Nghe phỏng vấn tại đây.
Ông Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà Báo Việt Nam. Ảnh: VietnamNet
Báo chí phải song hành với mạng xã hội
Hiện nay, hơn 1,5 tỷ người sử dụng mạng xã hội Facebook. Hội nghị báo chí Public ASEAN (Philippines) đưa ra báo cáo giật mình: tỷ lệ truy cập các trang web thông qua link được dẫn từ mạng xã hội lên đến 43%, tức là gần phân nửa người đọc tiếp cận thông tin báo chí qua mạng xã hội, vượt lượng truy cập trực tiếp vào các trang web đến 38%. Một con số đầy suy nghĩ với mỗi người làm báo.
Đó cũng là lý do, hiện nay, các cơ quan báo chí muốn tăng lượt xem, lượt nghe đều phải đẩy nội dung lên trang mạng xã hội. Đó là một cách tiếp thị, quảng bá sản phẩm báo chí, tăng độ lan tỏa đến người xem, người nghe nhiều hơn.
Tôi xin nhấn mạnh đây là xu thế cần thiết và không thể chối cãi được. Một thông tin về cháy nhà, đụng xe… nếu "yên vị" ở trang web của một tờ báo, nó không thể lan truyền nhanh nếu không được dẫn link trên mạng xã hội và được cập nhật trên newsfeed. Nó phải được phân phối theo kiểu đó đến từng người trong xã hội.
Ngay cả người làm báo bây giờ cũng khai thác thông tin trên mạng xã hội để tác nghiệp. Ví dụ câu chuyện ruốc bị nhuộm màu ở Phú Yên từ ảnh chụp của khách du lịch, sau đó báo chí "vào cuộc" truy vấn trách nhiệm địa phương và cơ quan chức năng.
Ở góc độ tích cực, khai thác mạng xã hội là công cụ hữu ích để báo chí phát triển, ngược lại, do thông tin trên mạng xã hội đậm tính cá nhân nên một bức hình hay câu chuyện chưa được kiểm chứng nhưng nội dung đầy tính tò mò, lôi kéo đều trở thành những hiện tượng xấu, phản ánh không chân thực, khách quan.
Khi đó vai trò của người làm báo, cơ quan báo chí rất quan trọng. Người xem bây giờ có thể bị thu hút bởi thông tin độc, lạ nhưng tin vào điều đó hay không thì còn kiểm chứng ở những tờ báo chính thống. Giá trị của báo chí là ở đó.
Một lưu ý nữa, là phát ngôn của người làm báo. Nhiều vấn đề trong tác nghiệp hoặc vài chi tiết bên lề bài báo, đưa lên mạng xã hội hay quan điểm cá nhân được phát biểu với tư cách nhà báo cần được cân nhắc.
Luật không cấm nhà báo phát ngôn trên mạng xã hội nhưng người làm báo được trao trách nhiệm xã hội to lớn, thế nên phát biểu, thông tin không đúng, dẫn dắt dư luận từ thái cực này sang thái cực khác, gây nhiễu loạn thông tin cũng cần xem xét đạo đức và trách nhiệm của mình. Ở những hãng thông tấn lớn BBC, AFP, Reuters đều có quy định, về sự kiện chính trị xã hội có sức lan tỏa rộng, nhà báo phát ngôn được xem quan điểm của tờ báo đó và phải chịu trách nhiệm với phát ngôn của mình.
Ảnh minh họa: Internet
Vai trò phát thanh ở đâu?
Phát thanh có lợi thể đi sâu đến mọi đối tượng. Tôi đi công tác không đọc báo được, xem ti vi không có thời gian, không có mạng thì tôi vẫn cập nhật tin tức qua Đài phát thanh. Cuộc sống càng hiện đại, áp lực về thời gian càng cao thì phát thanh càng có chỗ đứng.
Họ không có thời gian ngồi hàng giờ trước tivi hay tự tổng hợp thông tin trên hàng chục trang web vì thế nếu phát thanh đi đúng hướng, hiện đại, sinh động, lượng thông tin cao, cách tổng hợp ngắn gọn, đầy đủ sẽ luôn là ưu thế.
Tôi chỉ nhấn mạnh trong các hình thức như báo hình, báo in tiếp cận mạng xã hội cực kỳ tốt, nếu phát thanh phát huy những lợi thế đó, các chương trình phát thanh được quảng bá trên diễn đàn, mạng xã hội sẽ giúp thính giả tiếp cận tốt hơn và cũng là cách quảng bá phát thanh theo tiêu chí hiện đại tốt hơn.