Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tăng cường phòng chống IUU và tội phạm, vi phạm trên biển

(VOH) - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tăng cường phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống IUU và tội phạm, vi phạm trên biển.

Chiều 14/6 và sáng ngày 15/6, tại thành phố Bà Rịa; thành phố Bến Tre. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; UBND tỉnh Bến Tre tổ chức Hội nghị phối hợp tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống IUU và tội phạm, vi phạm trên biển. Đông chí Đại tá Vũ Trung Kiên - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển và Đồng chí Nguyễn Công Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; Đồng chí Nguyễn Minh Cảnh - Phó Chủ tịch UBND Bến Tre, đồng chủ trì Hội nghị.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tăng cường phòng chống IUU và tội phạm, vi phạm trên biển 1
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tăng cường phòng chống IUU và tội phạm, vi phạm trên biển

Trong thời gian qua, tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) có chiều hướng giảm, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp; 6 tháng đầu năm 2022 cả nước đã xảy ra 35 vụ/54 tàu/507 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý do xâm phạm vùng biển Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Campuchia…

Trước diễn biến phức tạp của tình hình trên, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị, Nghị quyết  của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về IUU. Thường xuyên duy trì từ 8 - 10 tàu, cũng như sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, thực hiện nhiệm vụ đấu tranh chống khai thác IUU và tìm kiếm cứu nạn ở vùng biển giáp ranh với Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Campuchia. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và lực lượng bảo vệ biển các nước bắt giữ, xử lý 29 vụ/48 tàu/362 ngư dân; kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 178 tàu.

Tại Hội nghị các ý kiến phát biểu thảo luận cũng như kết luận của lãnh đạo chủ trì Hội nghị: Đánh giá cao kết quả đạt được, nêu rõ những hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của địa phương, lực lượng hiệp đồng (BĐBP, Hải quân, Kiểm Ngư…) với các đơn vị Cảnh sát biển triển khai, rà soát, quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá đi khai thác thủy sản tại vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi theo quyết định đã được phê duyệt; đẩy nhanh lắp đặt thiết bị giám sát hành trình VMS, thành lập các Tổ giám sát liên ngành kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý tàu cá ngắt kết nối, vượt ranh sang vùng biển nước ngoài đánh bắt thủy sản trái phép, giám sát chặt chẽ nguồn gốc hải sản; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về chống khai thác IUU theo quy định của pháp luật công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, giáo dục, răn đe. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật, vận động chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân về chống khai thác IUU, viết bản cam kết tuân thủ pháp luật, đảm bảo “dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm”. Thiết lập cơ chế trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng địa phương với lực lượng tuần tra kiểm soát trên biển để kịp thời thông báo vị trí, thông tin các tàu mất tín hiệu, vượt ranh, hết hạn đăng hoạt động đặc biệt ở khu vực biển giáp ranh các nước.

Trên cơ sở kết luận Hội nghị của lãnh đạo Cảnh sát biển Việt Nam và lãnh đạo hai địa phương tại Hội nghị, đây sẽ là tiền đề quan trọng để 03 đơn vị tiếp tục tham mưu, đề xuất với Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác phòng, chống IUU và tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển trong thời gian tới.