Kiên – Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tiến sĩ Vũ Trung Kiên – Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

*VOH: Thưa ông, sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 05/6/1911 xem như một cột mốc quan trọng trong hành trình lịch sử giải phóng dân tộc. Ông phân tích, nhận định về ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa thời đại của cột mốc lịch sử quan trọng này?

Tiến sĩ Vũ Trung Kiên: Đây là một sự kiện trọng đại không chỉ trong cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn là sự kiện trọng đại trong lịch sử Việt Nam.

Hồ Chí Minh (Nguyễn Tất Thành) ra đi không phải người đầu tiên bởi trước đó có rất nhiều người ra đi. Chuyện Nguyễn Tất Thành ra đi nằm trong dòng chảy chung của dân tộc Việt Nam, đó là các sĩ phu trăn trở về con đường cứu nước của dân tộc.

Khi Nguyễn Tất Thành ra đi thì chúng ta đều biết Người đến rất nhiều nước trên thế giới. Cách mạng Tháng 10 Nga nổ ra vào năm 1917 nhưng phải đến năm 1920 thì Nguyễn Ái Quốc mới lần đầu tiên đọc được Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin. Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã từ người yêu nước chuyển sang lập trường con đường cứu nước bằng cách mạng vô sản.

Tôi nghĩ rằng, sự kiện này đặc biệt và quan trọng ở chỗ Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh ra đi đã tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc chúng ta và cũng chấm dứt khủng hoảng của các con đường cứu nước của các sĩ phu trước đó.

*VOH: Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử quý giá kết tinh trí tuệ, tâm hồn, tình cảm, đạo đức của Bác. Theo ông, đâu là những bài học về tư tưởng, đường lối từ Di chúc của Bác có giá trị soi chiếu đến tận ngày nay, trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với cộng đồng thế giới?

Tiến sĩ Vũ Trung Kiên: Tôi nghĩ Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những điều trăn trở, suy tư của Người trước lúc đi xa.

Chúng ta đều biết là trước khi đi xa, Hồ Chí Minh đã có 24 năm làm Chủ tịch nước, Người cũng là người sáng lập, rèn luyện Đảng, vì vậy những lời căn dặn trong Di chúc của Người bao quát và đầy đủ. Gần như mọi chuyện lớn bé, to nhỏ, mọi giai tầng đều có mặt trong “Nỗi lo muôn mối như lòng mẹ” – như Tố Hữu, của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước khi ra đi.

Trong Di chúc, một vấn đề được Hồ Chí Minh rất quan tâm là chăm lo cho những con người cụ thể ở các giai tầng của xã hội. Nhìn lại công cuộc xóa đói giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, phòng chống dịch Covid-19 hiện nay ở Việt Nam và so sánh với nhiều khác trên thế giới, chúng ta thấy rằng những lời căn dặn của Hồ Chí Minh về chăm lo cho mọi giai tầng trong xã hội, nhất là những người yếu thế đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện khá tốt.

Việc thứ hai, chúng ta biết Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm và Người căn dặn việc đầu tiên chính là xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Rõ ràng trong nhiệm kỳ qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm rất tốt công việc này.

Vị thế, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ được củng cố trong nước mà cả trên trường quốc tế. Đại hội XIII của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được 368 bức điện chúc mừng từ các chính đảng, các nhà lãnh đạo, các tổ chức trên thế giới.

Một việc thứ ba rất quan trọng và là tư tưởng bao quát của Bác Hồ, chính là tư tưởng Việt Nam muốn là bạn với các nước. Rõ ràng, trong thế giới ngày hôm nay, tư tưởng của Hồ Chí Minh về vấn đề đoàn kết các dân tộc, đoàn kết giữa các chính Đảng trên thế giới càng mang tính thời sự.

Bây giờ, chúng ta sẵn sàng quan hệ với các chính Đảng cầm quyền và tham chính trên thế giới vì lợi ích tối cao của quốc gia, dân tộc. Ngoài ra, không thể không nhắc tới thông điệp về đoàn kết quốc tế, hòa bình trong Di chúc của Hồ Chí Minh.

Một điểm nữa là những tư duy đổi mới vượt thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng đời sống mới. Chẳng hạn Người căn dặn những gì cũ kỹ, hư hỏng thì phải bỏ đi. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng.

Chúng tôi nghĩ đấy là những nét đặc biệt của Di chúc Bác Hồ.

Nói như nhà văn Sơn Tùng, tức là chuyện về Hồ Chí Minh “Cả trăm năm chưa dễ thấu ngọn nguồn”. Chúng ta còn phải tiếp tục nghiên cứu nhiều hơn, học tập nhiều hơn nữa để hiểu thêm về trăn trở, suy tư của Bác Hồ trước khi Người ra đi.

*VOH: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thời gian qua không chỉ thúc đẩy lành mạnh phong trào thi đua trong cơ quan Đảng và Nhà nước mà còn lan rộng đến nhiều ngóc ngách cuộc sống đời thường của người dân với nhiều gương điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu. Ông nhận xét như thế nào về chủ trương đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hiện nay?

Tiến sĩ Vũ Trung Kiên: Tôi là người có điều kiện đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người thuộc các giai tầng khác nhau của xã hội, từng đi tới những “ngóc ngách” trong đời sống xã hội, đi tới tận các ấp, khu phố ở nhiều nơi, tôi nghĩ là việc học tập và làm theo Bác Hồ đã trở thành quen thuộc với nhiều người và bằng những công việc cụ thể, thiết thực.

Càng đi xuống những nơi thôn ấp, bản làng hay những khu dân cư ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy có nhiều phong trào học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thiết thực.

Chẳng hạn những phong trào dọn dẹp vệ sinh, phân loại rác tại nguồn, hiến máu nhân đạo, bảo trợ bệnh nhân nghèo… ở Thành phố đã lôi cuốn được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, trong đó có cả sự tham gia của các tổ chức tôn giáo.

Chúng tôi cho rằng, đó chính là sức lan tỏa của cuộc vận động này và tin rằng còn tiếp tục phát huy hiệu ứng xã hội trong thời gian tới!

*VOH: Theo ông, Đảng, Nhà nước cùng người dân Việt Nam cần làm gì để tiếp tục phát huy giá trị, ý nghĩ những di sản lịch sử và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chặng đường phát triển tiếp theo?

Tiến sĩ Vũ Trung Kiên: Giáo sư Trần Văn Giàu từng nói một câu rất nổi tiếng “Người ta không thể trở thành Hồ Chí Minh, nhưng mỗi người có thể học được từ Hồ Chí Minh một điều gì đấy”.

Chúng tôi nghĩ, việc học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ đã có sức lan tỏa rất lớn trong xã hội. Cùng với quá trình chăm lo cuộc sống cho người dân, ổn định xã hội, còn một vấn đề rất quan trọng là mong muốn tất cả Đảng viên Đảng Cộng sản đều phải gương mẫu.

Thứ hai là những chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước khi ban hành phải đáp ứng được lợi ích, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Thứ ba cần phải cụ thể hóa những việc làm tức là xem việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Bác Hồ trở thành một việc làm thường xuyên!

*VOH: Xin cảm ơn ông!.