Vững mãi niềm tin

(VOH)- Các Mác là một nhà cách mạng vĩ đại. Học thuyết do ông sáng lập là ngọn đèn pha soi sáng con đường cách mạng cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới.

Sự ra đời của chủ nghĩa Mác và sau này là chủ nghĩa Mác-Lê nin đã chấm dứt thời kỳ “mò mẫm như trong đêm tối” của hàng triệu nhân dân lao động dưới ách áp bức bóc lột, tìm đường giải phóng cho mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của C.Mác, VOH xin giới thiệu vài viết “Vững mãi niềm tin” của Nhà báo Lê Công Đồng- Giám đốc ,Tổng biên tập Đài TNND TPHCM.

      

Karl Heinrich Marx (5/5/1818- 14/3/1883).

Loài người tiến bộ đang hướng đến kỷ niệm 200 năm ngày sinh Các Mác (Karl Heinrich Marx). Nhà tư tưởng vĩ đại, Nhà triết học thiên tài, Người đã để lại di sản khổng lồ cho nhân loại trong 3 thế kỷ qua.

Sinh ngày 5 tháng 5 năm 1818, 65 tuổi đời, sớm hoạt động khoa học chính trị, ông đã để lại cho nhân loại một di sản khổng lồ. Chỉ riêng tác phẩm tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Mác đã chính thức ra tuyên ngôn về một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi toàn thế giới. Tuyên ngôn Đảng Cộng sản đã là tác phẩm kinh điển cho giai cấp công nhân và các chính Đảng Cộng sản toàn cầu, làm cho giai cấp tư sản lúc bấy giờ hoảng sợ đến mức cho rằng, với Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Mác đã biến “bóng ma cộng sản” thành hiện thực.

Học thuyết Mác là một hệ tư tưởng vĩ đại của loài người, học thuyết hình thành trên cơ sở tổng hợp lý luận và thực tiễn nhân loại lúc bấy giờ. Học thuyết triết học duy vật biện chứng của Mác không chỉ là đỉnh cao của học thuyết về phép biện chứng duy vật, mà ông còn nắm bắt phép biện chứng trên nền tảng của sự phát triển rực rỡ của các lý thuyết các nhà biện chứng duy tâm trước Mác để xây dựng phép biện chứng trên quan điểm duy vật của mình. Ngoài ra, triết học duy vật biện chứng về lịch sử của Mác đã chứng minh một cách khoa học đầy sức thuyết phục về sự vận động, phát triển của xã hội. Đó là một quá trình lịch sử tự nhiên, là sự thay thế lần lượt các hình thái kinh tế xã hội mà loài người đã và sẽ trải qua.

Về kinh tế chính trị, không chỉ chỉ ra giá trị thặng dư và nguồn gốc sản sinh ra nó mà Mác còn chỉ ra quy luật về giá trị thặng dư. Không chỉ Các Mác nghiên cứu sâu sắc các vấn đề kinh tế chính trị mà Mác còn nghiên cứu chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản thấu đáu đến mức để lại cho nhân loại một bộ sách tư bản đồ sộ, lớn đến nỗi mà khi ông qua đời,  Ăng ghen đã dành toàn bộ phần đời còn lại của mình để tập hợp, biên tập thành một di sản khổng lồ cho nhân loại, Bộ Tư bản của Mác-Ăng ghen.

Về Chủ nghĩa xã hội khoa học, Các Mác đã phát hiện ra vai trò lịch sử của giai cấp vô sản – giai cấp công nhân ngày nay. Với sự thay thế lần lượt các hình thái kinh tế xã hội trong lịch sử, các chế độ có giai cấp lần lượt thay thế nhau từ chế độ cộng sản nguyên thủy ban sơ. Đến lượt mình, giai cấp công nhân có sứ mệnh lịch sử, xóa bỏ xã hội có giai cấp và đưa loài người đến một thời đại văn minh cao nhất cho nhân loại, đó là xã hội xã hội chủ nghĩa rồi đến xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Với 3 bộ phận lý luận hợp thành,Các Mác đã đặt nền móng cho học thuyết lý luận khoa học cho loài người, là học thuyết đỉnh cao mà từ ngày ra đời cho đến nay, nó đã và đang có vai trò to lớn trong tiến trình phát triển của lịch sử xã hội loài người. Đánh giá cao vai trò của Các Mác, Lênin đã viết “Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó là học thuyết chính xác. Nó là một học thuyết hoàn bị và chặt chẽ…”

Trong thế kỷ XX, sự lan tỏa của học thuyết Mác Ăng ghen đã làm bùng nổ cách mạng tháng 10 Nga, tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa và góp phần cho các dân tộc bị áp bức vùng lên giành độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ở Việt Nam, sớm phát hiện ra giá trị khoa học của Học thuyết Mác -  Ăng ghen, và giá trị hiện thực của học thuyết Mác ở nước Nga Xô viết do Lê nin lãnh đạo Cách mạng tháng 10 Nga thành công, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sức nghiên cứu và vận dụng học thuyết Mác - Lê nin một cách đúng đắn và sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đảng ta ra đời từ vận dụng lý luận thành lập Đảng Mác xít, sự gắn kết chặt chẽ chủ nghĩa mác Lê nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. 88 năm hình thành và phát triển Đảng đã trung thành với nền tảng lý luận Mác Lê nin, hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. 43 năm qua Đảng tiếp tục lãnh đạo toàn dân xây dựng đất nước theo con đường đã chọn. Đó là chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam. Hơn 30 năm qua tiếp tục thực hiện sáng tạo lý luận Mác Lê nin trong điều kiện mới, Đảng đã kiên trì con đường đổi mới, kiên trì kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt nam, đã đưa đất nước vượt qua khó khăn khủng hoảng, tiếp tục đưa con thuyền cách mạng nước ta đến bến bờ vinh quang.

200 năm di sản Các Mác sẽ còn sống mãi, bất chấp mọi biến động của lịch sử, bất chấp mọi chống phá kẻ thù địch, đóng góp hệ thống lý luận của Các Mác cho nhân loại vẫn còn nguyên giá trị. Các biến động chính trị xã hội của loài người trong cả thế kỷ XX và thập niên đầu thế kỷ XXI đã khẳng dịnh chân giá trị của Mác, ngày nay ”Các Mác vẫn được coi là người có ảnh hưởng nhất”… Ngay cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới đầu thập niên thứ 2 thế kỷ XXI, loài người lại nghiền ngẫm Mác, giai cấp tư sản lại nghiền ngẫm Mác, các nhà khoa học lại nghiên cứu Mác, nghiền ngẫm Bộ sách Tư bản để thoát khỏi khủng hoảng, điều mà Mác đã tổng kết thành quy luật và đã chỉ ra từ lúc sinh thời.

Trung thành và sáng tạo lý luận Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta. Chúng ta vững tin vào con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn; vững tin vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam, vào thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và cuối cùng là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.