Bác sĩ gia đình - người đồng hành thân thiết của mọi nhà

(VOH) - Sau gần 2 năm triển khai thí điểm, mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ở TP.HCM đã mang lại hiệu quả bước đầu trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, góp phần giảm tải cho tuyến trên, cho thấy đây là mô hình cần được nhân rộng.

Hiện nay, khi các bệnh mãn tính không lây đang là gánh nặng bệnh tật, là nỗi lo về y tế, rất cần một người thầy thuốc gắn kết tại cơ sở, hiểu bệnh, chăm sóc và tư vấn cho bệnh nhân. Điều này cũng giúp tránh quá tải cho tuyến trên. Dù bước đầu gặp không ít khó khăn, nhưng dần dà, người dân cũng đã bắt đầu trao niềm tin cho bác sĩ gia đình. Nhìn nhận ở góc độ chuyên môn của ngành, mô hình này có những ưu thế gì và vì sao Bộ Y tế rất tâm huyết thực hiện đề án “Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam”? VOH đã phỏng vấn Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê.

Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê. Ảnh: baotintuc

* Thưa ông, bác sĩ gia đình là hướng đi mới mà Bộ Y tế đang hướng đến. Với những đặc điểm nổi trội nào của bác sĩ gia đình mà chúng ta cảm thấy nó rất thiết thực giúp ích cho bệnh nhân nhằm đưa y tế gần dân, y tế đến dân?

- Ông Lương Ngọc Khuê: Đầu tiên là quy định thời gian khám, tối thiểu từ 15 đến 20 phút, hồ sơ bệnh án được theo dõi rất kỹ, tiền sử bệnh ngay từ lúc mới chào đời, từ lúc tiêm chủng, sinh thường hay mổ, có bệnh tật gì không, gia đình có bệnh di truyền không... Thứ hai nếu chưa có bệnh thì sẽ tổ chức khám sàng lọc, tư vấn bệnh. Khi có bệnh mãn tính thì quản lý bệnh như huyết áp, tim mạch, tiểu đường hằng ngày có thể đến đo huyết áp, lấy đường huyết và tư vấn các phương pháp điều trị từ dinh dưỡng, vận động rồi thuốc.

Người bệnh sẽ được thời gian cởi mở hơn so với nhiều bệnh viện hiện quá tải. Khám ở bệnh viện là khám theo chuyên khoa sâu còn bác sĩ gia đình là khám tư vấn toàn diện, người bệnh có điều kiện hiểu về mình và người thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân tốt hơn, thậm chí theo về gia đình để hỗ trợ người bệnh. Nếu có chuyển tuyến thì cũng nhanh, kịp thời và đảm bảo chất lượng, người bệnh khỏi phải lo lắng nhiều.

* Đưa bác sĩ gia đình về trạm y tế để thực hiện "y tế gần dân, y tế đến dân", nhưng cũng có một số lo ngại cho rằng bác sĩ khám tại trạm y tế sẽ nhập nhằng, lẫn lộn với mô hình bác sĩ gia đình. Vậy khác biệt ở đâu, thưa ông?

- Ông Lương Ngọc Khuê: Trạm y tế cũng có bác sĩ làm công tác khám chữa bệnh nhưng bác sĩ gia đình về trạm sẽ chuyên sâu hơn, quản lý chặt chẽ hơn và triển khai được tất cả hoạt động ngoại trú. Trạm y tế trước giờ cũng đã làm nhưng do có quá nhiều công tác từ chương trình mục tiêu quốc gia, đến công tác phòng, chống dịch...trong khi nhân viên thì ít, người bác sĩ ở đó quá tải không đủ sức để vừa làm dự phòng vừa làm điều trị, vừa quản lý sức khỏe nên chúng ta phải có chuyên biệt bác sĩ gia đình để quản lý, theo dõi, chăm sóc hiệu quả hơn.

* Hiện nay, các bác sĩ  được đào tạo bác sĩ gia đình họ cũng mong muốn được cấp phép để mở phòng mạch tư chuyên về bác sĩ gia đình nhưng trên thực tế cũng còn gặp khó khăn. Ông có thể cho biết vì sao tiến độ cấp phép còn chậm?

- Ông Lương Ngọc Khuê: Bởi vì một điều rất đơn giản là hệ thống mới thành lập, người học chưa có đủ nhân lực vì trường mới đào tạo. Bộ Y tế mới đưa ra tiêu chí các bác sĩ đa khoa sẽ đào tạo thêm 3 tháng về bác sĩ gia đình sẽ được cấp phép. Hiện anh em đang thấy mô hình bác sĩ gia đình này cần thiết nên mới bắt đầu đi học, bắt đầu đi đào tạo. Khi đào tạo có đủ nhân lực thì Sở Y tế sẽ cấp phép cho các bác sĩ này.

* Cám ơn ông.