Nhà văn hóa Thanh niên - 40 năm lớn lên cùng thành phố

(VOH) - 40 năm phát triển cùng Thành phố sau ngày đất nước thống nhất, đã có những cái tên, những địa điểm không biết từ bao giờ đã trở nên hết sức thân thuộc với nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp nhân dân thành phố mang tên Bác.

Có thể kể tên như Nhà Văn hóa Thanh niên, Cung Văn hóa lao động, Nhà Văn hóa Phụ nữ, Nhà Thiếu nhi TPHCM…góp phần cùng thành phố chăm lo đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Không đơn thuần chỉ là sân chơi, là nơi sinh hoạt giải trí, học tập kỹ năng, sáng tạo… đó còn là ngôi nhà chung của rất nhiều lứa tuổi, nhiều đối tượng khác nhau…

“Ngày hội Mùa Xuân Biển Đảo” tại Nhà văn hóa Thanh niên. Ảnh: vnp

40 năm thành phố hoàn toàn được giải phóng cũng là 40 năm địa chỉ số 04 Phạm Ngọc Thạch trở thành “địa chỉ đỏ” của các phong trào, các hoạt động dành cho học sinh – sinh viên và thanh niên TPHCM.

Lần dở lại quá khứ, những ngày trước giải phóng, địa chỉ này (04 Duy Tân) còn là trung tâm đấu tranh chính trị của thanh niên, sinh viên, học sinh do Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định trực tiếp lãnh đạo…Đây cũng là nơi xuất phát các phong trào đòi hòa bình, thống nhất đất nước, đòi tự trị đại học, chống đôn quân bắt lính và là nơi chứng kiến của những đêm không ngủ, đốt lửa căm thù của tuổi trẻ thành phố…

Đất nước hoàn toàn giải phóng, nơi đây lại tiếp bước truyền thống vẻ vang của mình, tiếp tục vạch ra những phong trào, những hoạt động sôi nổi, thu hút hàng triệu lượt thanh niên tham gia.

Có thể nói, dấu ấn của Nhà văn hóa thanh niên (NVHTN) vẫn đọng mãi trong lòng nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và thanh niên TPHCM. Đó là sự trẻ trung, năng động, sôi nổi và lôi cuốn của các phong trào sinh hoạt văn hóa, văn nghệ mà nơi đây đã phát động. Cũng từ những hoạt động đó, những cách làm hay, những chương trình ý nghĩa đã được nhiều địa phương nhân rộng. Ông Trần Mai Sinh, Trưởng Phòng Tổ chức hành chính Nhà Văn hóa thanh niên, người có gần 40 năm gắn bó với “địa chỉ đỏ” này cho biết: Hoạt động có lẽ để lại dấu ấn sâu đậm nhất của Nhà văn hóa Thanh niên ngay sau ngày giải phóng đó chương trình Hát với nhau. Những năm đó, các điểm vui chơi, giải trí và sinh hoạt văn hóa văn nghệ dành cho thanh niên còn ít nên Nhà văn hóa Thanh niên đã mở ra chương trình Hát với nhau – như một sân chơi tinh thần cho những người trẻ vào dịp cuối tuần.

"Hồi đó, các quán cà phê dành cho thanh niên cũng chưa có nhiều, thể thao không, cạ nhạc cũng không, kịch cũng chưa có…chúng tôi làm hình thức này cũng giống như một cách để tập hợp thanh niên chứ không nghĩ là phát triển như bây giờ. Hồi đó ca sĩ cũng không như bây giờ, họ ngồi hát cũng gần gũi với quần chúng, thành ra chúng tôi nghĩ hay là cho quần chúng hát luôn. Thành ra một phong trào ca hát phát triển khí thế với dòng nhạc cách mạng mà ai cũng hát được. Đây chính là mô hình mà tôi thấy sau đó đã phát triển rộng ra, cho đến bây giờ vẫn còn được áp dụng", ông Trần Mai Sinh nhớ lại.

Ít ai biết rằng, những gương mặt ca sĩ thành danh trong làng nhạc Việt Nam hiện nay cũng đã từng nuôi dưỡng ước mơ, đam mê trong những chương trình Hát với nhau tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ ngày đó. Ca sĩ Cẩm Vân nhớ lại, những năm 80 của thế kỷ trước, tuổi trẻ và khát khao thỏa sức được thể hiện, được giao lưu đã khiến chị không ngần ngại khi biểu diễn trước đám đông, dù lúc ấy, chị chưa phải là ca sĩ chuyên nghiệp như bây giờ.

Chỉ là nhân viên kế toán, song với niềm đam mê ca hát, ca sĩ Cẩm Vân đã đều đặn xuất hiện trong các chương trình Hát với nhau vào thứ 7 hàng tuần, để gửi đến tuổi trẻ khi ấy những ca khúc cách mạng hào hùng, Về Mẹ, về những Bài ca không quên, để rồi, tên tuổi của chị đã vượt ra khỏi không gian Nhà văn hóa và chính thức vang xa từ đó. Ca sĩ Cẩm Vân hồi tưởng: "Trong không khí này mình nhớ lại một thời trẻ, rất vui mỗi lần đến Nhà văn hóa Thanh niên để hát. Lúc đó, hầu hết HSSV đều cùng nhau hát lên, không khí rất vui. Mà thời điểm đó, thành phố mình cũng không có gì để chơi, để giải trí nên phong trào Hát với nhau phát triển rất mạnh. Cẩm Vân mãi nhớ về thời điểm đó. Lúc đó mình được mời đến dù chưa phải là ca sĩ chuyên nghiệp. Mình khi đó chỉ mới là nhân viên kế toán, rồi sau đó đại diện cho phường, cho quận đi thi. Rồi cứ như thế, mình đi lên từ từ, từ từ…".

