An Giang: Lễ giỗ hơn 3.000 người dân Ba Chúc bị Pol Pot thảm sát 40 năm trước

(VOH) - Sáng ngày 1/5, tỉnh An Giang tổ chức lễ giỗ lần thứ 40 những nạn nhân Ba Chúc bị quân diệt chủng Khmer Đỏ sát hại trong chiến tranh biên giới Tây Nam (16/3/1978-16/3/2018 âm lịch).

Đến dự lễ giỗ có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy An Giang Võ Anh Kiệt, cùng lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể tỉnh; đại diện Đảng bộ, chính quyền huyện Tri Tôn và thị trấn Ba Chúc; đại diện Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa và đông đảo tín đồ, người dân, thân nhân gia đình các nạn nhân.

Lễ giỗ diễn ra tại Khu di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn (An Giang), tỉnh An Giang, đã tổ chức trang trọng lễ giỗ tập thể lần thứ 40 (16/3/1978 – 16/3/2018 âm lịch) cho 3.157 người dân vô tội của thị trấn Ba Chúc bị lính Khmer Đỏ thảm sát trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

1.159 bộ hài cốt nạn nhân bị Pol Pot thảm sát được lưu giữ tại Nhà mồ Ba Chúc. Ảnh: An Phú.

Cách nay 40 năm, vào ngày 18/4/1978 (dương lịch), lính Khmer Đỏ tràn vào xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn), thẳng tay tàn sát dân thường vô tội. Nhiều người chạy tới chùa Phi Lai, Tam Bửu, cũng như lên núi Tượng ẩn náu nhưng vẫn bị sát hại dã man. Trong 12 ngày chiếm đóng, quân Pol Pot đã giết 3.157 dân thường. Chỉ có ba người sống sót sau vụ tàn sát.

Năm 1979, chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang đã xây dựng quần thể chứng tích tội ác quân Pol Pot, trong đó, Nhà mồ Ba Chúc là công trình chính, lưu giữ 1.159 bộ hài cốt.

Ngày 10/7/1980, Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) có Quyết định số 92/VH.QĐ xếp hạng Nhà mồ Ba Chúc là di tích lịch sử cấp quốc gia.