Chiều 19/7, cập nhật thông tin về áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, các chuyên gia Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết hồi 13 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực giữa Biển Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 8; di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ 5-10km/h.
Dự báo đến 13 giờ ngày 20/7, áp thấp nhiệt đới đi theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 10km/h; vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc;116,4 độ Kinh Đông; trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Đến 13 giờ ngày 21/7, áp thấp nhiệt đới đi theo hướng Tây Tây Bắc; tốc độ 10-15 km/h. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.Từ 22-23/7, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và giữa Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh.
Vùng biển phía Đông của khu vực Bắc và giữa Biển Đông sóng biển cao 2-4 mét.
Trên đất liền, tình trạng mưa lũ vẫn tiếp diễn, tại tỉnh Hà Tĩnh, từ 11 giờ đến 14 giờ ngày 19/7, đã có mưa vừa, mưa to như Hương Lâm 48,4mm, La Khê 46mm.
Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc tỉnh trên đã gần bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Cảnh báo trong tối 19/7, khu vực tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 30-50mm, có nơi trên 70mm; nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện: Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Vũ Quang. Độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.
Lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế-xã hội.
Ngày 19/7, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành Công điện 5175 gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh-Bình Thuận; các bộ liên quan về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh-Bình Thuận theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi.
Tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới là từ vĩ tuyến 13-17, từ kinh tuyến 115-119,5 (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Các tỉnh, thành phố sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.