10 phi vụ “hàng giả” chấn động năm 2017

(VOH) - Không chỉ những mặt hàng tiêu dùng thông thường bị làm giả, năm qua không ít sản phẩm có thương hiệu cũng bị phanh phui là hàng giả, hàng kém chất lượng.

“Khăn lụa giả” của Khaisilk

Khăn lụa Khaisilk bị phát hiện là giả vào tháng 10/2017 khi một khách hàng tố mua 60 chiếc khăn lụa tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hà Nội) nhưng trong lô hàng có khăn vừa có mác “KHAISILK - Made in Vietnam”, vừa có mác “Made in China”, một số khăn có dấu hiệu cắt mác tại viền khăn.

Sau sự việc trên, ông Hoàng Khải - Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk đã thừa nhận "bán 50% lụa 'Made in China' và gửi lời xin lỗi tới người tiêu dùng. 

Khăn Khaisilk còn giả thì người tiêu dùng... không biết đường nào mà lần (Ảnh: 24h)

Đáng chú ý, qua kiểm tra, giám định chất lượng sản phẩm dệt may đối với một số mẫu sản phẩm của Công ty TNHH Khải Đức, đơn vị sở hữu thương hiệu Khaisilk, cho thấy không có thành phần silk như công bố trên nhãn hàng hoá về thành phần nguyên liệu trong sản phẩm là 100% silk.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong vòng 3 năm (2006 - 2009), Khải Đức nhập khẩu các sản phẩm thời trang từ Trung Quốc và Thái Lan. Tuy nhiên, từ 2009 đến ngày 15/10/2017 công ty không còn nhập khẩu các mặt hàng thời trang. Từ năm 2012 đến nay, công ty cũng không sản xuất, gia công hoặc đặt gia công các sản phẩm thời trang ở trong nước.

Doanh nghiệp này chủ yếu mua thành phẩm từ các cửa hàng, hộ kinh doanh, doanh nghiệp khác trên thị trường về gắn một trong ba nhãn hàng hóa “Khaisilk®”, “Khaisilk cách điệu” và “Khaisilk Made in Vietnam” để kinh doanh trên thị trường.

“Mỹ phẩm giả” TS Group

Tháng 11/2017, lãnh đạo Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương) khẳng định, lô hàng mỹ phẩm giá trị 11 tỷ đồng của công ty TNHH Thiên nhiên TS.Việt Nam (TS Group) bị cơ quan chức năng thu giữ là số lượng hàng mỹ phẩm giả lớn nhất từ trước tới nay.

Trước đó, ngày 18/10, Đội 6 Chi Cục quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt Nam và phát hiện có hơn 10 loại mỹ phẩm, tất cả đều ghi Made in Newzealand hoặc Made in Korea. Tuy nhiên, công ty này không xuất trình được đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

“Thuốc ung thư giả” VN Pharma

Đây có lẽ là vụ buôn bán hàng giả chấn động nhất năm. Mặc dù cho đến lúc này, thuốc H-Capita do Công ty CP VN Pharma nhập khẩu vẫn còn gây tranh cãi và chưa ngã ngũ đây là “thuốc giả” hay “thuốc kém chất lượng”.

Năm 2014 thuốc H-Capita 500 mg Caplet chữa các loại ung thư vú, dạ dày, đại trực tràng được Sở Y tế TPHCM đấu thầu tập trung với giá kế hoạch mời thầu là 66.000 đồng một viên. Kết quả đợt đấu thầu này, thuốc của Công ty VN Pharma trúng thầu với giá 31.000 đồng một viên.

Khi vừa nhập về Việt Nam, Bộ Y tế xác định lô thuốc này không rõ nguồn gốc, không đủ các điều kiện sử dụng cho người. Do đó Bộ đã niêm phong lô hàng, cấm lưu hành ra thị trường. Nhờ phát hiện và ngăn chặn kịp thời nên toàn bộ số thuốc vi phạm không được đưa ra thị trường, không giao thuốc cho bệnh viện. Sở Y tế TPHCM đã quyết định hủy kết quả trúng thầu đó.

