1. Sốt siêu vi là gì?
Sốt siêu vi là thuật ngữ chỉ chung những trường hợp sốt do nhiễm các loại virus khác nhau như virus gây bệnh cúm, cảm lạnh...
Phần lớn sốt siêu vi không gây nguy hiểm và có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh tiến triển nhanh chóng, người bệnh cần nhập viện theo dõi, nếu chậm trễ có thể dẫn đến tử vong, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi.
2. Các con đường lây nhiễm virus
Sốt siêu vi là do nhiễm virus. Chúng lây nhiễm và nhân lên trong các tế bào. Sốt là cách cơ thể chống lại virus. Có nhiều con đường mà virus gây bệnh cho cơ thể, bao gồm:
- Đường hô hấp: Do hít phải những giọt nước bọt hoặc dịch tiết của mũi có chứa virus. Các virus lây qua đường này là cúm, cảm lạnh...
- Đường tiêu hóa: Thức ăn và đồ uống có thể chứa virus. Nếu ăn chúng, bạn có thể bị nhiễm trùng. Ví dụ về nhiễm virus do ăn phải bao gồm norovirus, enterovirus...
- Vết cắn: Côn trùng và các động vật khác có thể mang virus. Nếu bị cắn, bạn có thể bị nhiễm trùng. Ví dụ về nhiễm virus do vết cắn bao gồm sốt xuất huyết, bệnh dại...
- Đường máu: Tiếp xúc với máu của người bị nhiễm virus có thể lây bệnh. Các bệnh lây qua đường máu là viêm gan B, HIV....
3. Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị sốt siêu vi
Bạn có nguy cơ bị sốt siêu vi cao nếu:
- Tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm virus.
- Đi du lịch đến khu vực có dịch sốt siêu vi đang diễn ra.
- Sống trong khu vực đang có dịch sốt siêu vi.
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Dùng chung kim tiêm.
- Tiếp xúc gần hoặc giết mổ động vật bị nhiễm bệnh.
- Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người già cũng rất dễ bị sốt virus do khả năng miễn dịch thấp.
4. Dấu hiệu nhận biết sốt siêu vi
Một khi virus xâm nhập vào cơ thể, sẽ có một thời gian ủ bệnh khi virus nhân lên đến mức đủ cao để gây nhiễm trùng. Thời gian này dài hay ngắn tùy thuộc vào chủng virus gây bệnh và cơ địa của người nhiễm virus.
Sau đó là thời kỳ toàn phát, đây là lúc các triệu chứng biểu hiện rõ ràng nhất, những dấu hiệu cụ thể của sốt siêu vi là:
4.1 Sốt cao
Sốt là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi tiếp xúc với các mầm bệnh gây bệnh, chẳng hạn như virus và vi khuẩn. Sự gia tăng nhiệt độ của cơ thể có thể phá hủy các protein trong các mầm bệnh này để ngăn chúng sinh sôi.
Nhiệt độ của cơ thể đo ở các vị trí khác nhau sẽ khác nhau. Một người được gọi là sốt khi nhiệt độ đo được như sau:
- Trực tràng, tai hoặc trán: Nhiệt độ cao hơn 38,0°C.
- Miệng: Nhiệt độ cao hơn 37,8°C.
- Dưới nách: Nhiệt độ cao hơn 37,2°C.
Sốt do virus thường từ 38-39°C, thậm chí có thể lên đến 40-41°C.
Xem thêm: 2 cách giúp bé hạ sốt siêu vi nhanh tại nhà, mẹ nào cũng có thể làm được
4.2 Đau đầu
Người bệnh thường có dấu hiện quay cuồng, nhức đầu dữ dội, trong đầu có cảm giác chao đảo vì khi bị sốt các mạch máu giãn ra. Khi sờ vào hai huyệt thái dương của người bệnh đang đau đầu thì có thể cảm giác thái dương đập mạnh.
Đối với trẻ em, một số trường hợp có thể đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo…Bé có thể chảy mủ tai hoặc tai có chất nhầy và ngứa hơn lúc bình thường.
4.3 Viêm đường hô hấp
Kèm theo sốt và đau đầu là các biểu hiện viêm đường hô hấp như viêm họng, rát họng, ho, chảy nước mũi, hắt hơi, sổ mũi.…
4.4 Nôn mửa
Đối với trẻ em có thể nôn nhiều lần nhưng thường xuất hiện sau khi ăn. Người lớn có thể nôn mửa, chủ yếu do viêm họng, kích thích chất nhầy.
4.5 Phát ban
Phát ban thường xuất hiện sau 2 - 3 ngày sốt, những nốt đỏ li ti xuất hiện đầu tiên ở bàn tay, bàn chân. Sau 1 – 2 ngày triệu chứng này sẽ xuất hiện rõ rệt và nhiều hơn ở khắp người.
4.6 Rối loạn tiêu hóa
Nếu nguyên nhân gây sốt do virus đường tiêu hóa thì triệu chứng này sẽ xuất hiện sớm với những đặc điểm là đại tiện lỏng (tiêu chảy), không có máu nhưng có chất nhầy.
4.7 Viêm hạch
Đặc biệt là các hạch vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau có thể nhìn hoặc sờ thấy.
