Cách dùng thuốc và phòng bệnh phổi trắng do Mycoplasma

VOH - Mycoplasmas là vi khuẩn phổ biến khác với cấu trúc nhân không điển hình khi không có vách tế bào. Vậy làm thế nào để tiêu diệt chúng?

Câu hỏi: Điều trị viêm phổi do Mycoplasma dễ hay khó? Bác sĩ thường kê đơn thuốc kháng sinh thông thường để điều trị các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn. Mycoplasma cũng là vi khuẩn, vậy sử dụng thuốc kháng sinh thông thường có hiệu quả không? Vì sao? Sau khi đã điều trị thành công thì có thể phòng chống bệnh bằng cách nào?

Thông tin bài viết được BS.CKI Nguyễn Văn Tiến, Chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn chia sẻ.

Điều trị viêm phổi do Mycoplasma dễ hay khó?

Điều trị bệnh viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae vừa dễ, vừa khó. Việc chữa bệnh sẽ dễ dàng hơn khi chẩn đoán được tác nhân gây bệnh (vi khuẩn Mycoplasma) và người bệnh uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, bệnh nhân lại rất khó nhận biết bản thân đã nhiễm khuẩn Mycoplasma. 

Cách dùng thuốc và phòng bệnh phổi trắng do Mycoplasma 1
Khi bệnh nhân phát hiện sớm các bất thường ở phổi thì vẫn có thể điều trị bệnh thành công và sinh hoạt bình thường - Ảnh: Canva

Triệu chứng lâm sàng của bệnh không đặc hiệu vì không có sẵn trong cộng đồng. Thậm chí, các bệnh viện cũng khó tiếp cận được các chẩn đoán cao cấp như  PCR hay xét nghiệm sắt huyết thanh.

Tỷ lệ biến chứng của bệnh Mycoplasma ngày càng tăng cao làm cho thời gian điều trị kéo dài. Bên cạnh đó, tỷ lệ kháng thuốc cũng đang ở mức báo động khiến cho bệnh có thể bị biến chứng và nặng thêm.

Có nên diệt vi khuẩn Mycoplasma bằng kháng sinh thông thường?

Kháng sinh thông thường là nhóm kháng sinh Beta Lactam. Nhóm kháng sinh này không có hiệu quả khi điều trị bệnh phổi do Mycoplasma gây ra vì 2 lý do:

  • Thứ nhất: Vi khuẩn ẩn náu bên trong tế bào biểu mô khác với những vi khuẩn thông thường. Vi khuẩn thường sẽ lưu hành trong máu, sau đó đến hệ hô hấp và bám lên trên bề mặt các tế bào biểu mô. Vì vậy, thuốc kháng sinh có thể tiếp cận dễ dàng với các vi khuẩn này. Còn Mycoplasma thì ẩn bên trong tế bào, kháng sinh không thể nào tiếp cận để phát huy tác dụng.
  • Thứ hai: Kháng sinh Beta Lactam chỉ tác động ở các vị trí trên thành tế bào. Trong khi đó, vi khuẩn Mycoplasma thuộc nhóm vi khuẩn không điển hình, không có thành tế bào.
Cách dùng thuốc và phòng bệnh phổi trắng do Mycoplasma 2
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra phổi trắng mà người bệnh sẽ được điều trị theo các phương pháp phù hợp - Ảnh: Canva

Kháng sinh có thể tiêu diệt được Mycoplasma phải thỏa 2 điều kiện: 

  • Thứ nhất: Kháng sinh phải tan trong dầu, tức kháng sinh đó có thể xuyên qua các lớp của tế bào và vào trong tế bào - nơi vi khuẩn đang ẩn nấp. 
  • Thứ hai: Vi khuẩn trong thuốc kháng sinh phải có khả năng kết dính lại với vi khuẩn trên thành tế bào để ức chế sản sinh của vi khuẩn. 

Cho nên, kháng sinh thường dùng điều trị bệnh nhiễm khuẩn Mycoplasma là nhóm Macrolid. 

Cách phòng chống bệnh phổi trắng sau khi điều trị thành công

Những biện pháp phòng ngừa để hạn chế sự lây nhiễm ra môi trường cũng như bảo vệ bản thân người mắc bệnh, gồm:

  • Không nên tụ tập nơi đông người vì đây là nguồn bệnh dễ lây nhiễm. 
  • Khi tiếp xúc với người bệnh hoặc trong môi trường bệnh tật (bệnh viện) hay nơi đông đúc cần phải đeo khẩu trang. 
  • Các vi khuẩn Mycoplasma hay các giọt bắn thường ở trên các bề mặt dụng cụ và bàn ghế, đồ chơi của trẻ em. Vì vậy, cần thường xuyên vệ sinh bề mặt bằng cồn, nước diệt khuẩn. 
  • Không hút thuốc lá và có chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập thể dục đầy đủ để tăng cường hệ miễn dịch. 
Cách dùng thuốc và phòng bệnh phổi trắng do Mycoplasma 3

Đừng quên theo dõi VOH - Khỏe để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.