Công ty VN Pharma bị cáo buộc làm giả hồ sơ 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg. Giám định của Bộ Y tế cho thấy lô thuốc này chứa 97% hoạt chất capecitabine kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Thuốc làm giả hoặc không đủ hàm lượng theo quy định của nhà sản xuất sẽ không đảm bảo công năng, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị của bệnh nhân.

“Xăng giả” ở Nghệ An

Tháng 10/2017, Cảnh sát kinh tế (Công an Nghệ An) khởi tố, bắt giam ba tháng đối với Nguyễn Văn Tuấn (32 tuổi) và Nguyễn Văn Kỳ (52 tuổi) cùng trú huyện Diễn Châu về tội sản xuất buôn bán hàng giả, theo điều 156 Bộ luật hình sự.

Hiện trường vụ phát hiện xăng giả tại Diễn Châu (Ảnh: 24h)

Nguyễn Văn Tuấn từ tháng 8/2017 được sự ủy quyền của bố đẻ là Nguyễn Xuân Sáu (Giám đốc Công ty TNHH thương Mại Sáu Hằng, đóng ở huyện Diễn Châu) đã trực tiếp mua của doanh nghiệp tư nhân Kiên Lục (đóng huyện Quỳnh Lưu) 185.000 lít chất dung môi với giá 14.000 đồng/lít. Tuấn trực tiếp pha trộn tỷ lệ 50% xăng A92 và 50% chất dung môi mua của doanh nghiệp Kiên Lục để bán cho khách hàng với giá xăng A92 là trên 18.000 đồng/lít. 

Ông Nguyễn Văn Kỳ (Giám đốc Công ty TNHH thương mại Kỳ Phương, đóng tại huyện Diễn Châu) khai từ tháng 9/2017 đã mua của doanh nghiệp tư nhân Kiên Lục 40.000 lít chất dung môi. Số dung môi này được pha với xăng A92 của công ty xăng dầu với tỷ lệ 2-3 lít xăng A92 + 1 lít xăng mua của doanh nghiệp Kiên Lục để bán cho khách hàng.

Tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Kiên Lục tại huyện Quỳnh Lưu, nhà chức trách phát hiện hai bể chứa 10.000 lít xăng A92 kém chất lượng cùng một lọ bột tạo màu cho xăng. Chủ cơ sở thừa nhận đã mua 320.000 lít chất dung môi với giá 10.600 đồng/lít. Một nửa số này đã bán cho Công ty Thanh Ngũ, số còn lại dùng để "chế biến" xăng tại cơ sở.

Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cho hay, 11/12 mẫu xăng A92 của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn được xác định không đạt chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu sinh học.

“Nhớt giả” tuồn về miền Tây

Tháng 10/2017, lực lượng PC46 (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng) kiểm tra và bắt quả tang Ngô Đình Đông (23 tuổi, quê Quảng Nam - tài xế xe tải) khi đối tượng này đang vận chuyển gần 1.000 lít dầu nhớt giả các thương hiệu nổi tiếng thế giới bằng xe tải trên đường Võ Văn Kiệt, quận 8. 

Ngay sau đó, lực lượng PC46 đã đồng loạt khám xét khẩn cấp địa điểm có liên quan tại quận 8, quận Tân Phú, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn và thu giữ gần 10.000 lít dầu nhớt thành phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng, một số lượng lớn nguyên phụ liệu, phụ gia cùng nhiều loại máy móc, thiết bị chuyên dùng để sản xuất nhớt giả. 

Để sản xuất hàng giả, nhóm này thu gom dầu nhớt trắng (loại nguyên liệu để sản xuất dầu nhớt bôi trơn) cùng các loại bột nhựa, chất tạo màu, phụ gia và dầu nhớt thải về một số điểm để nấu, pha chế, đóng gói bằng các loại bao bì, nhãn mác do Phúc sản xuất. 

