Những cuộc tấn công này đã gây chấn động cộng đồng Do Thái tại Australia và làm dấy lên lo ngại về an ninh và các mối đe dọa từ các phần tử thù hận.
Thủ tướng Albanese cho biết, một số cuộc tấn công có vẻ như do “những kẻ được trả tiền” thực hiện mà không có động cơ rõ ràng hoặc hệ tư tưởng cụ thể.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng nguồn gốc và đối tượng đứng sau việc tài trợ cho các vụ tấn công này hiện vẫn chưa được xác định.
Những tuần gần đây, các đối tượng đã tiến hành nhiều hành vi tấn công, bao gồm đốt phá một trung tâm giữ trẻ ở Sydney, phá hoại nhiều ô tô ở các khu vực chủ yếu có người Do Thái sinh sống và phun sơn, vẽ bậy lên các giáo đường Do Thái ở trung tâm thành phố.
Một trong những vụ tấn công nghiêm trọng nhất xảy ra vào tháng 12/2024, khi một nhóm đối tượng đeo khẩu trang đã ném bom xăng vào giáo đường Do Thái Adass Israel ở Melbourne.
Ngày 22/1, cảnh sát Australia cũng đã buộc tội một người đàn ông 33 tuổi vì cố gắng phóng hỏa một giáo đường Do Thái ở Sydney.
Trước đó, vào ngày 21/1, 8 đối tượng khác đã bị cáo buộc liên quan đến một loạt các vụ tấn công thù hận từ tháng 11/2024.
Các vụ tấn công này chủ yếu nhắm vào cộng đồng Do Thái, và việc các đối tượng có thể nhận được tài trợ từ bên ngoài khiến tình hình càng thêm căng thẳng.
Ủy viên Cảnh sát Liên bang Australia, ông Reece Kershaw, cho biết lực lượng chức năng đang tích cực điều tra khả năng các vụ tấn công này có sự tài trợ từ các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài.
Chính quyền Australia đã bày tỏ quan ngại về xu hướng gia tăng các cuộc tấn công thù hận và cam kết sẽ làm mọi cách để bảo vệ an ninh của cộng đồng Do Thái, đồng thời sẽ tiếp tục theo dõi và điều tra nguồn gốc các cuộc tấn công này.
Cuộc điều tra hiện vẫn đang tiếp diễn, và các cơ quan chức năng Australia khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để làm rõ các nghi vấn tài trợ từ nước ngoài và đảm bảo công lý cho các nạn nhân của các vụ tấn công thù hận này.