Kỳ thi THPT Quốc Gia năm 2016: Băn khoăn việc chấm thi

(VOH) - Chiều 21/3, Bộ GD-ĐT làm việc với các trường chủ trì cụm thi của kỳ thi THPT Quốc qia năm 2016 khu vực phía Nam. Ở kỳ thi THPT Quốc qia năm 2016, cả nước có hơn 1 triệu thí sinh dự thi, trong đó có hơn 65.000 thí sinh dự thi xét ĐH-CĐ, chiếm 65%.

Thí sinh tham gia kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2016 (Ảnh: Lan Hương)

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, trường ĐH chủ trì cụm thi phải phối hợp chặt chẽ với các trường ĐH, CĐ được giao nhiệm vụ phối hợp với Sở GD-ĐT ở địa phương để chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ coi thi, chấm thi, in sao đề thi; Chuẩn bị lực lượng cán bộ coi thi, chấm thi.

Trước ngày 20/5, các Sở GD-ĐT sẽ chuyển toàn bộ dữ liệu đăng ký dự thi của thí sinh tham dự cụm thi ĐH cho các trường ĐH chủ trì cụm thi. Đặc biệt, điểm mới năm nay là các cụm thi quốc gia sẽ tự công bố điểm thi.

Ông Ga cho biết: “Năm nay, trường nào được Bộ giao chủ trì cụm thi trường đó sẽ công bố kết quả, không dồn về Bộ công bố như trước nữa. Cho nên, các trường phải chuẩn bị đường truyền, mở rộng băng thông. Các trường phải chuẩn bị thêm máy chủ hoặc những cơ sở hạ tầng khác, phải tính toán trước”.

Tại hội nghị, đại diện nhiều trường đại học băn khoăn về đội ngũ và cách chấm thi khi cho rằng đội ngũ giáo viên chấm thi tại địa phương sẽ không đảm bảo tính khách quan.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm Kỹ thuật TPHCM nêu ý kiến: “Bộ chỉ cần ra quy định là giáo viên tại khu vực đó là không được chấm thí sinh khu vực đó. Ví dụ, ở Thủ  Đức, quận 2 thì không được mời giáo viên ở quận đó mà phải mời giáo viên ở quận 5, quận 1 xuống chấm chẳng hạn. Nếu chúng ta đưa quy định như thế thì hoàn toàn có thể làm được. Còn nếu để địa phương tự chấm thì chắc chắn không thể nào thoát khỏi 'chủ nghĩa địa phương cục bộ'."

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm  cho rằng, các trường tổ chức chấm thi, nhưng không ai có thể chắc chắn rằng chất lượng chấm thi đúng, giống hệt như nhau.

“Cho nên tôi đề nghị phương án các trường không sử dụng giáo viên ở khu vực địa phương đó chấm. Tất nhiên, có thể sẽ có khó khăn như khi di chuyển hoặc chuyển về TPHCM chấm hoặc tại địa phương đó chấm thi, thì sẽ phát sinh kinh phí di chuyển. Tôi nghĩ thà rằng chúng ta chấp nhận có chất lượng chấm thi tốt và đồng đều hơn là việc các trường không đạt được kết quả chấm như mong muốn” – theo PGS.TS Nguyễn Kim Hồng.

TS Trần Trung Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên dẫn chứng, tại Đắk Lắk năm nay có 2 loại cụm thi do trường ĐH chủ trì và do Sở GD-ĐT chủ trì. Như vậy, Sở sẽ ưu tiên chọn giáo viên chấm cho cụm thi của Sở trước, nên chất lượng giáo viên trong việc chấm thi của hai cụm chắc chắn sẽ khác nhau, cần có một giải pháp để đội ngũ chấm hai bên tương đối đồng đều. Trong khi đó, nhiều trường cũng “than” sẽ không đào đâu ra lực lượng chấm thi để phục vụ kỳ thi năm nay.

Về việc này, PGS.TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho hay, qua dữ liệu kết quả kỳ thi THPT QG năm ngoái cho thấy việc chấm thi khá tốt, kể cả các cụm thi ở xa, nơi nào có nghi ngờ đều có chấm lại. 

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM cho rằng, chỉ cần cơ chế giám sát chặt chẽ việc chấm thi hơn là việc chấm chéo.

Ông Nghĩa chia sẻ: “Thú thật là không thể nào đủ giáo viên để chấm thi với gần 1 triệu thí sinh, nhất là giáo viên chấm bài thi tự luận. Cho nên, chúng ta phải tin nhau và cần phải có các cơ chế để kiểm soát và thanh tra, kiểm tra việc chấm thi”.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, đối với công tác chấm thi, cán bộ chấm thi là cán bộ của các bộ môn cơ bản của trường ĐH-CĐ và giáo viên THPT đáp ứng yêu cầu của Quy chế thi; số giáo viên chấm thi của sở GD-ĐT không ít hơn 50% tổng số cán bộ chấm thi và để đảm bảo chất lượng công tác coi thi, trường ĐH chủ trì phải huy động tối thiểu 50% cán bộ coi thì và ít nhất 1/2 tổng số cán bộ giám sát phòng thi ở mỗi điểm thi; trường ĐH, CĐ phối hợp cử ít nhất 20% cán bộ tham gia coi thi; còn lại là giáo viên do Sở GD-ĐT điều động.