Chờ...

Áp lực bác sĩ 115!

(VOH) - Chỉ có sự hy sinh, xông pha cứu người trong lúc tối khẩn hầu mới giúp bác sĩ 115 trụ lại với nghề.

Cũng được đào tạo bác sĩ tuy nhiên môi trường mà bác sĩ cấp cứu 115 làm thì vô cùng cực khổ, áp lực, hiểm nguy luôn rình rập. Chỉ có sự hy sinh, xông pha cứu người trong lúc tối khẩn hầu mới giúp bác sĩ 115 trụ lại với nghề. Bác sĩ Đỗ Ngọc Chánh –Trưởng Phòng điều hành - Trung tâm Cấp cứu 115, cũng là bác sĩ trực tiếp đi cấp cứu ngoài hiện trường – đã mở lòng trong câu chuyện đời bác sĩ làm cấp cứu!

Khi tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu, trong vòng 5 phút, đội cấp cứu phải lên đường khẩn cấp bất kể đang làm việc gì, ở đâu… Bằng mọi cách, họ nhanh chóng tiếp nhận hiện trường. Đã gọi là cấp cứu thì mạng sống của nạn nhân nhiều khi chỉ tính bằng giây, vì thế công việc này luôn bất ngờ, không dự đoán trước được và bất kể ngày đêm, kíp cấp cứu phải luôn trong tư thế sẵn sàng.

Đội cấp cứu đang di chuyển khẩn ra xe sau khi tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu

Môi trường nhiều áp lực...lương không đủ sống

Bác sĩ Chánh kể: "Khi người dân gọi cấp cứu, lập tức sau khi tiếp nhận cuộc gọi sau 3 đến 5 phút phải xuất xe khỏi trung tâm, lên đường. Những công việc như sinh hoạt thậm chí đang ăn uống phải bỏ đi lên đường, nhanh chóng tiếp cận hiện trường. Hiện trường về tai nạn thương tích có những yếu tố nguy cơ rất cao, hay khi tới nơi cấp cứu có chó dữ... nói chung môi trường rất nhiều áp lực".

Làm việc không có ngày nghỉ, ngày lễ mà phụ thuộc nhiều vào tình hình cấp cứu của Thành phố. Vì thế các bác sĩ đa phần làm đêm hôm, lễ, tết. Công việc độ rủi ro cao nhưng ngặt nỗi đồng lương không đủ sống. Do thực hiện chính yếu là cấp cứu, không còn nguồn thu nào khác nên thu nhập tăng thêm của bác sĩ cấp cứu 115 hầu như không có.

Điều đó cũng lý giải vì sao cho đến nay, Trung tâm Cấp cứu 115 vẫn chưa đủ biên chế. Biên chế được cấp là 163 nhưng hiện trung tâm chỉ có 140 biên chế. Đáng ngại hơn, vì thu nhập thấp kéo dài trong nhiều năm, nên anh em lần lượt bỏ đi. Năm vừa qua, tại Trung tâm đã có hơn 20 nhân viên, trong đó 6 bác sĩ nghỉ việc vì lương không đủ sống.

Bác sĩ Võ Quang Huy – Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 rất lo ngại khi nguồn nhân sự hiện nay quá mỏng trong khi nhu cầu cấp cứu tại Thành phố là rất lớn.

"Khi có sự kiện tập trung đông người thì y tế 115 phải có mặt, phải có xe cứu thương với đầy đủ nhân sự kế bên, hay như tai nạn thương vong hàng loạt, thảm họa thì cũng vậy. Nhiệm vụ thì nhiều lắm nhưng đa phần thu không đủ bù chi... Khi đi tới nơi bệnh nhân không có tiền đóng, vô gia cư thì phải chịu thôi. Khó khăn bây giờ là nguồn nhân sự để đảm bảo hoạt động của trung tâm, từ việc tuyển dụng vào và giữ chân họ".

Nhu cầu ngày càng tăng, mỗi năm, Trung tâm tiếp nhận từ 6000 đến 7.000 lượt cấp cứu, riêng  năm 2017, lượt cấp cứu tăng gấp đôi. Bình quân mỗi ngày trung tâm tiếp nhận trung bình khoảng 600 cuộc gọi trong đó 100 cuộc là trao đổi thành công.

Trực cấp cứu suốt ngày đêm để tiếp nhận cuộc gọi

Mong được hỗ trợ

Là vệ tinh đầu tiên của Trung tâm Cấp cứu 115, Trạm Cấp cứu vệ tinh quận Bình Tân sau 3 năm hoạt động, được đánh giá đây là mô hình rất tốt, đáp ứng yêu cầu cấp cứu người bệnh, đưa dịch vụ cấp cứu đến tận nhà giúp bệnh nhân được cấp cứu kịp thời.

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Văn Mười – Giám đốc Bệnh viện Quận Bình Tân vẫn quan ngại khi điều kiện giao thông cản trở rất nhiều khi cấp cứu. Nhận được điện thoại người nhà, lý tưởng nhất xe đến trong vòng 10, 15 phút nhưng nhiều khi có những nút giao thông xe cấp cứu không qua được, người dân còn thờ ơ với tín hiệu đèn cấp cứu cũng do bối cảnh giao thông, mật độ đường sá quá đông.

Khổ nhất theo bác sĩ Mười vẫn là: "Đi cấp cứu 115 rất nguy hiểm, nhất là tuyến quận, huyện, tai nạn rồi nhiều khi có những chuyện xảy ra ngoài ý muốn, đi đêm đi hôm mà với anh em mình đâu được chế độ bảo hiểm. Theo tôi căn cơ lại phải có chính sách, xem lại một số mô hình phù hợp với Việt Nam để điều chỉnh nhất là các nước Đông Nam Á".

Trước thực trạng đội ngũ nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 nghỉ việc hàng loạt, với vai trò quản lý ngành, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP đã cho biết đây là trung tâm đặc thù, môi trường làm việc rất đặc biệt nên khó thu hút bác sĩ. Chính vì vậy, Sở Y tế đã mạnh dạn kiến nghị với Hội đồng nhân dân xem xét có những chế độ hỗ trợ thu nhập giống như Bệnh viện Nhân Ái hay Phong Bến Sắn. Bên cạnh việc sắp tới Thành phố có cơ chế nâng thu nhập bằng thu nhập tăng thêm của Thành phố, sau khi HĐND xem xét thì kiến nghị riêng Trung tâm Cấp cứu này sẽ hưởng thêm cơ chế đặc thù là một nguồn hỗ trợ nguồn lương vì hiện nay Trung tâm Cấp cứu không có thu nhập nào khác ngoài lương chính.

Hiện nay TPHCM đang trên đà phát triển mạnh mẽ, Trung tâm cấp cứu 115 với mọi nỗ lực xây dựng mạng lưới không chỉ đáp ứng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân mà còn là nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, trước thực trạng nhân sự mỏng trong khi lượt cấp cứu ngày một tăng, để Trung tâm có thể định hình phát triển, ngoài việc xây dựng trung tâm điều hành thông minh thì căn cơ lại phải có chính sách hỗ trợ thu nhập cho cán bộ nhân viên tại đây để họ yên tâm bám trụ với nhiệm vụ mà áp lực rất nặng nề, đó là bác sĩ cấp cứu!