Các đối tượng làm nhớt giả đã thuê một số kho tại các khu vực bãi cho thuê chỗ đậu xe, kho chứa hàng ở các quận, huyện khác nhau để chia nhỏ việc sản xuất bao bì, nhãn mác sản phẩm giả và việc sản xuất bao bì, nhãn mác và cả việc chế biến, sản xuất dầu nhớt giả liên tục được di chuyển địa điểm nhằm trốn tránh cơ quan chức năng.

“Thuốc tẩy giun giả”

Tháng 8/2017, Cục Quản lý dược phát hiện 2 lô thuốc tẩy giun Fugacar giả có số đăng ký VN-16500-13, số lô 514015 và 1614007, trên nhãn hộp ghi mạo danh cơ sở nhượng quyền sản xuất là công ty Janssen Pharmaceutica N.V., Beerse, Bỉ.

Về hình thức, vỏ hộp, ngoài bao bì hộp thuốc Fugacar thật có số bao bì 991013240, số lô sản xuất, ngày sản xuất được in nổi, sờ có thể cảm nhận được. Còn thuốc Fugacar giả, số bao bì 991-101-240, số lô sản xuất, số ngày sản xuất, hạn dùng đều in thường, sờ không cảm nhận được.

Cách viết ngày tháng năm ở hạn sử dụng thuốc giữa thuốc thật và giả cũng khác nhau. Fugacar thật ghi ngày tháng năm cách nhau bằng dấu chấm (.), còn thuốc Fugacar giả ghi ngày tháng năm cách nhau bằng dấu chéo (/).

Trên viên thuốc Fugacar thật có khắc chữ Janssen, mặt còn lại chữ Me 500. Ngược lại, thuốc Fugacar giả không có.

“Máy lọc nước giả”

Tháng 7/2017, lực lượng chức năng ở Hà Nội đã kiểm tra và thu giữ nhiều máy lọc nước và tem nhãn dùng để sản xuất hàng giả tại huyện Chương Mỹ và Phúc Thọ.

Các cơ sở sản xuất theo đơn đặt hàng, khách cần bao nhiêu cũng có. Tại thời điểm kiểm tra, các cán bộ của Đội Quản lý thị trường số 14 đã phát hiện tại kho hàng có vô số tem mác ghi nhãn hiệu của nhiều thương hiệu lớn. Thậm chí, còn có cả tem chống hàng giả, hàng nhập khẩu nguyên chiếc.

Một chiếc máy lọc nước được chủ hàng rao bán trên thị trường với giá gần 4 triệu đồng. Tuy nhiên, tính cả công lắp ráp, linh kiện thiết bị, giá thành cho một chiếc máy lọc nước giả chưa bằng một nửa. Như vậy, nếu tiêu thụ trót lọt thì chủ cơ sở thu về lợi nhuận gần 2 triệu đồng mỗi chiếc.

“Phân bón giả” làm từ hóa chất Trung Quốc

Tháng 8/2017, Cơ quan CSĐT Công an Q. Bình Tân, TPHCM hoàn tất hồ sơ để xử lý công ty TNHH SX-TM phân bón Tân Phát (Công ty Tân Phát) có trụ sở chính tại huyện Bình Chánh về hành vi “sản xuất phân bón giả”.

Trước đó, Đội cảnh sát kinh tế công an Q. Bình Tân phát hiện Chi nhánh công ty Tân Phát tại địa chỉ số 312 đường Liên Khu 4-5 (phường Bình Hưng Hòa B, Q. Bình Tân) thu mua nguyên liệu là hóa chất nhiều loại có nguồn gốc từ Trung Quốc và đặt in bao bì phân bón (vô cơ và hữu cơ) mang tên công ty TNHH SX-TM phân bón Tân Phát.

