Không thể đứng một mình trong xu thế hợp tác và hội nhập

(VOH) - Nhiều học giả Trung Quốc lên tiếng khả năng Trung Quốc rút khỏi Công ước Luật biển quốc tế UNCLOS khi phán quyết từ PCA không có lợi cho họ. Tuy nhiên, TS Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển cho rằng khả năng này rất thấp.

Nghe nội dung:

* VOH: Thưa ông, theo dõi phiên tòa PCA, ông suy nghĩ gì, nhất là sau khi có phán quyết, Trung Quốc lập tức không công nhận?

TS Hoàng Ngọc Giao: Phán quyết này được đánh giá như 1 thắng lợi của công lý quốc tế, thể hiện sự nghiêm minh của Luật pháp quốc tế mà các nước trên thế giới phải tuân thủ.

Tòa trọng tài quốc tế ra đời từ những năm 1930, gần 1 thế kỷ tồn tại và xử những vụ kiện quy mô lớn trên thế giới cho thấy uy tín rất lớn trong việc bảo vệ và thực thi công lý quốc tế. Ngay khi tiếp nhận đơn kiện của Philipines, Tòa đã mời Trung Quốc tham gia nhưng phía Trung Quốc thẳng thừng từ chối. Sau đó, theo đúng quy trình, Tòa tiếp tục yêu cầu Trung Quốc cử trọng tài viên tham gia, rồi khi cử chủ tịch trọng tài tham gia phán quyết đều thông báo đầy đủ cho Trung Quốc nhưng đều bị từ chối.

Xin nhấn mạnh, pháp luật quốc tế vẫn cho phép xử đơn kiện khi tòa làm đầy đủ các thủ tục, quy trình mà bên kia vắng mặt. Chính vì vậy, dù Trung Quốc không tham dự và cũng bác bỏ phán quyết thì giá trị pháp lý của phán quyết vẫn bất biến.

Từ phán quyết này, các nước khu vực biển Đông căn cứ vào đó để đấu tranh pháp lý để bảo vệ chủ quyền cho chính quốc gia mình. Nó cũng đảm bảo lợi ích cho cả các nước ngoài khu vực biển Đông trong việc đảm bảo tự do hàng hải, tự do hàng không.

Một phiên tranh tụng tại PCA. (Ảnh: PCA).

* VOH: Dư luận quốc tế đặt khả năng Trung Quốc rời Công ước Luật biển quốc tế UNCLOS 1982 khi phán quyết này rõ ràng không có lợi cho họ?

TS Hoàng Ngọc Giao:

Công ước Luật biển định ra, các nước là đặc quyền kinh tế ven bờ biển của mình là 200 hải lý. Thế thì nếu Trung Quốc rút ra khỏi công ước này cũng có nghĩa Trung Quốc sẽ không được công nhận vùng đặc quyền 200 hải lý của mình. Khi đó, tàu thuyền nước ngoài, thậm chí là những nước lớn hơn, mạnh hơn đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, Trung Quốc có chịu không? 

Hơn nữa, Trung Quốc tự rời bỏ công ước thì quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế, du lịch với các quốc gia khác thế nào? Tôi nghĩ Trung Quốc vẫn cần hợp tác để cùng phát triển chứ không thể tự cô lập mình trong thời đại hội nhập vô cùng mạnh mẽ như hiện nay mà xu thế liên minh, hợp tác vẫn giữ thế chủ đạo.

*VOH: Cám ơn ông!