Chiến thắng Xuân Lộc làm thay đổi lớn về tương quan trên chiến trường

(VOH) - Xét về ý nghĩa của chiến dịch Xuân Lộc, trong tổng thể toàn bộ mùa Xuân 1975 thì có thể nói sau Buôn Ma Thuột, sau Tây Nguyên, sau giải phóng Huế và Đà Nẵng thì việc giải phóng Xuân Lộc có ý nghĩa rất lớn.


Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 là sự phát triển tất yếu của các chiến dịch với các quy mô khác nhau trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là sự phối hợp chặt chẽ giữa đòn tiến công của các binh đoàn chủ lực với bộ đội địa phương và nổi dậy của quần chúng nhân dân, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong các chiến dịch ấy, chiến dịch Xuân Lộc là đòn tiến công của quân chủ lực vào khu vực trọng yếu của địch. Đây là vị trí có tầm quan trọng chiến lược, được mệnh danh là “cánh cửa thép” bảo vệ “thủ phủ” của chính quyền Sài Gòn. Chiến thắng Xuân Lộc đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu, góp phần phát triển nghệ thuật chiến dịch của chiến tranh cách mạng Việt Nam, có giá trị tinh thần đối với quân và dân ta trước khi bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Phóng viên Đài phỏng vấn Phó Giáo sư-Tiến sĩ, Thiếu tướng Vũ Quang Đạo-Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lịch sử quân sự xung quanh những nội dung trên.

Mặt trận Xuân Lộc. Ảnh: Wiki

* Thưa Thiếu tướng, mảnh đất Xuân Lộc cách đây 40 năm được chế độ Sài Gòn gọi là "Cánh cửa thép” để bảo vệ Sài Gòn. Vậy chiến thắng Xuân Lộc đã tạo ra thế và lực cũng như tương quan chiến trường như thế nào?

- Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Về chiến thắng Xuân Lộc, mùa xuân năm 1975 thì có rất nhiều vấn đề cần phải bàn, nhưng để hiểu rõ hơn về Xuân Lộc thì phải thấy được bối cảnh chung trước khi chiến dịch này nổ ra.

Để thực hiện kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định chọn chiến trường Tây Nguyên là trọng tâm, trọng điểm và mở màn là trận Buôn Ma Thuột, trận có ý nghĩa then chốt chiến dịch, có ý nghĩa mang tính đột phá chiến lược. Trong tình huống đó dẫn đến phía chính quyền Sài Gòn mắc phải sai lầm chiến lược là rút bỏ Tây Nguyên. Việc rút bỏ Tây Nguyên đã tạo khoảng trống, tạo địa bàn đứng chân cho chúng ta. Bởi vì, từ Tây Nguyên có thể cắt duyên hải miền Trung, cắt đôi 2 vùng chiến lược của địch. Đồng thời có thể đi thẳng xuống miền Đông Nam Bộ, tiến đến Sài Gòn. Với chiến thắng này đặt ra cho chúng ta mấy vấn đề:

Thứ nhất là cùng với Phan Rang thì Xuân Lộc đã làm tiêu hao một lực lượng lớn sinh lực của địch và vũ khí phương tiện. Bởi vì, ở đây lực lượng địch bố trí khá dày đặc. Như vậy, cùng với việc tiêu diệt sinh lực địch thì đặt ra luôn vấn đề thứ hai là chúng ta đã giải quyết được việc không cho địch co cụm về Sài Gòn và như thế sức tác chiến và sức phản kháng của quân đội Sài Gòn ở trong thành phố không lớn.

Vấn đề thứ hai, chiến thắng Xuân Lộc có ý nghĩa hết sức lớn là vì đối phương coi Phan Rang là “Lá chắn thép”, coi Xuân Lộc là “Cánh cửa thép”. Và đặc biệt Xuân Lộc mạnh hơn rất nhiều so với Phan Rang mà còn bị phá vỡ. Và sau Xuân Lộc thì hầu như không còn lực cản nào quá lớn trên con đường chúng ta tiến về Sài Gòn. Chính vì thế, Xuân Lộc thất thủ đã tạo ra khủng hoảng cao độ về chính trị, tinh thần cũng như về tâm lý của quân đội và chính quyền Sài Gòn. Sau khi Xuân Lộc thất thủ thì chúng ta nhận định thời cơ để bắt đầu chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Chính trong tình huống đó ta đã quyết định thành lập Bộ Tư lệnh giải phóng Sài Gòn-Gia Định mà sau này được Bộ Chính trị cho phép được mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh.