Ngoài các triệu chứng trên còn có thể gặp các triệu chứng khác như:
- Ớn lạnh
- Đổ mồ hôi
- Mất nước
- Đau nhức cơ bắp
- Mệt mỏi
Các triệu chứng này thường chỉ kéo dài nhiều nhất là vài ngày. Nhưng cũng có một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng nặng hơn:
- Đau đầu dữ dội
- Khó thở
- Đau ngực
- Đau bụng
- Nôn mửa thường xuyên
- Cứng cổ
- Rối loạn ý thức
- Co giật hoặc động kinh
Những dấu hiệu trên là cảnh báo cho các bệnh lý nghiêm trọng và nguy hiểm hơn như viêm phổi, viêm màng não… Cần được điều trị y tế ngay.
5. Phân biệt sốt xuất huyết và sốt siêu vi
Sốt xuất huyết và sốt siêu vi có dấu hiệu ban đầu khá giống nhau, tuy cùng là triệu chứng sốt, cơ thể mệt mỏi nhưng 2 dạng sốt này lại hoàn toàn khác nhau.
Cụ thể:
Sốt xuất huyết | Sốt siêu vi |
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh sốt xuất huyết đôi khi có thể gây đau nhức rất trầm trọng ở cơ và khớp. |
Sốt siêu vi chỉ chung những trường hợp sốt do nhiễm các loại siêu vi trùng (virus) khác nhau. Phần lớn sốt siêu vi không nguy hiểm và có thể tự hết trong 1 – 2 tuần. |
Biểu hiện đầu tiên của bệnh là tình trạng sốt cao. Sốt cao (từ 39-40 độ C) đột ngột, liên tục trong 3-4 ngày liền, người bệnh mệt mỏi, phát ban, buồn nôn. Xuất huyết dưới da: Làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể bị xuất huyết ở niêm mạc. Nhiều người bị nặng có thể dẫn tới xuất huyết tiêu hóa với các biểu hiện là đi đại tiện ra máu, nôn ra máu kèm theo các biểu hiện liên quan đến thần kinh nhức đầu, đau cơ, đau khớp. |
Người bị sốt siêu vi thường sốt theo từng cơn và sốt ở nhiệt độ rất cao, từ 38 - 39 độ C thậm chí có lúc 40-41 độ C. Khi bị sốt siêu vi, đầu và cơ thể sẽ có cảm giác đau mỏi- nhất là ở các cơ. Nếu là ở trẻ nhỏ sẽ có hiện tượng trẻ quấy khóc. Đồng thời với đó là xuất hiện các triệu chứng như chảy mũi, hắt hơi, đau họng. Các hạch khu vực đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau. Kết mạc mắt đỏ, viêm, chảy nước mắt… |
6. Phương pháp chẩn đoán sốt siêu vi
Thông thường, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng và đưa ra chẩn đoán. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn sẽ được chỉ định làm xét nghiệm máu để loại bỏ nghi ngờ các tình trạng khác như sốt xuất huyết, sốt rét, chikungunya, thương hàn…
Xét nghiệm máu cũng có thể được chỉ định trong trường hợp bác sĩ cần biết sốt siêu vi là do virus hay vi khuẩn gây ra.
7. Điều trị sốt siêu vi
Sốt siêu vi là có thể tự khỏi trong 1 – 2 tuần. Việc dùng thuốc chủ yếu là điều trị các triệu chứng do siêu vi gây ra như thông mũi, giảm ho, giảm đau đầu, đau cơ,…Thuốc hạ sốt có thành phần acetaminophen được xem là thuốc hạ sốt phổ biến thường được dùng trong các trường hợp trên.
Aspirin cũng có thể làm được điều này, nhưng những người dưới 18 tuổi không nên dùng aspirin vì sẽ gây mắc hội chứng Reye.
Ngoài dùng thuốc, các biện pháp sau đây có thể hỗ trợ điều trị tại nhà:
- Chườm ấm: Lau cơ thể trẻ bằng khăn ấm để giảm sốt, lau khô mồ hôi, để bé nằm ở nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng.
- Chống co giật: Nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C thì nên dùng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là những bé có tiền sử co giật khi sốt cao.
- Chống sốt siêu vi bội nhiễm: Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mũi bằng natriclorid 0,9%, tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.
- Bổ sung nước: để phòng mất nước.
- Dinh dưỡng: Cho trẻ ăn những thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp,…
Như vậy, nếu đang bị sốt siêu vi, tốt nhất là nghỉ ngơi đầy đủ và ăn những thức ăn ấm, lỏng cho đến khi khỏe lại. Nếu có triệu chứng nặng hơn như sốt cao, đau toàn cơ thể,…thì hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chỉ định một số loại thuốc giúp giảm nhẹ triệu chứng.
Lưu ý: Sốt siêu vi sẽ không khỏi nếu dùng thuốc kháng sinh, bởi thuốc kháng sinh là thuốc được tạo ra để tiêu diệt vi khuẩn, chúng không thể tiêu diệt virus.
8. Cách phòng tránh sốt siêu vi
Cách tốt nhất để phòng ngừa sốt siêu vi là giữ gìn vệ sinh cá nhân thật tốt. Ngoài ra, có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa sốt siêu vi như:
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ.
- Tránh đến những nơi đông người khi không cần thiết.
- Tránh dùng tay chưa rửa để chạm lên mặt, mũi, miệng.
- Đặc biệt, khi bị cảm lạnh, sốt hoặc ho, hãy tránh đến những khu vực đông đúc, luôn che miệng bằng một chiếc khăn sạch khi ho, hắt hơi hoặc ngáp.
Trong khi hầu hết các cơn sốt do virus tự biến mất trong vài ngày, tuy nhiên có một số trường hợp nặng hơn và cần được điều trị y tế. Hãy chú ý các triệu chứng kèm theo sốt, để kịp thời báo cho bác sĩ và nhận sự hỗ trợ về y tế kịp thời.