Xúc động và tự hào đó là những cảm xúc của các đại biểu của TPHCM khi có dịp quay trở lại Trường Sa vào những ngày tháng 5. Bởi với sự chung sức đồng lòng hướng về biển đảo của đồng bào cả nước, cuộc sống của các cán bộ chiến sĩ và nhân dân nơi đây đã đổi thay với một diện mạo mới.
"Đất nước mình đâu chỉ hình chữ S
Mà mênh mông đẹp đến vô cùng
Từng tấc đất trên bờ hay dưới nước
Từng khoảng trời mặt biển và quê hương
Xương máu cha ông không tiếc vun bồi
Để Trường Sa nay thay da đổi thịt
Tầng đất năm xưa chỉ có nắng và gió
Nay phủ đầy hi vọng bởi màu xanh
Và sớm nay bình minh trên biển
Mặt trời hồng ló rạng khơi xa
Tiếng trẻ thơ tới trường ríu rít
Hạnh phúc nào hơn đất nước bình yên"
Đó là những vần thơ xúc động đã vang lên trong buổi lễ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba của Trung tâm y tế Trường Sa cách đây ít ngày. Và đó cũng là minh chứng rõ nét cho sự thay da đổi thịt của vùng hải đảo biên cương.
Thành lập từ đầu những năm 90, từ những ý tưởng của Bệnh viện Quân y 175 qua các buổi họp bàn với lãnh đạo TPHCM, ban đầu trạm y tế chỉ có một tổ quân y 3 người với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn từ trang thiết bị, dụng cụ, thuốc men đến con người.
Đến nay, sau hơn 30 năm, Trung tâm Y tế Trường Sa đã trở nên hiện đại, có khả năng giải quyết căn bản các cấp cứu Nội và Ngoại khoa, trang thiết bị tại trung tâm có khả năng chẩn đoán và điều trị đạt tới cấp độ đại phẫu của các chuyên khoa.
Bên cạnh việc đảm bảo sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa thì đối tượng phục vụ đông nhất là bà con ngư dân trên biển. Hiện Trung tâm đang là điểm tựa vững chắc để bà con yên tâm lao động sản xuất, bám biển trên ngư trường, góp phần khẳng định chủ quyền tại quần đảo Trường Sa. Chia sẻ về những đổi thay của đời sống sinh hoạt, công tác chăm lo sức khỏe cho bà con ở Trường Sa, chị Nguyễn Thị Mỹ Dung - Hộ dân ở đảo Trường Sa Lớn nói: “Sau 4 năm tôi sống ở đây thì Trường Sa đã có nhiều thay đổi về cây xanh cũng như các trang thiết bị ngày càng hiện đại. Con người cũng nhiều hơn, cuộc sống ổn định. Việc chăm sóc các cháu nhỏ còn có nhiều thiếu thốn nhưng mọi người đều có sự hỗ trợ quan tâm chăm sóc từ thuốc men, vật chất và tinh thần”.
Chị Phan Nguyễn Xuân Thùy - Hộ dân ở đảo Sinh Tồn thì cho biết: "Mới đầu khi ra đây mình còn bỡ ngỡ, chưa thích nghi được, còn nhiều thiếu thốn. Ở lâu mình dần khắc phục và cuộc sống rất tốt, không khí trong lành giúp các cháu nhỏ khỏe mạnh hơn."
Trong chuyến công tác của đoàn đại biểu TPHCM đến Trường Sa và nhà giàn DK1 năm 2022 có những người đã tham gia 2, 3 hay thậm chí 7 lần. Ai cũng không giấu nổi niềm tự hào với những đổi thay của huyện đảo hôm nay. Những vườn rau xanh tốt làm dịu đi cái nắng gay gắt của đảo chìm. Những tủ sách, thư viện với đa dạng các chủ đề giúp các chiến sĩ thư giãn và bổ sung kiến thức sau những giờ luyện tập và lao động. Thấp thoáng những ngôi chùa, trường học, tiếng trẻ ê a học bài làm những đại biểu cảm thấy ấm lòng như đang ở giữa đất liền.
