Ấn tượng làng mai giữa đất Sài Gòn

(VOH) - Làng mai vàng ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh có quá trình chuyển biến ấn tượng theo sự phát triển chung của thành phố.

Theo dòng chảy của lịch sử, của quá trình phát triển, chuyển đổi kinh tế, từng mảnh đất trên địa bàn TPHCM cũng có sự thay da đổi thịt cả từ mức sống người dân đến  nét văn hoá sản xuất của cả vùng. Làng mai vàng ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, cũng có quá trình chuyển biến ấn tượng theo sự phát triển chung của thành phố.

Làng mai vàng ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh

Làng mai vàng ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh. Ảnh: danviet

Chắc hẳn không nhiều người biết đến một làng mai có quy mô lớn hàng đầu cả nước, lại đang tồn tại và phát triển theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, quy mô trong một đô thị đông dân sầm uất như TPHCM. Từ một vùng đất vừa nhiễm phèn lại vừa nhiễm mặn, chỉ dành riêng cho cây mía, cây thơm, giờ đây về xã Bình Lợi là màu xanh mát mắt, màu vàng rực rỡ của những "cánh đồng mai" rộng lớn. Từ một xã nghèo vùng sâu của huyện ngoại thành Bình Chánh, giờ đây Bình Lợi đã trở thành trung tâm mua bán hoa kiểng với sự lui tới tấp nập của khách hàng từ các tỉnh miền Tây, miền Trung và nhiều tỉnh thành cả nước. Kinh tế của các hộ gia đình nơi đây cũng theo cây mai được cải thiện và nâng lên rất nhiều lần.

Anh Trần Tứ Vương, ấp 3, xã Bình Lợi, bắt đầu trồng mai từ đầu những năm 2000, hiện có vườn mai rộng hơn 10 hecta, với khoảng 15 nhân công chia sẻ: "Cây mai của vùng Bình Lợi lớn nhanh hơn. Mình bán bông cho dịp Tết rồi, sau Tết những vùng như Thủ Đức, Củ Chi và các tỉnh các nơi vẫn về lấy mai của mình để vô chậu trở lại. Nói chung ai trồng mai Bình Lợi, kinh tế đều khá hết, còn hỗ trợ cho khoảng 500-700 công nhân trong vùng. Thí dụ trong xã, trước đây họ làm nghề khác nặng nề hơn, khó thu nhập hơn, còn bây giờ nhân công lao động xã Bình Lợi cũng khá cao, hơn những vùng khác".

Cây mai bén rễ trên vùng đất Bình Lợi bắt đầu từ đầu những năm 2000. Anh Phan Tiến Đạt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nông dân sản xuất giỏi xã Bình Lợi, hộ dân tiên phong trong việc đưa cây mai về vùng đất trũng phèn, cho biết trước đây anh và phần lớn người dân chủ yếu trồng mía, nhưng đầu ra khá bấp bênh. Đến năm 1996, anh phá 2.000 mét vuông mía trồng thử cau trắng và mai. Tuy nhiên, mùa lũ năm 2000 đã quét sạch vườn cau trắng, vậy mà 1.000 gốc mai của gia đình chẳng hề hấn gì, lại còn có vẻ tốt tươi hơn trước. Thế là từ đó, anh toàn tâm toàn ý phát triển cây mai và trở thành điển hình để các hộ dân trong vùng học tập phát triển.

Theo anh Phan Tiến Đạt, cũng trong giai đoạn này, nhiều diện tích sản xuất trên địa bàn bắt đầu bao đê khép kín, nhiều nhà vườn cũng dần chuyển sang trồng mai với diện tích tăng dần lên: "Có những người có khả năng, tay nghề, thuê đất trồng nên thị trường thuê đất cũng nhộn nhịp. Trước đây, trồng mía cho thuê giá khoảng 2-3 triệu đồng/hecta/năm, còn bây giờ giá cho thuê trồng mai bình quân 25 triệu đồng/hecta/năm. Trồng 1 hecta sau 3 năm chi phí  khoảng 400-450 triệu đồng, bán được khoảng 1 tỷ đến 1,3 tỷ đồng tùy trồng tốt hay không. Đó là bán nguyên lô. Nếu bán lẻ cho thương lái, mỗi người khoảng vài chục, vài trăm cây thì còn được giá cao hơn, có khi gấp đôi".

Phát triển nhanh với nhiều điều kiện thuận lợi nên không ít nhà vườn ở những vùng trồng mai lâu năm khác đã phải suýt xoa: nông dân Bình Lợi trồng mai vàng như trồng tràm. Bà con lại biết cách lấy giống mai ghép nên hoa to, nhiều cánh, nhân giống trực tiếp trên đất nên cây phát triển nhanh, ít tốn công chăm sóc. Đến nay, trên địa bàn xã Bình Lợi có hơn 360 hecta diện tích trồng mai. Vùng trồng mai không chỉ tập trung tại xã Bình Lợi mà đã lan rộng ra các địa phương lân cận như xã Lê Minh Xuân - huyện Bình Chánh, xã Hựu Thạnh - huyện Đức Hòa, xã Lương Hòa, Lương Bình - huyện Bến Lức - tỉnh Long An,... Việc hình thành vùng sản xuất rộng lớn cũng mang về nhiều thuận lợi hơn trong việc triển khai các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp cũng như đầu ra trên thị trường. Tên tuổi mai vàng Bình Lợi cũng dần trở thành thương hiệu khi ngày càng nhiều thương lái, người mua bán từ khắp nơi tìm đến mua mai.

Theo ông Trương Thái Ngọc, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đã đạt gần 65 triệu đồng/người/năm, gấp hơn 4 lần so với năm 2010. Trong đó, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp được người dân thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, tại Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố, ông Trương Thái Ngọc bày tỏ lo ngại vì sự ô nhiễm nguồn nước đang diễn ra: "Tình trạng ô nhiễm lan truyền nguồn nước, huyện Bình Chánh cũng đã báo cáo nhiều lần. Việc ô nhiễm lan truyền nguồn nước nguy cơ ảnh hưởng đến vùng chuyên canh cây mai vàng của Bình Lợi, ảnh hưởng đến thu nhập cũng như đời sống người dân rên địa bàn xã. Ô nhiễm lan truyền có 2 hướng: một hướng từ Long An, từ các khu công nghiệp huyện Đức Hòa qua, một hướng từ các quận nội thành như Bình Tân, quận 8".

Với tiêu chí ban đầu chỉ là vùng trồng mai nguyên liệu cho các làng nghề trồng mai khác, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, mai vàng Bình Lợi với những lợi thế của mình đã vươn lên trở thành vùng mai lớn của cả nước. Thành công này không thể không nhắc đến sự nhạy bén, nắm bắt nhu cầu thị trường của người nông dân nơi đây. Tuy nhiên, để giữ gìn lâu dài và phát triển bền vững làng mai yếu tố môi trường cũng cần được quan tâm thực hiện.