Quá trình mở cõi và khẳng định chủ quyền

(VOH) - Biển Đông đã, đang và sẽ mãi là "máu thịt" của người dân Việt.

Mảnh đất Việt Nam nằm ven bờ Thái Bình Dương quanh năm sóng vỗ. Người dân Việt từ bao đời vốn đã gắn bó cuộc sống, máu xương mình với Biển Đông. Từ truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ thuở xa xưa với 50 con lên non, 50 con xuống biển, đến những Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được triều Nguyễn hàng năm cử đi thực thi nhiệm vụ khai thác và giữ gìn chủ quyền biển đảo.

Theo các thư tịch cổ của phương Tây, như Bản đồ bán đảo Đông Dương của anh em nhà hàng hải Hà Lan Van-Langren (1595) ghi nhận ngoài khơi Việt Nam có một vùng quần đảo với nhiều bãi cát nông chạy dài xuống hướng tây nam gọi tên là Paracels cùng với rất nhiều chi tiết địa hình của miền Trung Việt Nam ngày nay.

Chẳng hạn như đối diện với quần đảo Paracels trên đất liền có bờ biển ghi là Costa da Pracels (bờ Pracels) ở ngoài biển còn có Pulo Canton (Cù Lao Ré) thuộc địa phận Quảng Ngãi.

Quá trình mở cõi và khẳng định chủ quyền 1

Tờ bản đồ Partie de la Cochinchine (tờ số 106 – Châu Á) là bản đồ đầu tiên đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí (kinh độ, vĩ độ), đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa. Bản đồ đặt trong khu vực Cochinchine là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của Đế chế An Nam, minh chứng một cách rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa đã được quốc tế ghi nhận.

Thư tịch cổ Việt Nam cũng ghi nhận người Bồ Đào Nha và Hà Lan từng nhiều lần tiếp xúc với các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong để buôn bán. Nhiều thuyền buôn của phương Tây gặp nạn ở Hoàng Sa đều cập vào bờ biển Việt Nam để xin giúp đỡ và cũng nhiều lần họ được các chúa Nguyễn cử người ra cứu hộ, cấp cho tiền bạc, lương thực và thuyền để trở về nguyên quán.

Chẳng hạn vụ đắm tàu Grootenbroeck của Hà Lan năm 1634 trong vùng đảo Hoàng Sa. Viên thuyền trưởng đã tìm đến Hội An và Thuận Hoá để cầu cứu các chúa Nguyễn.

Như vậy, từ rất lâu đời (muộn nhất vào thế kỷ XV) các nhà hàng hải phương Tây mặc nhiên xác định vùng quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông thuộc quyền quản lý của các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong.

Quá trình khẳng định chủ quyền và khai thác tài nguyên trên Biển Đông đã rất lâu đời. Với vị trí địa lý đặc thù, những cư dân Việt vốn rất thông thạo luồng lạch, con nước, có khả năng bơi lặn tốt và khéo đóng thuyền, vì thế quá trình khám phá và chinh phục biển Đông luôn gắn liền với lịch sử phát triển của dân tộc.

Điển hình là các họa tiết hình thuyền được chạm khắc trên trống Đồng, các giai thoại con người chế ngự giao long được truyền miệng từ bao đời. Thậm chí, với lực lượng hải quân tương đối mạnh và ý chí bảo vệ chủ quyền, đã có những trận đụng độ giữa hải quân của chúa Nguyễn với các hạm đội Hà Lan trong giai đoạn 1643-1644 được ghi lại trong chính sử.

Quá trình mở cõi và khẳng định chủ quyền 2

Những tài liệu cụ thể đầu tiên khẳng định về chủ quyền trên Biển Đông đã được ghi nhận trong cuốn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn viết năm 1776, điều này đánh dấu niên đại của những dấu hiệu pháp lý chắc chắn từ thế kỷ XVIII.

Trong tác phẩm này, các quần đảo đã được mô tả khá chi tiết như: "phải đi ba ngày đêm mới đến được", vị trí cụ thể của từng đảo, quần đảo và nhắc đến hoạt động khai thác có tổ chức của các chúa Nguyễn xứ Đàng Trong: "năm Nhâm Ngọ (1702), đội Hoàng Sa thu lượm được 30 thỏi bạc; năm Giáp Thân (1704), thu lượm được 5.100 tấn thiếc; năm Ất Dậu (1705), thu lượm được 126 thỏi bạc. Còn từ năm Kỷ Sửu (1709) đến năm Quý Tỵ (1713), tức là trong khoảng 5 năm, thỉnh thoảng họ cũng lượm được mấy cân đồi mồi và hải sâm. Cũng có lần chỉ lượm được mấy cái bát sành và hai khẩu súng đồng".

Theo các bộ chính sử triều Nguyễn, đội Hoàng Sa hoạt động liên tiếp từ thế kỷ 17 thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong cho đến thời Tây Sơn, với những cai đội nổi tiếng như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết.

Sang thời nhà Nguyễn, ngay từ thời Gia Long đã cho thành lập các Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải và cử Phạm Quang Ảnh làm Cai đội Hoàng Sa tuyển chọn các binh phu đi Hoàng Sa và Bắc Hải (Trường Sa) làm nhiệm vụ tuần phòng trên biển, thu lượm sản vật, đo đạc hải trình, cắm mốc và dựng bia minh định chủ quyền đối với các quần đảo này.

Quá trình mở cõi và khẳng định chủ quyền 3

Đến nay, Việt Nam vẫn lưu giữ các Châu bản từ thời Minh Mạng, Thiệu Trị (giai đoạn từ năm 1830 đến 1847) về việc tuần phòng, khai thác và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam trên biển Đông.

Trong đó, nổi bật như nội dung của bản Phúc Tấu của Bộ Công ngày 12/2 năm Minh Mạng 17 (1836) nằm trong tập Châu bản Minh Mạng 55, Châu phê (tức là "Vua phê" - NV): "Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4,5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ "Năm Bính Thân (Minh Mạng 17), họ tên Cai đội Thuỷ quân phụng mệnh đi đo đạc cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu”. Đã phái Thuỷ quân Chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật giờ Mão hôm qua đi Ô - thuyền rời Thuận An vào Quảng Ngãi quản suất việc vãng thám Hoàng Sa kỳ này. Bộ đã cho làm đủ số cột mốc gửi gấp vào Quảng Ngãi. Châu cải (tức là "Vua sửa lại" - NV): "Báo gấp cho Quảng Ngãi thực thi ngay, giao cho tên ấy nhận biện”. Châu phê: "Thuyền nào đi tới đâu, cắm mốc tới đó để lưu dấu”.

Như vậy, khẳng định về chủ quyền cũng như việc thực thi quyền chủ quyền của Việt Nam đối với Biển Đông và cụ thể là 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là một quá trình liên tục trong lịch sử. Biển Đông với người dân Việt không chỉ là nguồn sống, là truyền thống mà còn gắn liền như máu thịt.

Ở nơi ấy, lớp lớp người Việt Nam đã "cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông" để gìn giữ, để trường tồn.