Đại tá, nhà báo Đoàn Hoài Trung - Chủ tịch hội nhiếp ảnh TPHCM thêm một lần nữa khẳng định sự tin tưởng vào những quyết sách và sự chăm lo cho biển đảo của quân chủng Hải quân Việt Nam, chính quyền các cấp và nhân dân cả nước: “Thật sự rất xúc động và tự hào. Chúng ta đã giữ gìn Trường Sa suốt những năm qua. Hải quân Việt Nam ngày càng phát triển. Chúng ta vừa có ý chí, tinh thần và vũ khí để sẵn sàng đánh trả những kẻ có ý muốn xâm lược. Quân chủng Hải Quân đã được Đảng và Nhà nước đầu tư những trang thiết bị hiện đại và những người dân trên đảo ngày nay cũng đã được quan tâm đến đời sống. Ở đây đã có điện, trường, trạm, bình lọc nước…Đó là từ sự đóng góp của chính chúng ta cho quê hương biển đảo”.
Có chung niềm tự hào khi chứng kiến sự lớn mạnh của quân chủng Hải quân Việt Nam, đại biểu Nguyễn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Văn hóa sách Sài Gòn bày tỏ niềm tự hào khi trở lại Trường Sa sau 10 năm: “Cuộc sống của các chiến sĩ và nhân dân Trường Sa đã được cải thiện rất tốt. Đã có những tiền đề để chúng ta có thể nghĩ đến những chuyện xa hơn để phát triển Trường Sa như: các hoạt động du lịch, có thêm hoạt động đánh bắt thủy hải sản. Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi tham gia chuyến đi này với sự quan tâm chu đáo của ban tổ chức và anh em trên tàu KN 290”.
Gần gũi và thân thương, ca sĩ Phương Thanh, người đã có đến 5 lần đặt chân đến Trường Sa chia sẻ: điều mà chị mong muốn nhìn thấy nhất là những cây xanh và luống rau trên các đảo ở Trường Sa: “Mỗi lần ra đây mình đều nhìn xem cây xanh đã đảm bảo không vì Trường Sa quá nắng. Có những lúc mình ra thì hàng loạt cây xanh đã ngả đổ do bão tố. Rồi mình đến thăm các vườn rau xanh cho chiến sĩ. Hôm nay Trường Sa đã quá tuyệt vời, cây xanh nhiều và đẹp hơn rất nhiều”.
Có đặt chân đến đảo nổi đảo chìm mới thấy ý nghĩa của những công trình góp đá xây Trường Sa to lớn dường nào. Bởi có thêm không gian sinh hoạt sẽ giúp các chiến sĩ ổn định về cơ sở vật chất, không còn bơ vơ giữa 4 bề sóng nước. Đồng thời chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc được khẳng định vững chắc thông qua những ngôi nhà được xây dựng khang trang để các chiến sĩ và ngư dân có điều kiện sinh hoạt tốt hơn.
Mới đây, TPHCM cũng đã trao tặng kinh phí 40 tỷ đồng để xây dựng nhà văn hóa đa năng trên đảo Thuyền Chài B. Đây là điểm đảo thứ 2 mà Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã góp đá xây Trường Sa. Chứng kiến sự thay đổi qua từng từng năm, các đại biểu trong đoàn, nhất là các doanh nghiệp như càng được thôi thúc phải tiếp tục cống hiến, làm giàu cho đất nước, hỗ trợ Trường Sa nhiều hơn nữa.