Thời điểm kiểm tra, cơ quan công an phát hiện có 500 bao hóa chất SANAP, 480 bao hóa chất Kali, 190 bao Humelaxel, 100 bao NA4, 40 bao CAO là những nguyên liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc. Cùng với đó trong kho còn có 480 bao phân bón thành phẩm các loại, tương đương khoảng 24 tấn mang nhãn hiệu phân hữu cơ sinh học TP Con bò vàng (chuyên dùng cho cây tiêu); phân hữu cơ sinh học TP Bò vàng (dùng cho các loại cây trồng) và phân NPK cao cấp hiệu Con bò vàng.

Kết quả giám định và phân tích, các sản phẩm phân bón này đều không đạt các chỉ tiêu về chất lượng công bố, có dấu hiệu bị làm giả. Đối tượng sản xuất phân bón giả chỉ sản xuất theo từng đơn đặt hàng vào thời điểm đêm khuya và chuyển đi bán ở các tỉnh Tây Nguyên.

Thực phẩm chức năng giả

Tháng 8/2017, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở vì hành vi sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả.

Công ty CP Dược phẩm Quốc tế USA bị phạt 84 triệu đồng với hành vi sản xuất 02 lô hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng. Đó là lô sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe ARGININ B.COMPLEX EXTRA, số lô: 020916 NSX: 02/09/2016 HSD: 02/09/2019 và Lô sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Anphavit calci nano, số lô: 020417 NSX: 07/04/2017 HSD: 07/04/2020).

Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Pháp Âu buôn bán lô sản phẩm thực phẩm chức năng Trinh nữ hoàng cung Pháp Âu, số lô: 261015, NSX: 26/10/15; HSD: 26/10/18 là hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng.

Công ty Cổ phần Dược Viko 8 - Pháp có hành vi sản xuất lô sản phẩm thực phẩm chức năng Trinh nữ hoàng cung Pháp Âu, lô sản xuất: 261015, NSX: 26/10/15; HSD: 26/10/18 là hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng.

Công ty Cổ phần Dược và Thiết bị y tế Hà Tây có hành vi sản xuất lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe PHYPERUS DHA, lô SX: 191216, NSX:17/12/16, HSD: 17/12/19 có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.

Công ty TNHH Dược phẩm VINASANCO bán lô sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe PHYPERUS DHA, lô SX: 191216, NSX: 17/12/16, HSD: 17/12/19 có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; Không duy trì việc kiểm nghiệm sản phẩm định kỳ theo quy định cho sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe PHYPERUS DHA.

Rượu giả

Tháng 10/2017, Đội Quản lý thị trường 4A thuộc Chi cục Quản lý thị trường TPHCM phối hợp với Công an xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (TPHCM) tiến hành kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH sản xuất thương mại SPT ở số F3/15/8 Lại Hùng Cường (xã Vĩnh Lộc B) do ông Lê Đức Giảng là người quản lý. Tại đây đoàn kiểm tra phát hiện toàn bộ hàng hóa là rượu sử dụng tem có dấu hiệu giả mạo, ước tính tổng trị giá khoảng 67,496 triệu đồng.

Trước đó, đoàn kiểm tra một chi nhánh khác của Công ty SPT ở số 33 Đô Đốc Thủ, phường Tân Quý, quận Tân Phú (TPHCM) và phát hiện mặt hàng rượu có xuất xứ Việt Nam, do Công ty TNHH HAVA sản xuất không có dán tem rượu theo quy định và Công ty SPT sản xuất thì sử dụng tem giả.

Tiếp tục kiểm tra chi nhánh Công ty HAVA tại địa chỉ 552/18 Quốc lộ 1A, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân (TPHCM), do ông Hà Tuấn Văn quản lý, đoàn kiểm tra cũng phát hiện có 80.750 chai rượu công nghiệp các loại do HAVA sản xuất và 3.404 tem rượu sản xuất trong nước. Đại diện HAVA không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, bản công bố tiêu chuẩn sản phẩm của công ty.