Tiêu điểm: Nhân Humanity

93% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người quen

(VOH) - Vụ việc ông Đinh Bằng My - Hiệu trưởng trường PT dân tộc nội trú Thanh Sơn (Phú Thọ) vừa bị Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi” khiến nhiều người bàng hoàng

Còn nhớ, nhiều vụ việc đau lòng tương tự từng xảy ra, như: Vụ Nguyễn Khắc Thủy lĩnh 3 năm tù tội dâm ô trẻ; Hay nam diễn viên Hồng Quang Minh (tức Minh Béo) đã nhận hai tội là quan hệ tình dục bằng miệng với một nam thiếu niên dưới 18 tuổi, toan có hành động dâm ô với trẻ em dưới 14 tuổi tại phiên tòa ở Mỹ… Đây chỉ là một trong số ít những vụ việc “đen tối” được đưa ra “ánh sáng”. Nhiều vụ ấu dâm liên tiếp xảy ra trên cả nước đang trở thành nỗi ám ảnh đối với cả cộng đồng, tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Rõ ràng, tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục đang là hồi chuông báo động sự suy đồi đạo đức, một lần nữa đặt ra câu hỏi về việc cộng đồng và xã hội cũng như cơ quan chức năng đã dành đủ sự quan tâm đối với vấn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em hay chưa.

93% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người quen

Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An giảng dạy kỹ năng mềm cho sinh viên. Ảnh: dntu

Phóng viên VOH có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam về một số khía cạnh rất đáng lưu tâm xoay quanh vấn đề này.

*VOH: Nói về đối tượng tội phạm ấu dâm, theo ông đây có phải là một dạng bệnh lý tâm thần hay xuất phát từ nguyên nhân nào dẫn đến hành vi xâm hại trẻ em?

- Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An: Theo nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy: Ấu dâm là một căn bệnh do tình trạng rối loạn về tâm lý khiến cho người bệnh có một ham muốn tình dục đối với trẻ em. Và bệnh ấu dâm được phân loại bởi hiệp hội tâm thần học Hoa Kỳ như là một chứng rối loạn tình dục liên quan đến những ham muốn cũng như là những tật xấu không thể chấp nhận được đối với trẻ em. Như những vấn đề liên quan đến xâm hại tình dục đối với trẻ em đã xảy ra thời gian vừa qua, thì rõ ràng, đối tượng có một ham muốn tình dục đối với trẻ em. Đối tượng này có thể là người hoàn toàn bình thường, nhưng vì việc tiếp cận đối với trẻ em quá dễ dàng nên nảy sinh ham muốn. Trẻ em hiện nay có những sự phát triển rất tốt về mặt thể chất, vì vậy, về vẻ ngoại hình, trẻ em cũng giống một người đã trưởng thành. Và trẻ em cũng là một người  thuộc nhóm đối tượng yêu thế, dễ bị tác động bởi người lớn, do đó rất dễ trở thành nạn nhân. Tóm lại, chúng ta cần phải có một nhận định rõ về những hiện trạng đang xảy ra, đối tượng có thể là một cái người đang mắc bệnh và cũng có thể là một người rất bình thường nhưng có những cảm xúc về mặt giới tính, về mặt tình dục đối với trẻ em.

*VOH: Trong khi nhiều phụ huynh tỏ ra cảnh giác với môi trường xã hội bên ngoài thì thực tế không ít trường hợp đau lòng đến từ người thân trong nhà hoặc trong nhà trường. Ông có ý kiến hay lưu ý nào về vấn đề này với các bậc phụ huynh?

- Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An: Chúng ta luôn luôn cảnh giác với người lạ, nhưng đối với những người quen hay đối với những người thân thì chúng ta mất đi sự đề phòng, mất đi sự cảnh giác. Có một kết quả nghiên cứu cho thấy: Những đối tượng làm dụng tình dục trẻ em, xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục đối với trẻ em thì 93% đó là người quen của nạn nhân; Và trong số đó thì 47 % lại là người thân đối với nạn nhân. Điều này chứng tỏ chính môi trường gần gũi, thân yêu, dễ dàng tiếp xúc thì lại càng dễ hơn cho những tội phạm, đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với người thân, đặc biệt là đối với trẻ em.

* VOH: Với những trẻ không may từng trải qua hay phải chịu đựng hành vi xâm phạm tình dục thì chúng ta cần làm gì để giúp các em có thể hồi phục, vượt qua ký ức đen tối này?

- Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An: Điều quan trọng, trước hết là chúng ta phải đảm bảo cuộc sống hiện tại và tương lai một cách an toàn cho các em. Tùy theo những mức độ mà chúng ta có thể cảm nhận được đối với việc này: Nạn nhân đó họ có bị rối loạn về cảm xúc hay không, có sinh hoạt một cách bình thường trong chuyện ăn uống ngủ nghỉ hay không, và những mối quan hệ của nạn nhân đó đối với những người xung quanh như thế nào… Trên cơ sở đó, chúng ta có những cách thức can thiệp chuyên sâu về mặt tâm lý. Có nghĩa là, những nạn nhân đó rất cần nhận được sự tham vấn tâm lý, hỗ trợ từ phía các chuyên gia tâm lý có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản thì mới có thể giải tỏa, trị liệu được đối với những nạn nhân rơi vào những tình huống khó khăn. Bên cạnh đó, những nhóm cộng đồng với sự đồng cảm, hoặc những nhóm đồng đẳng, họ trò chuyện với những nạn nhân… Chia sẻ và thấu hiểu, kể lại họ đã từng rơi tình huống tương tự và vượt qua khó khăn đó như thế nào… Điều này sẽ làm cho các em – nạn nhân bị xâm hại – sẽ có được cái sự môi ngoài về mặt tâm lý. Đây chính là những kĩ thuật và những cách tiến hành về mặt chuyên môn của những nhà tâm lý được đào tạo bài bản, họ sẽ hỗ trợ, tư vấn, giúp đỡ cho các em là nạn nhân. Đối với gia đình, chúng tôi nghĩ gia đình phải đảm bảo được môi trường sống hoàn toàn có được sự tin cậy, sự an toàn đối với các em. Cách chúng ta hướng dẫn các em đối diện với sự thật, chấp nhận sự thật và vượt qua sự sợ hãi của mình là điều rất quan trọng. Gia đình, bà mẹ và những người thân yêu cần giải thích cho các em hiểu đó chỉ là một cái tai nạn mà có thể bất kỳ người nào cũng có thể gặp phải trong cuộc sống. Và chúng ta sẽ hướng dẫn cho con em mình bản lĩnh, vượt qua tai nạn đó, hướng về tương lai tốt đẹp phía trước.

*VOH: Xin ông đưa ra nhận định chung và lời khuyên đến cộng đồng về vấn nạn ấu dâm, xâm hại tình dục trẻ em?

- Tiến sĩ Tâm lý Đào Lê Hòa An: Chúng tôi nghĩ rằng những sự việc vừa qua là những hồi chuông cảnh báo đối với các gia đình có các em nhỏ. Đối với xã hội Việt Nam chúng ta, việc tiếp cận về vấn đề xâm hại tình dục thì cũng còn rất ngại ngùng. Vì vậy, cha mẹ cũng không có kỹ năng để chia sẻ đối với con em mình. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh thì nghĩ rằng khi giáo dục giới tính cho con là “vẽ đường cho hươu chạy”. Tuy nhiên, không vẽ đường thì “hươu” cũng chạy, không vẽ đường thì “hươu” cũng sẽ phải gặp phải những chứng ngại vật, gặp phải những ổ gà, ổ voi trong cuộc sống. Và nếu như không có kỹ năng thì chắc có lẽ là “hươu” sẽ dễ dàng bị thương. Hiện nay, các sản phẩm như là phim hoạt hình, những bộ sách phòng chống lạm dụng và xâm hại tình dục trẻ em đã được các nhà chuyên môn viết, thực hiện sẽ giúp các phụ huynh rất nhiều. Chúng ta nên giao dục giới tính cho con trẻ ngay từ thời kỳ còn nhỏ, đặc biệt, khi các em đã cảm nhận được sự khác biệt về giới tính trong cơ thể của mình đối với những người xung quanh. Khi trẻ em bắt đầu từ độ tuổi là mẫu giáo thì hoàn toàn chúng ta cũng có thể hướng dẫn cho các em những kỹ năng để phòng chống xâm hại tình dục.

Ví dụ, chúng ta sẽ dạy con em mình phải nói “Không!” khi có bất kỳ ai đó chạm vào những vùng riêng tư trên cơ thể và phải thông báo ngay lập tức cho những người thân yêu, những người mà trẻ tin cậy để nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ. Và điều quan trọng là sau khi mạnh mẽ nói “Không!” thì phải nhanh chóng rời khỏi nơi, khu vực nguy hiểm. Đây là những kỹ năng bước đầu để chúng ta có thể hướng dẫn cho con em mình. Nếu được, có điều kiện, các bậc phụ huynh nên cho con em chúng ta tham gia càng nhiều những khoa học và kỹ năng sống nhằm giúp cho trẻ có thêm nhiều nhận định, ứng phó tốt hơn, linh hoạt hơn, nhận diện được đâu là những hành vi xâm phạm, những hành vi xâm hại, và đâu là những hành vi yêu thương đối với trẻ. Chúng ta cần giải thích rõ cho trẻ hiều: Những hành vi xâm hại là những hành vi khiến cho trẻ cảm thấy khó chịu, trẻ cảm thấy gặp nguy hiểm, khiến cho trẻ cảm thấy bị đau đớn. Những hành vi yêu thương là những hành vi xuất phát từ những người rất thân thuộc với mình làm, cho trẻ có cảm giác yên tâm và cảm nhận được tình yêu thương thực sự. Và chúng tôi nghĩ là đã đến lúc các vị phụ huynh phải quan tâm thật nhiều đến vấn đề này, phải đồng hành cùng con, hướng dẫn cho con, giúp con có được sự bản lĩnh, sự tự tin và khả năng ứng phó một cách linh hoạt với bất kỳ tình huống nguy hiểm nào có thể xảy ra đối với mình trong cuộc sống.

*VOH: Cám ơn ông!

Bình luận