Âm nhạc dân tộc trên sóng VOH

(VOH) - Bốn mươi năm qua, các loại hình âm nhạc truyền thống Việt Nam luôn chuyển mình sinh ra sức sống mới, theo từng thời kỳ, để cùng toàn xã hội “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Xuất phát từ mục tiêu trên, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) - đã giới thiệu đến thính giả mọi miền nhiều thể loại chương trình âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Những chương trình này đã từng bước góp phần nâng cao sức sống mới của âm nhạc truyền thống, trên sóng phát thanh, bao gồm các mặt chủ yếu như: nội dung bài ca, thể loại âm nhạc, phong cách ca diễn, cũng như nghệ thuật biên tập, dàn dựng, dẫn chương trình, kỹ thuật âm thanh.

Có thể nói, nội dung của hầu hết các tiết mục, chương trình về âm nhạc truyền thống đều được bộ phận Văn nghệ, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM quan tâm, biên tập từ nguồn bài ca được gửi đến của các tác giả, cộng tác viên trên mọi miền đất nước.

Trong mỗi chương trình, Ban biên tập chương trình, Ban tổ chức giải thông qua thông báo thể lệ, gửi đến các tỉnh, thành phố, cũng như những vùng sâu vùng xa, và cả kiều bào hải ngoại. Bộ phận Văn nghệ của Đài, chương trình Câu lạc bộ Tài tử, Cải lương, cũng như hầu hết các nghệ nhân, nghệ sĩ cộng tác viên có tâm huyết đều góp phần giải đáp mọi thắc mắc của thính giả, tập trung chủ yếu vào nội dung bài ca.

Qua mỗi chương trình, mỗi vòng thi, mỗi mùa thi, công chúng đã được thưởng thức những bài ca có nội dung mới, gắn với hơi thở của cộng đồng. Trong đó hàng ngàn bài ca có nội dung mới, phản ánh tâm tư, tình cảm, lòng tri ân với những người đã hy sinh cho độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, ca ngợi sự lãnh đạo của Đảng, tấm gương vĩ đại của Bác Hồ, ca ngợi những thành tựu trong thời kỳ đổi mới, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, xây dựng nông thôn mới, của các tác giả tiêu biểu như: Minh Thùy, Thanh Vũ, Hải Đăng, Thanh Bình, Hùng Tấn,...

Hội thi Giọng ca cải lương Bông lúa vàng do VOH tổ chức (Ảnh: K.Huân)

Những bài ca này được viết theo các điệu nhạc trong 20 bài bản Tổ nhạc Tài tử, vọng cổ, các làn điệu dân ca, thơ.

Chất lượng nội dung bài ca trong các chương trình, các cuộc hội thi được nâng lên rõ rệt, về tính chính trị, văn học, phục vụ tốt yêu cầu chính trị, nhu cầu thưởng thức âm nhạc truyền thống của bạn nghe Đài, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn kết cộng đồng, định hướng thẩm mỹ âm nhạc truyền thống khu vực phía Nam, cũng như trên cả nước.

Cũng qua làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH), nhiều tác giả, soạn giả trẻ được thính giả ái mộ qua những bài ca âm hưởng âm nhạc truyền thống có nội dung mới.

Ban lãnh đạo, Ban biên tập, cũng như Ban Tổ chức các cuộc hội thi, qua từng chương trình, từng mùa thi, đã tham khảo các nhà chuyên môn về âm nhạc truyền thống, để định ra các khúc thức âm nhạc, các thể loại, các bài bản, làn điệu.

Kết quả là, hơn 40 năm qua, làn sóng Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM đã từng bước đưa âm nhạc truyền thống vào đời sống cộng đồng. Âm nhạc truyền thống trên sóng VOH đã góp phần tích cực tạo nên sức sống mới đậm đà bản sắc dân tộc, trong các sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật cộng đồng ở khu vực phía Nam.

Đặc biệt, làn sóng của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM đã đưa đến bạn nghe Đài gần xa nhiều thể điệu nhạc Tài tử, Ca trù, Ca Huế, mà hiếm khi tìm nghe được ở một chương trình nào khác.

Đặc biệt là các thể điệu trong 20 bản Tổ như: Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung, Lưu thuỷ, Phú lục, Bình bán, Xuân tình, Tây thi, Cổ bản, Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc, Tứ đại, Phụng hoàng, Giang nam, Phụng cầu, Vọng cổ...

 Những tác phẩm âm nhạc tuyền thống trên đã được lan tỏa, thẩm thấu vào đời sống văn hóa nghệ thuật cộng đồng, góp phần lớn trong việc quảng bá nghệ thuật Đờn ca Tài tử, thực hiện đề án bảo tồn, phát huy, quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử, một trong những di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Song song đó, các chương trình âm nhạc truyền thống trên sóng VOH đã góp phần trực tiếp giới thiệu đến công chúng những ngón đờn hay của các danh cầm, cũng như những ngón đờn có triển vọng, tạo nên sức sống mới trong mỗi chương trình, mỗi cuộc hội thi, mỗi thời kỳ phát triển. Qua làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, nhiều nhạc sĩ biểu diễn trẻ được thính giả ái mộ qua những chương trình âm nhạc truyền thống có phong cách thể hiện mới.

Tham gia ca diễn trong các chương trình âm nhạc truyền thống trên sóng VOH bao gồm các thí sinh tham gia các Hội thi Giọng ca Cải lương Giải Bông Lúa Vàng, Giải giọng ca hàng tuần, ngoại trừ một số ít thí sinh được học trong các trường văn hóa nghệ thuật, đều là các bạn trẻ, đến từ nhiều ngành nghề khác nhau, nhiều địa phương khác nhau của ba miền, thậm chí có thí sinh là Việt kiều đang sinh sống ở Campuchia.

Nhiều thí sinh trẻ trưởng thành sau cuộc thi

Một số thí sinh, nghệ nhân, ca sĩ có ngữ âm, ngữ điệu đậm chất vùng miền, nhưng các giọng ca đều cùng gần nhau qua ngữ âm, ngữ điệu của âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Các chương trình âm nhạc truyền thống trên sóng Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM đã góp phần gắn kết cộng đồng, thông qua ngữ âm ngữ điệu. Mặt khác, một số âm tiết, giai điệu, luyến láy, cách thể hiện lời ca của các nghệ nhân, nghệ sĩ, thí sinh đậm chất vùng miền đã góp phần lớn trong việc tạo nên sức sống mới cho phong cách thể hiện âm nhạc truyền thống, phù hợp với thẫm mỹ từng thời kỳ.

Cũng qua mỗi chương trình âm nhạc truyền thống, mỗi cuộc Hội thi, thế hệ kế thừa đã góp vào sức sống âm nhạc truyền thống, đặc biệt là của nghệ thuật Đờn ca Tài tử, Cải lương những nhân tố mới, thông qua phong cách ca diễn mới.

Lại nữa, những nghệ nhân, nghệ sĩ, những thí sinh có cách ca diễn có sáng tạo giai điệu mới, cũng như những thí sinh ca những bài ca mới, nội dung mới, được đánh giá cao, góp phần tăng thêm sức sống mới.

Trong hơn 40 năm qua, các chương trình âm nhạc truyền thống trên làn sóng Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM đã giới thiệu đến công chúng nhiều giọng ca hay, có sức truyền cảm, phục vụ cộng tác văn hóa, nghệ thuật truyền thống dân tộc khu vực phía Nam.