Việt tấn xã (chính quyền Sài Gòn) ghi lại hình ảnh trận đánh KS Victoria của biệt động Sài Gòn. Ảnh tư liệu (SGGP)
Đó chính là Biệt động Sài Gòn.
Trong hồi ức của ông Trần Minh Sơn (bí danh Bảy Sơn) – nguyên Phó chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng lực lượng biệt động thì tính chất tinh gọn và hiệu quả, nhắm thẳng vào những điểm chính yếu của kẻ thù để hành động khiến chúng phải khiếp sợ được quán triệt trong quá trình chiến đấu. Bên cạnh đó, bí mật - ngăn cách, người này không biết người kia là nguyên tắc để bảo tồn lực lượng hoạt động lâu dài. Với ông Bảy Sơn thì chính lý tưởng cao đẹp giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị đã sinh ra những người anh hùng mang tên "biệt động Sài Gòn". Họ luôn tâm niệm sống chết quang vinh, trước kẻ thù không sợ, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào mà Đảng giao phó. Nhớ về những tháng ngày kề vai sát cánh cùng những chiến sĩ biệt động, ông Bảy Sơn bồi hồi kể : "Tinh thần sĩ khí quân ta phải nói là một tinh thần cách mạng, khí phách dân tộc Việt Nam truyền lưu từ đời này qua đời khác, cho tới anh em biệt động, khí phách đó thể hiện ngay trên chiến trường Sài Gòn, bút mực không tả được".
Một trong những điều làm nên kỳ tích của lực lượng đặc biệt ở nội thành chính là yếu tố lòng dân. Lực lượng tại chỗ hoạt động trong lòng địch sống trong dân, dưới sự che chở đùm bọc của nhân dân. Ông Bảy Sơn cho biết tình dân sâu đậm lắm, chính ông cũng giả dạng thương buôn và nhiều vai trò khác để điều nghiên tình hình nhưng khi gặp nguy biến cũng chính những người dân sẵn sàng bảo vệ ông. Do đó, trận địa xây giữa lòng người là vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ làm nên những chiến công của biệt động thành trong những năm đánh Mỹ gian khổ.
Năm nay gần bước sang tuổi 90 nhưng hình ảnh những chiến sĩ biệt động mưu trí, dũng cảm còn in mãi trong tâm trí người chỉ huy này. Ông kể với niềm tự hào về những chiến tích thần kỳ của những con người rất đỗi bình thường. Đó là chuyện sử dụng cối 82 ly không bàn đế trong trận đánh Sở chỉ huy tướng Westmoreland. Có lẽ, đây là chuyện cả thế giới chỉ có biệt động mới dàm làm. Để dằn đứng cối pháo to và nặng, một đồng chí đã ôm cối pháo để một đồng chí bỏ trái. Ba quả pháo nện vào Sở chỉ huy, trong đó có một quả rơi thẳng vào xe chở lính Mỹ chuẩn bị đi càn. Tiếng nổ long trời lúc tờ mờ sáng đã khiến quân Mỹ bàng hoàng.
Dù bất kỳ trận đánh nào, các đội viên biệt động đều kề vai sát cánh đoàn kết, hỗ trợ nhau chiến đấu. Kể đến đây, ông Bảy Sơn không thể nào quên trận đánh đại sứ quán thứ 1 ở Hàm Nghi do đồng chí Bảy Bê làm tổ trưởng. Đây là trận đánh gây tiếng vang lớn trên thế giới khiến Mỹ và chư hầu khiếp sợ. Để đánh tòa đại sứ quán Mỹ được canh gác nghiêm ngặt với nhiều tầng lớp lính canh gác, các chiến sĩ biệt động phải điều nghiên rất kỹ càng, cuối cùng để đưa khối thuốc nổ 150 kg áp sát tòa nhà, anh hùng Lê Văn Việt xung phong thực hiện nhiệm vụ đánh lạc hướng quân địch. Tình hình căng thẳng như dây đàn, song chính sự mưu trí, dũng cảm và yểm trợ lẫn nhau đã làm nên thành công trận đánh. Chiến công nối tiếp chiến công, những trận đánh như khách sạn Caravelle, trận đánh tàu USS Card, trận đánh nhà hàng Mỹ Cảnh, đánh cường tập vào rạp hát Kinh Đô… một lần nữa khẳng định sức mạnh của lực lượng biệt động thành.
