Công ước về Luật biển 1982 là cơ sở pháp lý quan trọng nhất

(VOH) - Hội thảo quốc tế ”Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982” do Trường Đại học Luật TPHCM và Hội Luật gia Việt Nam phối hợp tổ chức đã khai mạc vào sáng nay 23/7 tại Hội trường Thống Nhất.

Ông Huỳnh Cách Mạng - Phó Chủ tịch UBNDTP tham dự hội thảo cùng hơn 200 đại biểu và 20 diễn giả uy tín về lĩnh vực chính trị, luật quốc tế và luật biển quốc tế đến từ các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học lớn của Nga, Nhật Bản, Philippines, Australia, Vương quốc Bỉ và Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo trong 1 ngày được chia thành 3 phiên, tập trung bàn thảo về các quy định giải quyết tranh chấp của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982; giải quyết tranh chấp bằng thủ tục Trọng tài thành lập theo phụ lục VII; ảnh hưởng và tác động từ vụ kiện của Philipines đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới.

Bà Mai Hồng Quỳ phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc, Giáo sư - Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM nhấn mạnh đến tầm quan trọng của phán quyết từ Tòa trọng tài có ý nghĩa pháp lý và tác động rất lớn đến quan hệ quốc tế, nhất là các quốc gia trong khu vực biển Đông. Chính vì vậy việc nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến giá trị pháp lý phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước về Luật biển 1982 là cần thiết đối với Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực và thế giới.

"Đã đến lúc chúng ta không thể chậm trễ nói lên tiếng nói của luật gia, của nhà nghiên cứu khoa học pháp lý về quan điểm của chúng ta, về tinh thần thượng tôn pháp luật đối với Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự quan tâm không chỉ là nhà luật học mà cả nhà kinh tế học, xã hội học và tất cả nhà khoa học quan tâm đến vấn đề có tính chất, giá trị vô cùng quan trọng đối với nước ta nói riêng, sự ổn định hòa bình trong khu vực và thế giới nói chung",

Bà Quỳ nhấn mạnh, các quy định về giải quyết tranh chấp của Công ước về Luật biển 1982 là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để các quốc gia vận dụng giải quyết hòa bình các tranh chấp biển. Trong đó, trọng tài được thành lập theo phụ lục VII là thủ tục giải quyết tranh chấp bằng tài phán ngày càng được nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới lựa chọn để giải quyết tranh chấp liên quan đến giải thích hay áp dụng Công ước về Luật biển 1982. 15 năm trở lại đây, đã có 12 vụ tranh chấp đã và đang được giải quyết bằng thủ tục trọng tài.

Giáo sư -Tiến sĩ Donald Rothwell.

Trong bài tham luận “Các biện pháp tư pháp giải quyết tranh chấp theo Công ước về Luật biển 1982”, Giáo sư -Tiến sĩ Donald Rothwell - Phó Trưởng khoa Luật, Đại học quốc gia Canberra, Úc đã phân tích rõ hơn về các thủ tục giải quyết tranh chấp theo Công ước Luật biển, các điều kiện thực thi phán quyết, thủ tục giải quyết tranh chấp, thẩm quyền của Tòa trọng tài. 

"Tòa hoàn toàn có ý thức về giới hạn của các đệ trình và trong chừng mực nhất định các đệ trình của Philippines có giá trị và Tòa cũng bảo đảm các phán quyết không gây có lợi hay tước bỏ các chủ quyền đất liền tại biển Đông", Tiến sĩ Donald Rothwell cho biết.

Phân tích rõ hơn về vai trò của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII, Thạc sĩ Trần Phú Vinh - Trường Đại học Luật nêu rõ: "Tòa Trọng tài thành lập theo phụ lục số VII là cơ quan trọng tài lâm thời giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các quốc gia liên quan đến giải thích áp dụng công ước về luật biển, trong khi đó PCI chỉ là cơ quan giúp các trọng tài trong đăng ký vụ kiện, giải quyết các vấn đề hành chính mà tòa trọng tài yêu cầu mà thôi".

Hội thảo cũng tập trung làm rõ bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, phân tích những tác động đối với Việt Nam từ phán quyết Trọng tài qua vụ kiện của Philippines - Trung Quốc.Trong đó, khẳng định phán quyết đã gợi mở tính pháp lý và kinh nghiệm quý cho Việt Nam trong sử dụng các cơ chế tư pháp, sử dụng luận cứ pháp lý tại cơ chế này trong tương lai.

Tại hội thảo, Đại học Luật TPHCM và Hội Luật gia Việt Nam sẽ công bố thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo về Luật Biển với mục tiêu trở thành trung tâm thường xuyên, liên tục, nghiên cứu vấn đề liên quan đến Luật Biển quốc tế và Luật Biển quốc gia.

Bình luận