Tiếp nối truyền thống, thế hệ trẻ luôn ghi nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ

(VOH) - Những hy sinh của các thương binh liệt sĩ, mỗi người trong chúng ta mãi không quên vì chính nhờ những hy sinh đó đất nước mới có được ngày nay.

Đất nước đã hòa bình, chiến tranh đã kết thúc nhưng sự mất mát đau thương của các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công cách mạng, người ảnh hưởng chịu di chứng chiến tranh chưa chấm dứt. Vẫn còn biết bao vết thương chưa lành về cả tâm hồn và thể xác mà chúng ta những người được hưởng hòa bình và độc lập của đất nước ngày nay phải có trách nhiệm để góp sức chia sẻ, giảm bớt những mất mát, đau thương đó.

Ngày “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” được chọn vào ngày 27/7 hàng năm là dịp để mọi người nhớ đến những sự hy sinh lớn lao đó và bày tỏ lòng biết ơn đối với những thương binh, gia đình liệt sĩ, những người có công với Tổ quốc.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn có hơn 10.000 phần mộ các liệt sĩ yên nghĩ tại đây.

Ai đã từng đi qua chiến tranh thì sẽ hiểu rằng nỗi đau thương mất mát mà chiến tranh gây ra to lớn đến chừng nào. Cảm giác mất người thân trong gia đình vì chiến tranh, cảm giác mất đi phần thân thể của mình nó đau đớn đến chừng nào. Nói đến chiến tranh là nói đến đau thương mất mát hay nói khác đi cuộc chiến nào mà không hao tổn xương máu nhất là cuộc chiến giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Dân tộc ta đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, đất nước trải qua  hàng chục năm chiến tranh chia cắt hai miền Nam Bắc. Con số anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống hàng triệu người. Đổi lấy hòa bình, cái giá phải trả là rất đắt.

Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”. Từ đó ngày 27/7 được chọn và trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội nhân văn sâu sắc, mang đậm bản sắc truyền thống Việt Nam.

Trong cả nước, Quảng Trị là tỉnh có nhiều nghĩa trang liệt sĩ và cũng là tỉnh có nhiều liệt sĩ nhất nước. Toàn tỉnh có 72 nghĩa trang liệt sĩ và số liệt sĩ nằm tại đây lên đến gần 60.000 người. Trong đó có 2 nghĩa trang quốc gia là nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9.

Cứ đến ngày này thì những ngọn nến được thắp trên hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn hay các nghĩa trang từ cực Bắc đến cực Nam Tổ quốc đều lung linh tưởng nhớ đến những người đã ngã xuống vì độc lập tự do cho đất nước.

Trên những dòng sông, hay trên Biển Đông, những vòng hoa cũng đã được thả xuống trên đầu sóng bạc sóng để tưởng nhớ những cán bộ chiến sĩ quân chủng hải quân đã hy sinh.

Sinh thời Bác dạy: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, yêu thương và giúp đỡ họ”. Khởi đầu từ Sắc lệnh 20/SL, ngày 16-2-1947 “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”, cho đến gần đây là Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, ngày 1-6-2012 và Hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, định hướng cải cách đến năm 2020” đã tiếp tục yêu cầu các cơ quan chức năng: “Nghiên cứu cải cách chính sách ưu đãi người có công, sớm điều chỉnh mức chuẩn bảo đảm tương ứng với mức chi tiêu bình quân toàn xã hội để người có công có mức sống trung bình khá trong xã hội”.

Đó là những quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước về chế độ chính sách cho những anh hùng liệt sĩ, người có công với các mạng. Thực tiễn đã cho thấy Đảng và Nhà nước ta đã làm tốt công tác đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng suốt hàng chục năm qua.

Cả nước hiện có gần 7.000 công trình ghi công liệt sĩ trong đó có 237 đài tưởng niệm liệt sĩ. Cả nước cũng có 90.000 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước -  Mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay còn gần 6.000 mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. 

Thế hệ trẻ ngày này cần phải được giáo dục và ý thức được những gì mà các bạn trẻ đang hưởng chính là nhờ công lao của những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, nhờ xương máu của cha anh đã đổ ra để giành lấy độc lập,thống nhất đất nước, để đất nước có được sự phát triển như ngày hôm nay.

Hơn ai hết, thế hệ trẻ tiếp nối phải là những người ghi nhớ đến công lao của thương binh liệt sĩ, người có công với cách mạng. Qua đó, tiếp bước cha anh phát huy truyền thống cách mạng, biến nhận thức thành việc làm cụ thể để ghi nhớ công ơn đó cũng như sẵn sàng noi gương cha anh trong hành động cách mạng, giữ vững thành quả mà Đảng quân và dân ta đã xây dựng.

Đấu tranh chống suy thoái, xây dựng  Đảng trong sạch vững mạnh theo tinh thần nghị quyết trung ương 4. Chống các hiện tượng tiêu cực,tham nhũng, lãng phí, xây dựng chính quyền vì nhân dân phục vụ và khi đất nước cần thì sẵn sàng hy sinh giữ vững độc lập, tự do cho tổ quốc.

Đất nước hòa bình nhưng không phải không có những nguy cơ khi mà ngoài biên giới, hải đảo, vùng biển, vùng trời chưa yên bình. Những sự hy sinh của lớp lớp cha anh đi trước chỉ có ý nghĩa khi mà các thế hệ sau giữ vững được từng tấc đấc, biển trời của tổ quốc, giữ vững sự yên bình hạnh phúc cho cuộc sống của nhân dân.