Hành trình đánh thức cộng đồng về “Bảo vệ môi trường du lịch biển đảo”

(VOH) - Cho đến nay, hành trình “Đạp xe vì môi trường” của tập thể giảng viên và thầy trò Trường cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn đã bước sang năm thứ 4. Năm 2013 - lần đầu tiên được tổ chức với tên gọi “Hành trình chín cửa sông”, hoạt động này đã ghi được dấu ấn tốt trong dư luận khi kêu gọi cộng đồng giữ gìn và nâng cao ý thức bảo môi trường để phát triển du lịch bền vững.

Những năm sau đó, hành trình tiếp tục mang thông điệp tương tự đến với những địa danh du lịch nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ.

Các bạn sinh viên Cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn mang quà đến cho trẻ em vùng sâu vùng xa. 

Năm nay, lấy chủ đề “Bảo vệ môi trường du lịch biển đảo”, hành trình xuất phát từ ngày 22/8 tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị) và kết thúc vào ngày 31/8, tại Cần Giờ (TPHCM). Trong 10 ngày diễn ra, đoàn sẽ đi dọc theo 11 tỉnh/thành ven biển miền Trung để giúp người dân hiểu được tầm quan trọng của môi trường biển đối với cuộc sống hằng ngày; tham gia thu gom rác ở các điểm đảo du lịch nổi tiếng của Việt Nam như Lý Sơn, Điệp Sơn, Vĩnh Hy, Phan Thiết...; trao quà cho học sinh nghèo hiếu học và xét tặng học bổng “Ươm mầm tài năng du lịch” với trị giá lên tới 2,5 tỷ đồng.

Đài TNND TPHCM phỏng vấn bà Ngô Thị Quỳnh Xuân, hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn về hoạt động này.

Bà Ngô Thị Quỳnh Xuân, hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn

VOH: Hoạt động Đạp xe vì môi trường của Trường cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn năm nay sẽ trải qua hành trình như thế nào?

Bà Ngô Thị Quỳnh Xuân: Đạp xe vì môi trường là một hoạt động truyền thống của chúng tôi. Đặc biệt hơn trong năm nay, chúng tôi cũng kỷ niệm 25 năm ngày thành lập trường nên sẽ có kèm theo nhiều hoạt động bên lề. Chương trình Đạp xe hành động vì môi trường biển đảo sẽ bắt đầu khởi nguồn từ huyện Hải Lăng (Quảng Trị) - quê hương của người sáng lập ra ngôi Trường CĐ nghề du lịch Sài Gòn. Sinh viên của trường sẽ bắt đầu một hành trình dài khoảng 1.000km từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... cho đến Ninh Thuận, Bình Thuận, và TPHCM sẽ là điểm chốt cuối cùng.

VOH: Năm nay, với hành trình có tính hệ thống và xuyên suốt như vậy thì ngoài thông điệp mà chúng ta muốn gửi đến cộng đồng là giữ gìn môi trường biển, sẽ còn những hoạt động nào bên cạnh nữa?

Bà Ngô Thị Quỳnh Xuân: Đất nước Việt Nam chúng ta rất quý khi có một bờ biển tuyệt đẹp kéo dài trên 3.300km mà không phải đất nước nào trên thế giới cũng có được một bờ biển dài với nhiều hòn đảo đẹp đến như vậy. Biển Việt Nam cũng được xếp vào hạng 27 trên toàn thế giới. Thế nên, thầy trò chúng tôi ý thức rất rõ là để phát triển du lịch cần phải gìn giữ môi trường, môi trường biển lại là môi trường có tính đặc trưng, đặc thù của ngành du lịch.

Sinh viên của Trường cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn sẽ có những hành động rất nhỏ, nhưng chúng tôi hy vọng thông qua những hành động nhỏ ấy sẽ có sức lan tỏa trong cộng đồng người dân địa phương và cả những du khách khi đến tham quan các thắng cảnh biển đảo Việt Nam, phải gìn giữ môi trường biển.

Cộng đồng doanh nghiệp du lịch tại các địa phương cũng sẽ đồng hành, hỗ trợ và cộng tác cùng chúng tôi trong công tác này. Với thông điệp như thế, bằng những hành động cụ thể như nhặt rác, kêu gọi tuyên truyền không xả thải xuống biển từ các doanh nghiệp du lịch, từ các tàu kinh doanh trên biển...

Đi kèm với chương tình này, chúng tôi cũng có một số hoạt động thiện nguyện như xây dựng một thư viện sách dành cho trẻ em ở huyện Hải Lăng, Hải Dương (Quảng Trị); trao tặng cặp sách, balo và những dụng cụ học tập cho học sinh nghèo trước thềm năm học mới.

Đặc biệt nhất là xét tặng Học bổng Nguyễn Thị Bội Quỳnh được xây dựng bởi các anh chị cựu sinh viên, cựu học viên của Trường trong suốt 25 năm qua. Nhiều người trong số đó giờ đã thành đạt rực rỡ và giờ họ muốn có một phần đóng góp để truyền niềm đam mê đó lại cho các thế hệ tiếp theo. Học bổng được trao tặng qua một cuộc thi dành cho các bạn học sinh THPT lớp 10,11,12. Các em sẽ viết một bài luận để trình bày lí do vì sao mình yêu thích ngành du lịch và vì sao các em lại chọn nghề nhỏ trong ngành du lịch.

Tổng trị giá học bổng Nguyễn Thị Bội Quỳnh là 2,5 tỷ đồng, gồm có 25 học bổng toàn phần xuyên suốt trong 3 năm học; 5 giải là học bổng bán phần trị giá 50% học phí; 3 giải là những suất học bổng được miễn phí học phí đợt 1. Ngoài ra còn có 1 giải tập thể dành cho tỉnh đoàn nào có số lượng các em học sinh tham gia đông nhất với trị giá 2 triệu đồng.

VOH: Tới đây, chúng ta có xây dựng được những hoạt động nào lớn hơn thế?

Bà Ngô Thị Quỳnh Xuân: Chúng tôi còn có mơ ước là sẽ tổ chức một hành trình xuyên Đông Dương, kết nối 3 điểm đến Việt Nam - Lào - Campuachia để kêu gọi, ủng hộ và bảo vệ môi trường không chỉ riêng cho đất nước Việt Nam mà cho cả 2 nước bạn, để từ đó có thể truyền tải thông điệp sâu hơn, rộng hơn và dài hơn; không chỉ trong tầm biên giới Việt Nam mà sang cả 2 nước láng giềng.

Xin cảm ơn bà.