Đổi thay ở Chiến khu An Phú Đông – Thạnh Lộc - vườn Cau đỏ hôm nay

(VOH) - An Phú Đông – Thạnh Lộc là mảnh đất nằm giữa ngã ba sông Sài Gòn, một chiến khu kiên cường anh dũng đã ghi dấu ấn vào lịch sử quân và dân Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn với tên gọi “vườn Cau đỏ” trong hai cuộc kháng chiến. Mảnh đất giàu tuyền thống cách mạng năm xưa - nay là các phường An Phú Đông, Thạnh Lộc và Thạnh Xuân thuộc Q12 đã thay da đổi thịt từng ngày.
Bà Nguyễn Thị Thành, một người dân đã cùng gia đình từng bám trụ nơi đây trong 2 cuộc kháng chiến cho biết.
 
Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân (bìa phải) thăm hỏi các mẹ Việt Nam anh hùng tại huổi họp mặt  truyền thống Chiến khu An Phú Đông năm 2012- Ảnh minh họa - Tuổi Trẻ.

Trong 2 cuộc kháng chiến, nơi đây cau mọc thành rừng, là căn cứ địa lợi hại của ta đã làm cho giặc hoang mang lo sợ và gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề. Chính vì thế, địa hình này là mục tiêu mà địch hướng đến để tiêu diệt. Chúng liên tục bắn phá và dội bom nhiều tới nước vườn cau úa màu, chết dần. Tên gọi "vườn Cau đỏ” có từ đây. Vườn cau chết nhưng chúng không thể đàn áp được lòng yêu nước và ý chí khát khao độc lập hòa bình của người dân nơi này.

Trong hai cuộc kháng chiến các thế hệ cha anh đã nối tiếp nhau đi theo cách mạng làm nên nhiều chiến công trên quê hương mình. Mảnh đất này có 300 liệt sĩ đã hy sinh, hàng trăm thương binh, 15 mẹ Việt Nam anh hùng và hàng trăm gia đình chính sách có công. Đây thực sự là một đóng góp to lớn của địa phương trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Dù bị chiến tranh tàn phá nặng nề nhưng sau ngày miền Nam giải phóng, đảng bộ chính quyền và nhân dân nơi đây đã phát huy truyền thống cách mạng cùng nhau chung sức xây dựng lại quê hương ngày càng giàu đẹp.

Sự đổi thay dễ dàng nhận thấy trên vùng đất chiến khu xưa là tại 3 phường An Phú đông, Thạnh Lộc và Thạnh Xuân, các công trình giao thông, trường học, khu vui chơi giải trí, nhà văn hóa mọc lên san sát. Từ năm 2012  đến nay, đã có trên 11 km đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa bằng nguồn lực xã hội hóa, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và phục vụ tốt hơn đời sống của người dân. Hàng trăm hộ dân của 3 phường đều tình nguyện hiến đất làm đường và nới rộng hẻm. Điều này cho thấy ý thức xây dựng quê hương của người dân rất cao nên bộ mặt địa phương đã thay đổi từng ngày...ông Vũ Anh Đức, Phó bí thư, Chủ tịch UBND phường Thạnh Xuân nói.

Nhiều loại cây như hoa lan, cá  kiểng, bò sữa đã được bà con chọn để trồng và nuôi thành công trên mảnh đất đã bị bom cày, đạn xới ngày nào góp phần đưa kinh tế vùng đất anh hùng ngày càng phát triển…

Kinh tế khấm khá, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt hơn, người dân tích cực tham gia tốt các phong trào của địa phương, gần 98% số hộ dân của 3 phường đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 100% hộ dân có điện sử dụng; gia đình nào cũng có phương tiện nghe, nhìn, cuộc sống được cải thiện rõ rệt; con cái được học hành chu đáo, người lao động có công ăn việc làm ngay tại địa phương… Những con đường lầy lội ngày nào, giờ đã được nhựa hóa và bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và sinh hoạt.

Ông Lê Văn Nguê – Bí thư phường Thạnh Lộc cho hay với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội chúng tôi khá yên tâm bởi hoạt động thương mại – dịch vụ sản xuất kinh doanh của phường luôn ổn định, có tốc độ tăng trưởng khá.

Nhiều khu dân cư khang trang, trung tâm thương mại, nhiều tòa nhà cao tầng, nhiều nhà xưởng, xí nghiệp mọc lên trên địa bàn phường An Phú Đông, Thạnh Lộc, đã góp phần tạo nên bộ mặt đô thị hiện đại và chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại, dịch vụ.

Bên cạnh công tác phát triển kinh tế-xã hội, địa phương luôn cố gắng gìn giữ và trân trọng di tích lịch sử Chiến khu An Phú Đông – vườn Cau đỏ” - một trong những điểm son tô thắm lịch sử của quân và dân quận 12. Anh Nguyễn Thanh Tân – Bí thư Đoàn TN phường Thạnh Xuân tâm sự.

Phát huy truyền thống cách mạng, phát huy sức mạnh của nhân dân cùng nhau đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đưa vùng đất chiến khu năm nào phát triển ngang tầm với các địa phương khác… Bà Nguyễn Thị Cẩm Lệ - Phó Bí thư phường An Phú Đông  nói.

Về chiến khu An Phú Đông – Thạnh Lộc "vườn Cau đỏ” trong những ngày tháng 4 lịch sử này khi cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 40 năm ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, chúng tôi vui lây với niềm vui của người dân vùng ven nay đã đô thị hóa lên văn minh hiện đại. Những ai đi xa nay về lại An Phú Đông - Thạnh Lộc- Thanh Xuân hẳn sẽ rất ngạc nhiên vì không còn thấy bóng dáng của làng quê nghèo xưa kia. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã mang lại cho "vườn Cau đỏ” sự chuyển mình đáng phấn khởi.