Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 7 giờ ngày 18/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 - 61 km/giờ), giật cấp 9; di chuyển chủ yếu theo hướng tây với tốc độ khoảng 15 km/giờ.
Dự báo, trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 4, cường độ cấp 8, giật cấp 10.
Đến 7 giờ ngày 19/9, tâm áp thấp nhiệt đới cách Quảng Trị khoảng 210 km về phía đông đông nam, cách Đà Nẵng khoảng 120 km về phía đông. Bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Trong những giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào đất liền trên khu vực tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Khoảng 7 giờ ngày 20/9, tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên khu vực biên giới Việt - Lào. Áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Trong 48 - 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10 - 15 km và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão số 4, khu vực bắc Biển Đông (bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Nghệ An - Quảng Ngãi (bao gồm cả huyện đảo Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Cồn Cỏ, Hòn Ngư) có gió mạnh cấp 6 - cấp 7, sóng cao 2 - 4 m, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8 (62 - 74 km/giờ), giật cấp 10 (89 - 102 km/giờ), sóng cao 3 - 5 m, biển động mạnh.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của giông, lốc, gió mạnh, sóng lớn. Ven biển các tỉnh từ Quảng Bình - Quảng Nam cần đề phòng triều cường kết hợp với sóng lớn gây sạt lở đê, kè biển, ngập úng tại khu vực trũng, thấp.
Từ ngày 18/9 đến ngày 20/9, ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 100-300 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm. Từ ngày 18/9 đến ngày 19/9, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 150 mm (thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm.