Cơ quan khí tượng Việt Nam hiện chưa đưa ra nhận định, dự báo về khả năng mạnh lên thành bão cũng như hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới này.
Mô hình dự báo của cơ quan khí tượng Nhật Bản đã có cảnh báo rõ về áp thấp nhiệt đới này. Cụ thể sáng mai 17/9, hình thái thời tiết này sẽ vào Biển Đông và khả năng mạnh lên thành bão số 4.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nối với dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 15-18 độ vĩ Bắc, kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh đang gây mưa rào và dông ở khu vực giữa và nam Biển Đông (gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan.
Ở Huyền Trân có gió mạnh có lúc cấp 6, giật cấp 8-9; ở Phú Quý có gió mạnh cấp 6.
Dự báo ngày và đêm 16/9, ở vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau; phía Nam của khu vực giữa Biển Đông, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh.
Từ Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động.
Ngày và đêm 16/9, vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang, vịnh Thái Lan, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông.
Đêm 16/9, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Hiện nay, mực nước triều tại khu vực ven biển phía Tây của Nam Bộ đang ở mức cao, cần đề phòng mực nước dâng bất thường gây sạt lở đê biển.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên các khu vực trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của lốc xoáy, gió mạnh và sóng lớn.