Đại biểu Dương Công Đức, Chủ tịch - TGĐ Công ty CP Xây dựng Vietcotek nói: “Chúng tôi thật sự biết ơn các anh chiến sĩ đã bảo vệ Tổ quốc yên bình để trong đó các doanh nghiệp chúng tôi có thể an tâm sản xuất. Và lãnh đạo TPHCM cũng đã có những trao đổi với các doanh nghiệp là sau chuyến đi sẽ cùng ngồi lại bàn bạc tính toán để có những chương trình hỗ trợ lâu dài cho Trường Sa. Đặc biệt là vấn đề năng lượng. Riêng với cá nhân tôi sau chuyến đi tôi sẽ chia sẻ những điều mình tận mắt chứng kiến với các anh chị doanh nghiệp, các nhân viên của mình. Qua chuyến đi càng làm cho chúng tôi gắn bó hơn với các Quỹ ủng hộ vì tuyến đầu Tổ quốc. Cảm ơn lãnh đạo TPHCM đã tạo điều kiện cho chúng tôi đến thăm Trường Sa” .
Vừa trải qua một đợt dịch với bao khó khăn mất mát, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM luôn ý thức trách nhiệm của mình với biển đảo quê hương. Chứng kiến sự lớn mạnh của biển đảo hôm nay, chúng ta lại càng vững tin hơn khi đã có các anh, những chiến sĩ can trường vẫn kiên trì bám biển. Chia sẻ cảm xúc sau 10 năm quay lại Trường Sa, ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí Thư Thành ủy TPHCM xúc động nói: “Riêng cá nhân tôi sau 10 năm trở lại Trường Sa đã thấy màu xanh của những cây bàng vuông, cây phong ba đã phủ kín trên điểm đảo. Thấy được sự đầu tư rất lớn của Đảng và Nhà nước, sự thay đổi về đời sống của các cán bộ, chiến sĩ, người dân. Tâm trạng rất vui và mình tâm niệm sẽ cố gắng làm hết sức mình để góp phần cùng Đảng, chính quyền và nhân dân TP hỗ trợ và xây dựng Trường Sa thân yêu. Tôi cũng có một chút tâm tư, xen lẫn nỗi buồn khi đi ngang qua những điểm đảo bị nước ngoài chiếm đóng. Bản thân tôi tâm niệm chúng ta phải gìn giữ hòa bình và ổn định. Phải làm thế nào để chúng ta không mất đi một tấc đất, một tấc biển nào mà ông cha ta đã giành được. Tôi nghĩ đây cũng là tâm niệm chung của nhân dân Việt Nam anh hùng. Chúng ta chắc chắn sẽ làm được".
Dù diễn biến trên biển còn nhiều phức tạp khó lường, nhưng những đổi thay của đảo xanh hôm nay đã minh chứng cho sức sống bất diệt của tình yêu quê hương đất nước, của tinh thần quả cảm can trường của những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ đất trời. Và để biển đảo ngày càng to đẹp hơn, mỗi người dân thành phố mang tên Bác luôn ý thức việc bảo vệ biển đảo quê hương, tuyến đầu Tổ quốc cần có sự tham gia góp sức của chính mình. Hơn 200 đại biểu của thành phố Hồ Chí Minh trong chuyến hải trình năm 2022 cùng hàng ngàn người đã may mắn có dịp được đặt chân đến Trường Sa đều có chung niềm xúc động tự hào, để an tâm lao động, sản xuất tham gia hỗ trợ xây dựng Trường Sa thân yêu cho một ngày mai Trường Sa ngày càng gần hơn với đất liền.
"Trường Sa ơi, mai tàu rời bến
Ta lại về phố thị thân thương
Vòng tay ấm bao chuyện buồn vui
Biển dẫu yên, lòng ta lay động.
Rời xa nhau đêm về thành phố
Ngóng tin xa con sóng hoàng hôn
Tuổi 20 chưa từng hò hẹn
Trong đêm mơ vẫn gọi mẹ ơi.
Tôi muốn ôm ghì bãi san hô
Vang vọng về con sóng Bạch Đằng giang
Một màu xanh sinh tồn song tử
Đẹp dịu dàng tiên nữ An Bang
Bao xương máu đắp hình hài Tổ quốc
Vang vọng về dòng máu Lạc Hồng xưa
Giữa đảo xa lá cờ bạc nắng gió
Bỗng trong tôi mắt lệ dâng trào.
(Bâng Khuâng Trường Sa – Lê Đức Hùng)