Vì sao Liverpool và Arsenal "không đội trời chung" trên thị trường chuyển nhượng?

VOH - Giai thoại 40 triệu lẻ 1 bảng kinh điển của "Giáo sư" Arsene Wenger gây rạn nứt khó thể hàn gắn giữa hai ông lớn Arsenal và Liverpool.

"Họ đang hút cái khỉ gì ở Emirates vậy?" - Đó là dòng trạng thái do đích thân Chủ tịch John Henry của Liverpool đăng tải trên Twitter cá nhân, sau khi nhận được lời đề nghị chuyển nhượng có thể nói là “khôi hài và báng bổ” mà Arsenal gửi tới Liverpool, nhằm chiêu mộ một ngôi sao đình đám của Lữ Đoàn Đỏ, vào mùa hè 2013.

Và có thể bạn chưa biết về một sự thật khá thú vị, thương vụ chuyển nhượng trực tiếp gần đây nhất diễn ra giữa 2 câu lạc bộ hàng đầu nước Anh - Liverpool và Arsenal, chính là vụ chuyển nhượng tiền vệ Alex Oxlade-Chamberlain vào mùa hè 2017. Kể từ đó đến nay, hai đội bóng này không thực hiện bất kỳ một vụ giao dịch nào khác trên thị trường chuyển nhượng.

liverpool-arsenal
Chamberlain là trường hợp hiếm hoi thay đổi màu áo giữa Arsenal và Liverpool. Ảnh: Internet

Arsenal và Liverpool không phải là những đội bóng có mối quan hệ thù địch sâu sắc, về cả yếu tố truyền thống lẫn danh hiệu. Dẫu vậy, hai đội bóng này từng có một cuộc chạm trán ồn ào trên thị trường chuyển nhượng, khi Pháo thủ ngỏ lời chiêu mộ siêu tiền đạo của Liverpool - Luis Suarez, vào giai đoạn 2013.

Ở thời điểm đó, Suarez đang là một trong những tiền đạo hàng đầu châu Âu, trong mùa giải 2012 - 2013, anh ghi tới 30 bàn thắng trên mọi mặt trận, trong đó có 23 bàn tại Ngoại hạng Anh. Dẫu vậy, mối quan hệ giữa tiền đạo người Uruguay và Suarez cũng không mấy tốt đẹp, khi ban lãnh đạo đội bóng bắt đầu chán ngấy những chiêu trò quậy phá của tiền đạo này, từ việc phân biệt chủng tộc, cho tới ăn vạ hay gây gổ trên sân cỏ.

Về phần Suarez, anh khao khát được phô diễn tài năng tại đấu trường Champions League - Thứ quá xa xỉ với một Liverpool sa sút và rệu rã ở thời điểm đó. Và thế là, Arsenal đã xuất hiện. Giáo sư Asene Wenger - Người khi đó đang là huấn luyện viên trưởng của đội bóng chủ sân Emirates, đã dùng tấm vé dự Champions League, cùng cam kết sẽ chồng đủ số tiền phá vỡ hợp đồng trị giá tối thiểu 40 triệu bảng, để đưa Suarez về London.

Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu như Arsenal không liên hệ với ban lãnh đạo Liverpool và đưa ra con số đề nghị chính thức là 40 triệu… lẻ 1 bảng Anh. Về mặt pháp lý, quả thực, đây là con số vừa đủ để phá vỡ hợp đồng của Suarez, tuy nhiên, rõ ràng đó là một lời đề nghị mang đậm tính khinh nhờn và xúc phạm đối với Liverpool.

Ban lãnh đạo đội bóng thành phố cảng không mất chút phút giây do dự nào để tuyên bố hủy bỏ mọi cuộc đàm phán với Arsenal. Chủ tịch John Henry - Chủ sở hữu của The Kop, thì thẳng thừng viết trên Twitter: "Họ hút cái gì ở Emirates vậy?", như một cách bóng gió để chỉ thẳng mặt ban lãnh đạo Arsenal rằng: "Các ông bị ngáo à?".

Có vẻ như nhận ra sự việc đã đi quá xa, ngay cả bộ sậu của Arsenal khi ấy cũng đã buộc phải lên tiếng giải thích rằng, lời đề nghị 40 triệu lẻ 1 bảng chỉ mang tính hình thức, nhằm kết nối bàn đàm phán giữa 2 đội bóng. 

Tuy nhiên, mọi thứ đã chấm dứt ngay từ khi chúng chưa bắt đầu. Đội trưởng Steven Gerrard của Liverpool khi ấy, đã dùng chính con số 40 triệu lẻ 1 bảng để thuyết phục Luis Suarez không gia nhập Arsenal. 

