32 tôn giáo tại TPHCM chung tay bảo vệ môi trường

(VOH) - Các tổ chức thuộc 32 tôn giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực triển khai hiệu quả những nội dung, mục tiêu giải pháp về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

03 năm qua, các tổ chức thuộc 32 tôn giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động, tích cực triển khai hiệu quả những nội dung, mục tiêu giải pháp trong Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố với các tôn giáo về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020. 

Đây là nội dung đưa ra tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch phối hợp với các tổ chức tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” diễn ra chiều 17/12.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường TP tuyên dương, khen thưởng 25 mô hình hay, hiệu quả tại Hội nghị.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ chia sẻ, hiện nay nhiều mô hình hay, cách làm tốt trong bảo vệ môi trường đã được các vị chức sắc tôn giáo khởi xướng và triển khai. Nổi bật như các phong trào: “Khu dân cư – Họ đạo không rác”, “Giáo họ xanh, sạch, đẹp”; mô hình trồng cây xanh, tổ chức quét dọn vệ sinh các tuyến đường, thu gom rác thải, khơi thông cống rãnh… vào ngày cuối tuần; Xóa điểm tập kết rác thải, trồng cây xanh, hoa cảnh trên các tuyến đường; Lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu vào các buổi lễ, hưởng ứng sử dụng các vật liệu bằng tre, giấy thay cho các sản phẩm từ nhựa.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết thêm: "Phối hợp giữa MTTQ với Sở Tài nguyên và Môi trường cùng ký kết với 32 tôn giáo trên địa bàn Thành phố kết quả bước đầu hết sức khả quan. Đó là sự tham gia hết sức nhiệt tình, tâm huyết của các tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP. Bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức cho việc thực hiện này để cùng nhau chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường. Việc người dân vứt rác không đúng quy định cũng làm cho mỹ quan của khu vực bị ảnh hưởng"

Bên cạnh đó, qua 1 năm thực hiện cuộc vận động, “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, đã có hơn 1,3 triệu hộ dân ký kết tham gia thực hiện với nhiều hình thức như: cùng chung tay giữ gìn sạch đẹp tuyến hẻm, tuyến đường, ký kết tham gia phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn... Đó là tấm lòng người dân đối với Thành phố và cũng là thước đo hệ thống chính trị.

Điển hình như công trình cải tạo điểm tồn đọng rác gây ô nhiễm môi trường trở thành sân chơi cho trẻ em, điểm sinh hoạt của cộng đồng: “Biến mảnh tường cũ trở thành tranh cổ động tuyên truyền nhân dân chung tay phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và bảo vệ môi trường”; mô hình “Tổ tự quản bảo vệ môi trường”; phong trào “15 phút vì Thành phố văn minh - sạch đẹp”.

Nói đến mô hình của tổ chức mình, Mục sư Trần Thanh Truyện – Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam khẳng định, không phải dân tộc nào cũng có thể đoàn kết được với các tổ chức tôn giáo cùng chung một chí hướng thực hiện xanh, sạch đẹp, vì đây là một việc không phải tầm thường: "Mỗi người dân phải ý thức vấn đề giữ gìn môi trường sạch, xanh và đẹp từ trong nhà ra phố. Cho nên tại sao mà chúng tôi in những cuốn sách cho thế hệ thiếu niên là chúng tôi muốn từ thế hệ thiếu niên để từ thế hệ này sẽ ảnh hưởng trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Đặc biệt, với Chỉ thị 19 chúng tôi rất hoan nghênh vì nó làm sạch hơn những con đường và người ta không xả rác xuống kênh rạch".

Tại hội nghị, Giáo sư Lê Thị Đan, Phó Trưởng ban đại diện Hội Thánh Cao Đài tại TPHCM cho biết: "Thực hiện chủ trương này chúng tôi ý thức từ bản thân thực hiện gương mẫu phân loại rác tại nguồn. Quét sạch đường phố, từ gi đình đến nơi công cộng, các tổ chức tôn giáo, các lễ hội, ngày Tết. Đồng thời cũng có vài kiến nghị: Khi người dân đã ý thức phân loại rác rồi thì mong rằng đội ngũ được phân công thu gom rác nên để theo rác phân loại cho đúng và vận chuyển theo quy định các loại rác để tránh tình trạng để chung rác phân hủy và khó phân hủy".

Ông Huỳnh Văn Bé – Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tân Bình cho biết, sau 3 năm thực hiện trên địa bàn quận đã có những chuyển biến tích cực, tình trạng người đi đường và người buôn bán vãng lai bỏ rác không đúng nơi quy định đã giảm rất nhiều: "Các cơ sở tôn giáo cũng có sự gắn kết. Có những nhóm dọn dẹp rác thải, vệ sinh xung quanh khu vực thờ tự cũng như đường phố và các tuyến hẻm liên quan. Đến thời điểm này việc giữ gìn vệ sinh môi trường cũng như không xả rác thải ra đường phố cũng dần tạo được ý thức trong người dân hiện nay".

Gian hàng triển lãm sản phẩm, hoạt động bảo vệ môi trường

Nói về giải pháp trong thời gian tới, bà Triệu Lệ Khánh – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh nói: "Mặt trận cùng phối hợp với các tổ chức thành viên, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền và đi vào chiều sâu, phù hợp với từng đối tượng, từng em học sinh, từng đoàn viên và những người dân đang sinh sống và làm việc tại TPHCM hoặc những khu nhà trọ thì chúng ta có những cách thức vận động cho thích hợp. Thứ 2 là tiếp tục phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong bảo vệ môi trường làm sao phát hiện nhiều mô hình, công trình hơn nữa để tuyên truyền, nhân rộng và lan tỏa trong cộng đồng dân cư"

Năm 2020, với chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Nguyễn Thành Trung đề nghị các tổ chức thành viên và toàn hệ thống Mặt trận phối hợp với chính quyền địa phương bình xét các danh hiệu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và danh hiệu “Khu phố, ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”, danh hiệu “Phường, xã, thị trấn không xả rác ra đường và kênh rạch” đúng theo hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc Thành phố; đẩy mạnh công tác giám sát việc triển khai thực hiện của chính quyền cùng cấp trong chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện chủ đề năm.

Bình luận