Tập bản đồ hàng hải 1841 ở Thư viện Đại học Yale: Nguồn sử liệu quý về Biển Đông

(VOH)- Tập bản đồ hàng hải 1841 ở Thư viện Đại học Yale là một tư liệu quan trọng thuộc loại chỉ nam hàng hải nói chung và bản đồ hàng hải nói riêng trong hệ thống thư tịch Trung Hoa, trong đó có nội dung liên quan đến các vùng biển, hải đảo của Việt Nam trên Biển Đông và các địa danh ven bờ.

Liên quan đến nguồn tư liệu cổ này, nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân vừa phối hợp với Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ cho ra mắt ấn phẩm dịch và chú giải mang tên “Tập bản đồ hàng hải 1841 ở Thư viện Đại học Yale – Nghiên cứu về những ghi chép trong sử liệu Trung Hoa liên quan đến các địa danh ven bờ và hải đảo Việt Nam”.

Với nội dung nghiên cứu cùng những chú giải chi tiết của tác giả, ấn phẩm mới này là một nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho những nghiên cứu về lịch sử, địa lý và biển đảo Việt Nam. Cuốn sách còn là nguồn thông tin bổ ích cho độc giả về phương pháp nghiên cứu biển đảo Việt Nam khi tiếp cận và sử dụng tư liệu của các nước lân cận. Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) phỏng vấn nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân xung quanh ý tưởng và quá trình thực hiện ấn phẩm nghiên cứu này.

Ông Phạm Hoàng Quân - Ảnh: Thanh Tùng/TTO

* VOH: Thưa ông, ý tưởng và động lực nào để ông thực hiện ấn phẩm này?

- Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân: Đây là ấn phẩm mà tôi tập trung thực hiện trong khoảng 6 tháng từ khi tôi đọc được thông tin là một vài học giả Trung Quốc đã chú giải sai lệch về Tập bản đồ hàng hải 1841. Tôi đã tiến hành thực hiện ấn phẩm với mong muốn có một bản dịch và chú giải bằng tiếng Việt đúng đắn hơn.

Hơn 10 năm qua, tôi đã thu thập và nghiên cứu một số tư liệu về cổ sử Trung Quốc và tập bản đồ hàng hải được dịch và chú giải lần này là một bộ phận của hệ thống tư liệu đó. Dù rằng là một ấn phẩm nghiên cứu tổng quan chứ không chỉ riêng về chủ quyền biển đảo, nhưng đây cũng sẽ là một nền tảng để chúng ta có thể nghiên cứu về nhiều mặt như địa danh lịch sử, kỹ thuật hàng hải cổ đại cũng như nhiều địa danh trên các cảng thị ven bờ, hải đảo Việt Nam.

Vì vậy, tôi thấy mình cần làm riêng một ấn phẩm cho tập bản đồ hàng hải này để chúng ta có cái nhìn tổng quan hơn về một loại tài liệu cổ của Trung Quốc.

* VOH: Ông gặp những khó khăn gì trong quá trình thu thập tư liệu, dịch thuật và chú giải cho Tập bản đồ hàng hải 1841?

- Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân: Đây là lần đầu tiên một tập bản đồ cổ được chuyển ngữ một cách trọn vẹn sang tiếng Việt. Tuy nhiên, khó khăn trở ngại không nằm ở vấn đề kỹ thuật mà cái khó là chúng ta phải tìm hiểu xem các học giả Trung Quốc đã chú giải về tập bản đồ này như thế nào để chúng ta biết cách thực hiện một bản tiếng Việt cho hoàn thiện và chính xác nhằm giúp cho các học giả phương Tây có cơ sở để đối chiếu. Vì vậy, việc phải tìm hiểu rất nhiều công trình nghiên cứu mới của các học giả Trung Quốc liên quan đến tập bản đồ này đã mất rất nhiều thời gian so với quá trình dịch thuật và chú giải.

Tập bản đồ hàng hải 1841. Ảnh: Nam Hiệp

* VOH: Những mong muốn của ông trong việc giới thiệu, quảng bá ấn phẩm này; đặc biệt là nhắn gởi gì đối với những người tìm hiểu và nghiên cứu sau?

- Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân: Trước hết, tôi muốn mọi người nhìn nhận ấn phẩm này như là một công trình nghiên cứu tổng quan về lịch sử địa lý Việt Nam chứ không phải là một quyển sách chỉ tập trung về chủ quyền biển đảo.

Từ công trình này, tôi mong muốn rằng lớp trẻ hoặc là những người nghiên cứu nên lưu tâm nhiều hơn đến sử liệu Trung Quốc liên quan đến lịch sử địa lý Việt Nam như lịch sử địa danh, lịch sử ngoại thương, hàng hải không gian quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á,…

Nếu phân tích kỹ thì chúng ta sẽ thấy trong ấn phẩm này cũng có một số phần liên quan mật thiết đến vấn đề chủ quyền biển đảo, các quần đảo trên Biển Đông. Qua đó, chúng ta cần phải có sự cảnh giác đối với các chú giải của những học giả Trung Quốc, trong ấn phẩm này tôi cũng có nêu ra mấy điểm về việc họ chú giải sai lệch về các đảo ở phía Tây Nam Việt Nam hay ở phía vịnh Bắc bộ. Tư liệu từ cổ sử nếu chúng ta có nghiên cứu và hiểu đúng đắn thì sẽ khác hoàn toàn với chú giải của các học giả Trung Quốc hiện nay.

* VOH: Sau ấn phẩm này, ông sẽ tiếp tục có những công trình nào nghiên cứu về biển đảo?

- Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân: Việc tiếp theo mà tôi cần phải làm là những tài liệu cùng loại và xâu chuỗi với tập bản đồ hàng hải 1841 này mà đã xuất hiện trước đó, chẳng hạn như những ghi chép vào thời Minh hay đầu thời Thanh. Đối với tư liệu cổ Trung Quốc thì có rất nhiều mảng đề tài mà chúng ta cần phải khai thác.

Đề tài mà tôi đang tập trung nghiên cứu là mảng đề tài lịch sử địa lý, du ký, chỉ nam hàng hải, vì vậy công việc sắp tới là tôi sẽ tiếp tục thực hiện tiếp các ấn phẩm với hình thức tương tự như ấn phẩm này đối những tư liệu cùng hệ thống để chúng ta có được cái nhìn xuyên suốt hơn. Với hình thức như tôi đã làm ở ấn phẩm này thì đây cũng là một bước để tôi xem thử cách tiếp nhận của độc giả như thế nào, có thuận lợi hay không để mình có những bước xử lý thích hợp hơn trong những công trình nghiên cứu tiếp theo.

*VOH: Cảm ơn ông!