Từ những hoạt động điển hình như thế, các hoạt động của NVHTN đã dần dần lôi cuốn được đông đảo HSSV và thanh niên thành phố tham gia. Từ những hoạt động chỉ tập trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ và chỉ dành cho một số đối tượng hạn chế là những thanh niên tích cực của thành phố. Sau này, các hoạt động của Nhà văn hóa Thanh niên được mở rộng ra trên nhiều lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao…nhiều thành phần, đối tượng khác nhau. Để có thể quản lý hết số lượng thành viên, NVHTN cũng thành lập những CLB, đội để dễ dàng tập hợp và trao đổi.

Có thể nói, xuyên suốt chiều dài lịch sử của NVHTN, mỗi hoạt động đề ra thường gắn liền với mỗi một giai đoạn lịch sử nhất định theo chủ trương chung của thành phố. Trước giải phóng, đây là nơi tập hợp thanh niên, trung tâm đấu tranh công khai của sinh viên thành phố trong sự nghiệp chống Mỹ. Sau giải phóng, để phù hợp với tình hình mới, NVH hướng đến giáo dục thanh niên về lối sống, nếp sống mới trong quan hệ giao tiếp, sinh hoạt, tình yêu và trong lao động, ngay cả trong quan hệ giữa con người với môi trường, với thiên nhiên và trong việc phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe, rèn luyện thể lực.

Đến với NVHTN hôm nay, thanh niên thành phố có thể tìm kiếm cho mình nhiều chương trình rèn luyện, giao lưu thích hợp với nhu cầu và sở thích của mình. "Mỗi giai đoạn mình đều tìm được những điều thú vị khác nhau ở NVHTN. Những dịp như có đá banh hay Giờ trái đất mình cũng đến đây tham gia. Mình nhận thấy các hoạt động ở đây rất đa dạng từ patin, nhảy, múa, võ. Nếu đến đây thì thấy mỗi ngày đều có một sắc thái khác nhau, rất đa dạng và mình nghĩ, những hoạt động ở đây đáp ứng đầy đủ tất cả các nhu cầu ở bất kỳ lứa tuổi nào. Sinh viên như mình thì chủ yếu là học tập, một số bạn khác thì đam mê tập tạ, thể hình, quần vợt cũng có thể tìm thấy ở đây…Nghĩa là cả về thể chất lẫn tinh thần đều có", Nguyễn Quang Thiều, sinh viên năm 4, Trường ĐH Bách Khoa chia sẻ.

Lê Tuyết Nhi, sinh viên năm nhất, Trường CĐ Phát thanh truyền hình 2 cho biết: "Ở đây cũng có nhiều chương trình hấp dẫn, nhiều cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên tham gia rất phong phú và đa dạng. Mới đây nhất là chương trình Giờ trái đất – Hành động xanh giúp cho mình có suy nghĩ tích cực hơn về giờ trái đất và tiết kiệm điện. Tới đây, em cũng mong muốn tổ chức nhiều cuộc thi hơn cho sinh viên, rèn luyện về sức khỏe và những suy nghĩ tích cực về nếp sống cho sinh viên nhiều hơn".

40 năm qua, với nhiều thăng trầm nhưng Nhà Văn hóa Thanh niên luôn tự hào là một trung tâm văn hóa của thanh niên thành phố với những mảng hoạt động lớn như tuyên truyền, giáo dục về lý tưởng cộng sản, giáo dục về lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương cho thanh niên… Đó chính là những hành trang cần thiết để tuổi trẻ lao động, xây dựng và bảo vệ thành phố, bảo vệ quê hương; Là nơi giao lưu gặp gỡ các tài năng, các gương mặt trẻ điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt để thanh niên có dịp trao đổi học tập…Ông Bùi Thanh Liêm, Giám đốc Nhà văn hóa Thanh niên cho biết thêm: "Tôi rất tự hào và mong muốn làm sao nơi đây thực sự trở thành điểm hẹn thực thụ, một nơi định hướng và giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ sau này, để họ nhận biết chiều dài lịch sử của đất nước chúng ta. Từ đó, các anh chị, các bạn thanh niên, sinh viên sẽ hiểu và có những đóng góp cho thành phố của chúng ta phát triển hơn".

Cho đến nay, Nhà văn hóa thanh niên qua đã trải qua 40 năm xây dựng, đã lớn lên và trưởng thành cùng với sức vươn lên của thành phố. 40 năm, hàng triệu thanh niên các thế hệ đã về đây để cùng nhau sinh hoạt, để cùng đọc, cùng nghe, cùng suy nghĩ, học hỏi, tìm hiểu, vui chơi...và trở thành những thế hệ nòng cốt, xung kích trong sự nghiệp xây dựng đất nước...Chợt nghĩ đến các anh chị cán bộ Đoàn 40 năm trước, nay đã ở nhiều vị trí khác nhau với nhiều trọng trách nhưng vẫn có một mẫu số chung với lớp cán bộ Đoàn làm văn hóa đương nhiệm, đó là khẳng định bản lĩnh và cách nghĩ, cách làm mới; phát hiện và tôn vinh những nhân tố mới của tập thể, để cống hiến cho đất nước, góp phần trong công cuộc tiến lên xây dựng trận địa văn hóa nghệ thuật mới.

Bình luận