Những chiến công ấy được tiếp nối trong cuộc tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968. Đây là thời điểm quan trọng, lực lượng biệt động phải tập trung toàn lực với ý chí cao. Các trận đánh vào các cơ quan đầu não được lực lượng biệt động thành thực hiện nhanh chóng. Ông Phan Văn Hôn, chiến sĩ biệt động tham gia trận đánh vào Dinh Độc Lập không thể nào quên thời khắc quan trọng này. Ông kể, khi đó gia đình đồng chí Năm Lai là cơ sở của ta tại Sài Gòn, đồng chí Năm Lai là người thiết kế trang trí cho Dinh Độc Lập nên có điều kiện ra vào Dinh và nắm rõ mọi ngóc ngách tại đây. Trận đánh Dinh Độc Lập gặp trở ngại do trái bộc phá 250 kg nụ xòe bị lép do đó buộc các chiến sĩ phải dùng pháo kích nổ nên có tiếng động bị phát hiện, ngay lập tức đạn bắn từ nóc Dinh xuống gây thương vong cho ta. Các chiến sĩ biệt động giao chiến và làm chủ 30 phút đầu. Thế nhưng, tình thế bất lợi do lực lượng ta quá mỏng, phải rút vào an toàn. Ông Phan Văn Hôn kể: "Lối đánh của mình là cường tập ! Dẫu rằng trên đường từ nơi xuất phát đến mục tiêu, có bị lộ trước đi nữa vẫn nổ súng tiến công không lùi bước. Dẫu hy sinh một phần ba quân số hay nửa quân số đi nữa thì cũng tới mục tiêu, còn đồng chí cuối cùng cũng phải cho nổ bằng được Dinh Độc Lập. Theo yêu cầu tuyệt đối phải quán triệt, tuyệt đối phải giữ bí mật. Khi đánh Dinh Độc Lập chỉ có ba xe nhưng phải có hai ba phụ xế. Ví dụ như súng có xả, tay lái đã gục thì đồng chí khác tiếp tục phóng lên lao tới, trên đường cứ tiếp tục tiến công không chùn bước".
Trong chiến dịch Mậu Thân, lực lượng biệt động chỉ có 80 người từ các đội nhưng đã hy sinh gần hết trong những trận đánh Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tổng tư lệnh, Đài Phát thanh, Tổng Nha cảnh sát, Dinh Độc Lập… Đây là tổn thất nặng nề, hy sinh lớn lao không gì so sánh được. Thế nhưng, biến đau thương thành hành động, dù sau chiến dịch Mậu Thân, Mỹ - Ngụy rà soát đề phòng rất gắt gao, song lực lượng biệt động vẫn bền gan vững chí lập thêm những chiến công vang dội khiến chúng phải nể sợ.
Bà Nguyễn Thị Hùng Thanh, nữ chiến sĩ biệt động tham gia trận đánh vào Cư xá hải quân Mỹ cho biết, khi đó cấp trên nhận thấy cần phải bổ sung biệt động nữ cho những kế hoạch sắp tới, nên những trận đánh sau 1968, nữ hoạt động nhiều hơn nam. Năm ấy vừa tròn 18 tuổi, bà cùng 3 nữ đồng chí khác được giao đánh mục tiêu này. Trận đánh ở đường Lê Lai làm tiêu hao nặng nề sinh lực địch đã trở thành câu chuyện chiến đấu không quên của lực lượng biệt động. Với nữ biệt động Hùng Thanh thì được là chiến sĩ biệt động, được chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp là vinh dự lớn lao: "Tôi được đứng trong hàng ngũ của đội biệt động Sài Gòn, ở trong đội 5 - là đội được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang, sau này có thành lập đội nữ là đội biệt động Sài Gòn, tôi ở trong đội này. Sau tất cả trận đánh đó, tôi về ngoài gặp thủ trưởng, báo cáo tình hình rồi học tập, ăn những bữa cơm liên hoan trong những ô ngăn cách bí mật nhưng chúng tôi có cảm xúc rằng đó là đồng đội của mình ngồi bên kia, tuy không thấy mặt nhưng một lòng với mình". Bà Thanh tâm sự.
Mang trong mình lý tưởng cao đẹp của người chiến sĩ Cộng sản, dẫu hy sinh, tù đày vẫn giữ vững khí tiết, những chiến sĩ biệt động Sài Gòn đã sống, chiến đấu bằng ngọn lửa cháy bỏng trong tim. Không gì đẹp hơn những vần thơ mà mỗi người đều nhớ khi nói về họ - những chiến sĩ biệt động của thành phố anh hùng:
“Đoàn kết một lòng
Mưu trí vô song
Dũng cảm tuyệt vời
Trung kiên bất khuất”
40 năm trôi qua, những đội viên của đội biệt động Sài Gòn năm xưa giờ không còn mấy người, phần nhiều đã hy sinh trong các trận đánh oanh liệt vào sào huyệt của địch trong những năm đánh Mỹ ác liệt. Số khác đã mất do tuổi cao sức yếu. Thế nhưng, những chiến công lẫy lừng, vang dội của lực lượng biệt động Sài Gòn sẽ mãi đậm sâu trong trái tim của mỗi người dân thành phố hôm nay và mai sau.