Thành phố Hồ Chí Minh đi đầu trong hội nhập kinh tế

(VOH) - Với quy mô kinh tế hơn 1/5 của cả nước, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang là một động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Mặc dù chịu tác động tiêu cực của suy giảm và bất ổn của kinh tế toàn cầu, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Hồ Chí Minh vẫn luôn cao hơn 1,5 lần bình quân chung của cả nước. Trong đó, hội nhập kinh tế là yếu tố quan trọng, góp phần tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.

Chủ động đổi mới và mở cửa hội nhập

Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí địa lý, kinh tế đặc biệt quan trọng như: hệ thống mạng lưới cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật và xã hội tương đối đồng bộ, là nơi kết nối giao thông thuận lợi về đường bộ, đường sông, đường biển và hàng không giữa hai miền Đông và Tây Nam bộ với khu vực Đông Nam Á, liên thông vào mạng lưới chung về giao thông với châu Á và thế giới. Có các điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa. "Những năm qua, TPHCM có những bước tiến, hướng đi tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội. Năm 1986, chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của thành phố nói riêng và cả nước nói chung, được đặt ra trên cơ sở đổi mới và mở cửa. Đến nay, sau gần 30 năm hội nhập quốc tế, không còn bó hẹp trong lĩnh vực kinh tế mà còn mở rộng ra tất cả cả lĩnh vực khác, ở mọi góc độ song phương và đa phương,…", ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định.

TPHCM luôn ở vị trí dẫn đầu trong 63 tỉnh - thành về thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: VNS

Kể từ thời điểm Luật đầu tư nước ngoài ra đời năm 1987 cho đến nay, thành phố Hồ Chí Minh luôn ở vị trí dẫn đầu trong 63 tỉnh - thành về thu hút đầu tư nước ngoài. Với tiềm lực mạnh về kinh tế, cơ sở hạ tầng, thành phố Hồ Chí Minh hiện đang thu hút hơn 30% tổng số vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Trong những năm qua, với những nỗ lực của chính quyền và doanh nghiệp, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó phải kể đến: tăng trưởng kinh tế duy trì tốc độ khá và nhanh chóng phục hồi sau khủng hoảng kinh tế; có sự chuyển dịch cơ cấu tích cực, năng lực cạnh tranh được cải thiện; chất lượng hàng hóa, dịch vụ tăng lên; vốn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng; xuất nhập khẩu đạt kết quả khá với các thị trường xuất khẩu ngày càng mở rộng. Tính đến cuối năm 2014, trên địa bàn thành phố đã có hơn 5.300 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 36,28 tỷ USD. Đến nay thành phố đã thiết lập quan hệ kết nghĩa với 34 địa phương khắp 5 châu lục, có quan hệ thương mại với 193 quốc gia.

Năm 2015 là năm hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng với hàng loạt hiệp định thương mại tự do dự kiến kết thúc đàm phán hoặc chuẩn bị kí kết. Đặc biệt Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cuối năm 2015 được thành lập sẽ đem đến các cơ hội cũng như thách thức to lớn.

ASEAN sẽ trở thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ có mức độ ràng buộc pháp lý cao hơn và liên kết sâu rộng hơn, một Cộng đồng thống nhất trong đa dạng, tiếp tục là một tổ chức hợp tác khu vực mở và có vai trò quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương. Điều đó đặt thành phố Hồ Chí Minh và cả nước trước những thuận lợi và thách thức phải vượt qua. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao- Phạm Bình Minh, đánh giá: "TPHCM luôn là đầu tàu của cả nước trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và tiến trình mở cửa hội nhập quốc tế. Vì vậy, đối với thành phố, tôi cho rằng thành phố và các doanh nghiệp cần là những người đầu tiên nắm bắt được cơ hội do tiến trình hội nhập quốc tế đem lại, cũng cần là những người đầu tiên biết cách vượt qua khó khăn, thách thức mà chúng ta gặp phải khi tham gia sâu rộng vào sân chơi khu vực và toàn cầu".

Thách thức trong việc cạnh tranh

Thực tiễn 40 năm đã khẳng định vị trí, vai trò của thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để cạnh tranh ngang tầm với các đô thị lớn trong khu vực ASEAN thì vẫn đang là thách thức lớn đối với thành phố. Hiện nay các chính sách về thể chế kinh tế về pháp luật đã được cải cách mạnh mẽ đang đi vào thực tiễn đáp ứng được mặt bằng chung về môi trường pháp lý như trong khu vực. Cùng với đó, thành phố đang tích cực cùng doanh nghiệp để chuẩn bị tất cả các điều kiện để hội nhập sâu cùng các nước trong khu vực và thế giới. PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính- Marketing, cho rằng: "Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu về độ mở của nền kinh tế. Tức là, nền kinh tế hội nhập quá sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Để giúp doanh nghiệp của chúng ta có thể đương đầu với hội nhập thì chúng ta cần phải được trang bị thêm kiến thức, thông tin. Và thông tin là quan trọng nhất".

Truyền thống năng động, sáng tạo, không dừng bước trước những khó khăn, sẽ là động lực để thành phố tiếp tục phát huy vai trò đi đầu trong việc tạo lập môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh cao đối với khu vực, từng bước trở thành trung tâm kinh tế lớn của đất nước và khu vực Đông Nam Á./.