2019-2020: Chưa đặt nặng vấn đề xử phạt người dân không phân loại rác

(VOH) - Trong giai đoạn 2018-2020, TP tiếp tục thực hiện theo lộ trình mở rộng dần phạm vi triển khai phân loại rác tại nguồn theo Quyết định 1832/QĐ-UBND.

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị hướng dẫn thực hiện Quyết định 44/2018 của UBND TPHCM quy định về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn do Sở TN&MT TP tổ chức sáng nay 17/1/2019. Đây là cơ sở, hành lang pháp lý để TP đẩy mạnh công tác triển khai, đảm bảo sau năm 2020, việc triển khai phân loại rác tại nguồn được thống nhất, đồng bộ.

Trong giai đoạn 2018-2020, TPHCM tiếp tục thực hiện theo lộ trình mở rộng dần phạm vi triển khai phân loại rác tại nguồn theo Quyết định 1832/QĐ-UBND. Như vậy giai đoạn này (2019-2010), Thành phố tập trung cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn đến người dân, hộ gia đình, chủ nguồn thải thực hiện phân loại, hình thành thói quen phân loại rác , chưa đặt nặng vấn đề xử phạt. 

phân loại rác,

Toàn cảnh hội nghị.

Theo quy định, người dân cần nắm rõ thời gian giao rác và khuyến khích giao rác trực tiếp cho người thu gom.

Người dân có thể để rác trước cửa nhà 30 phút trước khi có người thu gom. UBND phường/xã phải bố trí thùng rác công cộng để tiếp nhận rác của các hộ dân không thể giao rác đúng thời gian quy định. Trong quá trình thực hiện cần kiên quyết xử lý những cá nhân thu gom ve chai, phế liệu làm rơi vãi rác ra bên ngoài thùng, cũng như hộ gia đình thải rác bên ngoài, dưới chân thùng rác công cộng. 

Hội nghị cũng đưa ra kế hoạch đồng bộ hệ thống từ công đoạn phân loại đến vận chuyển và xử lý nhằm đạt hiệu quả và nhất quán từ đầu vào đến đầu ra của việc phân loại rác tại nguồn. Theo kế hoạch chuyển đổi phương tiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, đến tháng 10/2019, các địa phương phải tổ chức và hoàn tất chuyển đổi 880 phương tiện đạt chuẩn. Trong đó thành phố sẽ hỗ trợ cho lực lượng thu gom rác dân lập vay 70% giá trị phương tiện, lãi suất 4.27%/năm (bằng 1/3 lãi suất vay ngân hàng).

Hiện nay, các nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa (Phước Hiệp, Củ Chi) và Đa Phước (Bình Chánh) đều có quy trình tiếp nhận và xử lý riêng chất thải hữu cơ để sản xuất phân compost, chất thải còn lại được tiếp tục phân loại, tận thu phế liệu để tái chế, phần chất thải loại ra từ quá trình sản xuất phân compost và tái chế được chôn lấp hoặc đốt.

Trong thời gian tới, khi các nhà máy chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải (áp dụng công nghệ đốt rác phát điện) thì các chất thải có nhiệt trị sẽ được đốt, tận thu nhiệt để sản xuất điện. 

Bình luận