Viêm phế quản cấp và những điều cần biết

(VOH) - Mùa lạnh đến, nếu không không biết cách giữ gìn sức khỏe, bạn rất dễ bị viêm phế quản cấp. Vậy bệnh viêm phế quản cấp là gì, làm sao để nhận biết sớm để điều trị kịp thời?

Với đề tài “viêm phế quản”, PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay (Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) đã chia sẻ đến khán thính giả những thông tin hữu ích về căn bệnh này để chúng ta kịp thời nhận biết và điều trị. 

1. Viêm phế quản cấp là gì?

Theo bác sĩ Bay, viêm phế quản cấp là tình trạng viêm đường hô hấp dưới, tức là niêm mạc ống phế quản bị viêm, xuất tiết dịch, dịch đóng trên niêm mạc này sẽ gây kích thích và tạo ra phản xạ ho, nhằm tống xuất lớp dịch này ra ngoài. Dịch tiết ra còn gọi với tên phổ biến là đàm hay đờm.

viem-phe-quan-cap-va-nhung-dieu-can-biet-voh

Viêm phế quản cấp là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản trong thời gian ngắn (Nguồn: Internet)

2. Triệu chứng viêm phế quản cấp

Dưới đây là những triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm phế quản cấp, bạn có thể dựa vào đó để nhận biết sớm căn bệnh này:

  • Ho: Triệu chứng phổ biến nhất của viêm phế quản cấp là ho. Khởi đầu có thể là ho khan, nhưng sau đó người bệnh sẽ ho có đờm.
  • Khó thở: Đôi khi cơn ho có thể kèm theo cơn khó thở, trường hợp này gặp nhiều ở trẻ em và người già. Những người trung niên hay còn trẻ thường chỉ ho khạc đàm.
  • Sốt: Viêm phế quản cấp có thể gây sốt nhẹ, thỉnh thoảng có sốt cao.

Thông thường, khi bệnh bắt đầu bằng những cơn ho, sau 1 – 2 ngày, tình trạng nhiễm trùng không được điều trị thì người bệnh sẽ bắt đầu ho có đàm. Đàm ban đầu thường trắng trong, sau đó trắng đục, vàng hoặc vàng xanh. Khi đàm chuyển sang các màu như vàng hay xanh thì chứng tỏ bệnh đang ở mức độ khá nặng.

3. Nguyên nhân gây viêm phế quản cấp

Bác sĩ Bay cho biết, viêm phế quản cấp thường khởi phát do virus. Người bệnh bị nhiễm virus, bị cảm, cúm nhưng không điều trị đúng cách, gây ra thêm tình trạng bội nhiễm vi trùng và từ đó hình thành bệnh viêm phế quản cấp.

Chính vì vậy, khi bị ho, khạc đàm, cảm, cúm, kéo dài trên 5 ngày thì bạn nên đến bệnh viện thăm khám để bác sĩ xác định xem có thể đã bị viêm phế quản cấp hay không.

4. Điều trị viêm phế quản cấp bằng phương pháp nào?

Bác sĩ Bay cho biết, sau 3 đến 5 ngày mà triệu chứng sốt tăng cao và ho kéo dài, mệt mỏi, khó thở thì bắt buộc người bệnh phải đến gặp thầy thuốc. 

viem-phe-quan-cap-va-nhung-dieu-can-biet-voh

Điều trị viêm phế quản cấp chủ yếu dùng thuốc kháng sinh (Nguồn: Internet)

Ban đầu, bác sĩ có thể cho sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng, bởi vì viêm phế quản cấp là bệnh nhiễm trùng. Sau đó, nếu bệnh không thuyên giảm, bác sĩ sẽ cho người bệnh dùng kháng sinh đặc hiệu. 

Như vậy, viêm phế quản cấp có thể điều trị theo y học hiện đại là dùng thuốc Tây để hiệu quả nhanh chóng hơn. Ngoài ra, người bệnh có thể điều trị bằng thuốc Đông y, tuy nhiên việc sắc thuốc sẽ mất khá nhiều thời gian. Do vậy, viêm phế quản cấp thường được điều trị theo phương pháp Tây y. 

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, người bệnh viêm phế quản cấp cũng cần chú ý tập luyện thân thể, tập thở mỗi ngày để giúp thông khí được tốt hơn.

Xem nội dung tóm gọn tại video này: