Ngày 6/3, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học “Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Chủ trì tọa đàm có các đồng chí: GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS. Phạm Minh Tuấn, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Tọa đàm khoa học “Giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”” được tổ chức nhằm quán triệt, làm sáng rõ hơn và lan tỏa mạnh mẽ giá trị cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến cán bộ, đảng viên, giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, quần chúng nắm vững, quán triệt và triển khai có hiệu quả hơn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát biểu tại tọa đàm, GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, cuốn sách của Tổng Bí thư góp phần giúp cho các ngành, các cấp, tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và nhân dân nắm vững, quán triệt và triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Do đó, cần lan toả, làm sâu sắc hơn giá trị của cuốn sách, cập nhật nội dung cuốn sách vào chương trình giảng dạy đối với các học viên học cao cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các chức danh, các cán bộ được quy hoạch…
Nội dung cuốn sách cần triển khai đến các trường chính trị, trung tâm bồi dưỡng chính trị trên cả nước.
Cán bộ, đảng viên cần phải có trách nhiệm học tập, lan tỏa và phát huy giá trị to lớn của cuốn sách trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ đó, góp phần vào việc xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, xây dựng đất nước ta phồn vinh hạnh phúc.
Với gần 40 bài viết của các tác giả, nhà khoa học gửi tới tham gia, cùng các tham luận trình bày tại tọa đàm đã khẳng định: cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tài liệu có giá trị sâu sắc cả về mặt lý luận và thực tiễn, là “cẩm nang” đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn phong phú và rút ra những vấn đề có tính lý luận về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, tác phẩm đã khẳng định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” với quyết tâm “không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.
Mục tiêu của đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy nhà nước, để phát triển đất nước”; việc xử lý tham nhũng, tiêu cực là để “trị bệnh cứu người”, “kỷ luật một vài người để cứu muôn người, truy tố một vụ để cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực; từ đó để cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa là chính”.
Từ đó, cuốn sách chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, trong đó đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.
Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”, hay “để trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực”, phải xuất phát từ “cái gốc của mọi công việc”, đó là cán bộ và công tác cán bộ, bởi lẽ, “Tiền mất có thể thu hồi lại.
Cán bộ mất phẩm chất chính trị, có thể trở thành phản bội Đảng, nhân dân thì nguy hiểm vô cùng”. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng phải rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình “như rửa mặt hàng ngày”. Cán bộ, đảng viên phải phải luôn tiên phong, gương mẫu trước mọi nhiệm vụ, “đảng viên đi trước, làng nước đi sau”.
Để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả cao nhất, tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trước hết phải giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, bởi “chúng ta nhận thức rằng sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc, là quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa, là nhân tố bảo đảm sự phát triển đúng đắn của đất nước.
Không có sự lãnh đạo của Đảng thì không thể có độc lập dân tộc vững chắc, không có quyền làm chủ thật sự của nhân dân, không có nhà nước của dân, do dân và vì dân theo đúng nghĩa của nó và càng không thể có chủ nghĩa xã hội”.
Để đủ khả năng và điều kiện lãnh đạo cách mạng đúng đắn và có hiệu quả, Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức mạnh của Đảng về mọi mặt, coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ sống còn của toàn bộ sự nghiệp cách mạng.
Mặt khác, phải tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân, coi đây là quy luật tồn tại, phát triển và hoạt động của Đảng, là nhân tố quyết định tạo ra sức mạnh của Đảng. Nhân dân tin ở Đảng, ủng hộ Đảng, theo Đảng làm cách mạng. Còn Đảng làm hết sức mình để phục vụ nhân dân, phát huy vai trò và khả năng sáng tạo không bao giờ cạn của nhân dân.
Cuốn sách của Tổng Bí thư cũng góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tấn công vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta; giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng về mục tiêu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đó giữ vững, củng cố niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của Nhà nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Từ những phân tích đa chiều, trên nhiều góc độ, các ý kiến đã nhất trí cho rằng, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tư tưởng nhất quán, kiên định và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng, về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu vấn đề gợi mở, định hướng và tham góp nhiều giải pháp có giá trị quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, quán triệt và tổ chức thực hiện sâu rộng, hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Cuốn sách có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt cả về lý luận và thực tiễn, thể hiện tư tưởng xuyên suốt, nhất quán, kiên định và đồng thời là sự phát triển sáng tạo, góp phần hoàn thiện tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư thể hiện trong cuốn sách được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động, thể hiện sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục của người đứng đầu Đảng ta.
Toàn bộ những giá trị lý luận và thực tiễn mà cuốn sách mang lại chính là “vũ khí” sắc bén góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta; lan tỏa quyết tâm to lớn ấy đối với cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với nhiệm vụ quan trọng này, do đó đã nhận được sự quan tâm chú ý, đón nhận đặc biệt của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.