* Vai trò và ý nghĩa của mặt trận hướng Đông với chiến thắng Xuân Lộc góp phần quan trọng như thế nào trước chiến dịch Hồ Chí Minh?

- Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Đối với Xuân Lộc trước chiến dịch Hồ Chí Minh thì trong cái thế của chúng ta sau khi giải phóng Tây Nguyên, giải phóng Huế và giải phóng Đà Nẵng thì Xuân Lộc trở thành một cái đinh chốt để án ngữ con đường tiến công chủ yếu của chúng ta tiến về Sài Gòn. Nếu như không giải quyết được Xuân Lộc thì cánh cửa mở vào Sài Gòn sẽ bị vướng và cũng vì điều đó cho nên Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố tử thủ Xuân Lộc để giữ Sài Gòn được một thời gian và làm con bài để mặc cả với chúng ta về chính trị.

* Ông nhận định như thế nào về những bài học kinh nghiệm rút ra từ chiến thắng Xuân Lộc trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay?

- Thiếu tướng Vũ Quang Đạo: Xét về ý nghĩa của chiến dịch Xuân Lộc, trong tổng thể toàn bộ mùa Xuân 1975 thì có thể nói sau Buôn Ma Thuột, sau Tây Nguyên, sau giải phóng Huế và Đà Nẵng thì việc giải phóng Xuân Lộc có ý nghĩa rất lớn.

Một là khẳng định thời cơ cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng là giải phóng Sài Gòn đã đến. Vấn đề thứ hai, Xuân Lộc dã tạo ra một thế áp đảo Sài Gòn và Xuân Lộc được mở thì Sài Gòn gần như đã bị bỏ ngỏ cánh cổng. Vấn đề thứ ba về tinh thần thì Xuân Lộc được giải phóng một mặt gây tâm lý hoảng loạn của chính quyền và quân đội Sài Gòn. Còn về phía ta đó là sự động viên, khích lệ hết sức lớn cho quân và dân ta, đối với các lực lượng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh.

Về mặt quốc tế họ đánh giá rằng: Sau thất thủ Đà Nẵng thì việc chính quyền Sài Gòn sụp đổ chỉ còn tính bằng ngày và giờ, nhưng đến khi Xuân Lộc thất thủ thì báo chí phương Tây đã từng nói : Xuân Lộc thất thủ báo hiệu rằng việc chính quyền Sài Gòn sụp đổ chỉ còn tính bằng giờ. Như vậy khẳng định một xu thế tất yếu chiến thắng Xuân Lộc có ý nghĩa rất lớn, mất Xuân Lộc coi như đã cận kề mất Sài Gòn.

Còn về phía chúng ta rút ra bài học lịch sử của chiến thắng này thì thứ nhất đại thắng mùa Xuân 1975 mà riêng chiến dịch Xuân Lộc là kết quả của việc tích lũy xây dựng lực lượng, cả lực lượng chính trị, lực lượng quân sự. Vì nếu không có các lực lượng này thì không thể tạo ra thời cơ và nắm bắt thời cơ. Vấn đề thứ hai, nói đến chiến tranh phải nói đến thế. Cái thế của chúng ta trong mùa Xuân 1975, đã được tạo ra từ trước là thế chiến lược. Thế đó đã được thay đổi sau khi Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên giải phóng. Thế này chính do lực và do mưu của chúng ta tạo ra. Khi đã có thế và chúng ta đã biết tận dụng thế đó. Vấn đề thứ ba là vấn đề thời cơ. Nắm được thời cơ thì không đơn thuần là thời cơ do khách quan đem lại mà thời cơ phải khẳng định là do nhân tố chủ quan, do lực và do mưu của chúng ta, do trí tuệ của những người lãnh đạo, chỉ huy và do sức chiến đấu mãnh liệt của nhân dân và quân đội. Đây là 3 vấn đề hết sức then chốt trong nghệ thuật quân sự.

* Cảm ơn ông.