"Đó là một lời đề nghị thiếu tôn trọng, đối với cả Suarez lẫn Liverpool". Gerrard còn đề nghị người đồng đội rằng: "Cậu hãy ở lại Anfield thêm 1 năm, tiếp tục ghi bàn, và rồi Barcelona hay Real Madrid sẽ tự động tìm đến cậu."

Suarez sau đó nhanh chóng có quyết định của riêng mình, anh gia hạn hợp đồng với Liverpool, và có được mùa giải bùng nổ nhất trong quãng thời gian khoác lên mình màu áo đỏ. Tiền đạo người Uruguay ghi tới 31 bàn thắng tại Ngoại hạng Anh, giúp một Liverpool rệu rã, đua tranh ngôi vô địch với Man City tới những vòng đấu cuối cùng.

Dù không thể chinh phục danh hiệu Premier League cùng Liverpool, nhưng đúng như Gerrard đã nói, Barcelona nhanh chóng tìm đến Luis Suarez, và gửi một lời đề nghị không thể chối từ, tạo nên thương vụ chuyển nhượng 75 triệu bảng lịch sử.

Về phía Arsenal, Giáo sư Wenger đã thất bại trong việc tìm kiếm một tiền đạo thay thế Robin Van Persie. Dù sau đó, Pháo thủ thành London vẫn liên tiếp mang về hai bản hợp đồng bom tấn là Mesut Ozil, và Alexis Sanchez, nhưng sức ảnh hưởng của hai cầu thủ này rõ ràng chưa thấm tháp vào đâu, nếu nhìn sang những gì mà Suarez đã thể hiện trong màu áo Liverpool hay Barcelona.

Chẳng những vậy, con số 40 triệu lẻ 1 bảng còn để lại vết nhơ trong lịch sử đội bóng Thủ đô, đồng thời khiến mối quan hệ giữa Arsenal và Liverpool thêm phần căng thẳng.

arsenal-liverpool
Phi vụ Suarez đổ vỡ gây rạn nứt mối quan hệ giữa hai ông lớn xứ sương mù. Ảnh: Internet

Sau này, trong hợp đồng chiêu mộ cũng như gia hạn với Roberto Firmino - Một tiền đạo danh tiếng khác trong lịch sử Lữ Đoàn đỏ, các đời lãnh đạo câu lạc bộ đều yêu cầu cài thêm một điều khoản bắt buộc: "Liverpool sẽ cho phép Firmino gia nhập bất kỳ đội bóng nào ở nước Anh, ngoại trừ Arsenal."

Ban lãnh đạo The Kop thậm chí còn thẳng thừng chia sẻ thông tin này với báo chí, như một động thái dằn mặt Pháo thủ về câu chuyện năm xưa. 

Hơn một thập kỷ trôi qua kể từ thương vụ chuyển nhượng hụt đầy bi hài trên, Arsenal cũng như Liverpool, đã không ít lần đối đầu trực tiếp trên thị trường chuyển nhượng. Rất nhiều nguồn tin tại nước Anh từng đề cập đến việc The Gunner muốn chiêu mộ Philippe Coutinho hay Darwin Nunez từ Liverpool, nhưng quan điểm của FSG - Tập đoàn chủ sở hữu đội bóng thành phố Cảng thì vẫn được giữ nguyên - Không đàm phán với Arsenal.

Liverpool và Arsenal cũng từng cạnh tranh gay gắt trong các thương vụ mua Alexis Sanchez, Bruno Guimaraes, Luis Diaz, Raphinha, Ricardo Calafiori… Mới đây nhất, một thương vụ "bùng binh" cũng đã xảy ra, khi Arsenal, bằng một cách gián tiếp, đã khiến Liverpool thất bại trong việc chiêu mộ Martin Zubimendi từ Real Sociedad.

Việc Pháo thủ đẩy nhanh tiến độ chiêu mộ Mikel Merino từ Sociedad, đã khiến đội bóng Tây Ban Nha lật kèo trong thương vụ Zubimendi, bởi họ không muốn rơi vào tính cảnh mất cùng lúc cả 2 tiền vệ trụ cột.

Có thể nói dù vô tình hay hữu ý, Liverpool và Arsenal đều đã kéo dài những mâu thuẫn và cạnh tranh trên thị trường chuyển nhượng.

Mối quan hệ thù địch này không dính dáng đến vấn đề đua tranh thành tích hay xung đột văn hóa, lịch sử giữa 2 đội bóng, mà chủ yếu dính líu tới giới thượng tầng của 2 câu lạc bộ.

Bình luận