Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là cần thiết

(VOH) - Sáng 26/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các đại biểu cho rằng việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập của các cơ chế hoà giải, đối thoại hiện nay, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.

Thực tế cho thấy, chi phí xét xử và thi hành một bản án dân sự hiện nay rất tốn kém. Để mở một phiên tòa sơ thẩm thì ít nhất phải có 5 cán bộ tư pháp gồm: Thẩm phán, các hội thẩm, kiểm sát viên, thư ký Tòa án. Đó là chưa kể những vụ án phải triệu tập cả giám định viên, thẩm định giá, phiên dịch tham gia và phải trả chi phí cho người này.

Bên cạnh đó theo báo cáo của Chính phủ, nhiều năm nay tình trạng tồn đọng các bản án dân sự hành chính không được thi hành rất lớn. Nhiều năm nay tỷ lệ thi hành án xong về tiền chỉ đạt khoảng 35% và đến năm 2109 vẫn còn hơn 96.000 tỷ có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành được.

Điều này cho ngành Toà án đang chịu áp lực lớn. Mặt khác, quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự chưa giải quyết kịp thời.

Ban hành Luật Hòa giải, đối thoại

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, đoàn An Giang cho rằng, việc xây dựng dự án Luật nhằm xây dựng cơ chế pháp lý mới linh hoạt, dễ tiếp cận nhằm góp phần giải quyết nhanh chóng hiệu quả triệt để các mâu thuẫn. 

Theo đại biểu Bộ: “Người Việt Nam quan niệm 100 cái lý không bằng một tý cái tình. Đánh nhau chia gạo mời nhau ăn cơm vẫn đúng trong nhiều trường hợp. Việc giải quyết tranh chấp bằng cách hòa giải đối thoại chính là việc áp dụng đạo đức,phong tục tập quán và pháp luật để giải quyết tranh chấp bằng cách phân tích điều hơn lẽ phải, cái được cái mất và thuyết phục và tự nguyện chấp hành những kết quả mà mình đạt được.

Với kinh nghiệm đã từng tham gia hòa giải cơ sở theo Pháp lệnh số 35, chúng tôi thấy rằng, khi hòa giải thành thì con người sẽ trở nên hiền hòa, nhân hậu và cơ bản là bao dung hơn. Từ đó chắc chắn sẽ giảm số lượng án phải đưa đến tranh chấp giải quyết tại tòa”.

Theo Tờ trình, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác này, do đó không quy định về phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong dự thảo Luật. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, đoàn Bắc Kạn cho biết, để khuyến khích người dân lựa chọn phương thức hòa giải tại Tòa án, nhiều nước quy định là không thu phí hòa giải và có nước thì quy định thu nhưng mức thu thấp hơn nhiều so với án phí xét xử. Ví dụ như Hàn Quốc chỉ thu bằng 1/10 án phí. Còn tại Singapore cũng quy định không thu phí hòa giải.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng, đoàn Thái Nguyên cho rằng: “Quy định như vậy thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc quyết định những vấn đề bức xúc của xã hội, góp phần khuyến khích các bên sử dụng hòa giải đối thoại tại tòa để giải quyết tranh chấp khiếu kiện. Với việc tranh chấp, giải quyết tranh chấp khiếu kiện thông qua hòa giải đối thoại vụ việc sẽ không phải trải qua các thủ tục như sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hay tái thẩm theo quy định của Luật Tố tụng.

Kết quả giải quyết được các bên tự nguyện thi hành và giảm áp lực cho công tác xét xử về mặt xã hội, tranh chấp được giải quyết thông qua hòa giải đối thoại sẽ hàn gắn khôi phục tình cảm giữa các bên tranh chấp, khiếu kiện, khuyến khích việc hòa giải tranh chấp với tinh thần thiện chí và hợp tác”.

Tại Điều 18 dự thảo luật quy định các bên thống nhất lựa chọn địa điểm để tiến hành hòa giải đối thoại ngoài trụ sở tòa án.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo, đoàn Lâm Đồng quy định này chưa được chặt chẽ. Đại biểu Tạo đề nghị: “Cần phải quy định rõ quan hệ tranh chấp khiếu kiện nào thì cho phép các bên thống nhất tổ chức hòa giải đối thoại tại trụ sở Tòa án, địa điểm bên ngoài trụ sở Tòa án phải hạn chế và bảo đảm được sự an toàn nghiêm túc, bảo đảm thuận lợi cho các bên. Không thể tiến hành hòa giải đối thoại tại các điểm không phù hợp như quán cà phê, nhà hàng,... hoặc những địa điểm khác không bảo đảm tính nghiêm túc, dễ gây phản cảm”.

Về tiêu chuẩn hòa giải viên, đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum cho rằng, nên xem xét lại quy định chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải và điều kiện về thời gian kinh nghiệm đối với đối với Luật sư, chuyên gia.

Đại biểu Tô Văn Tám nêu ý kiến: “Về quy định liên quan đến chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, tôi nghĩ nên xem xét lại vì chúng ta cần phải thu hút những người có kinh nghiệm hưu trí trong những người có uy tín trong cộng đồng làng, xã và đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nên đặt vấn đề là sau khi công nhận thì bồi dưỡng nghiệp vụ cho họ. Thứ hai, đối với luật sư, những người có kinh nghiệm, nhà chuyên gia phải có kinh nghiệm ít nhất 10 năm - tôi thấy hơi dài, nên rút lại có thể 3 năm hoặc 5 năm”.

Các đại biểu cũng đề nghị quy định rõ thời gian tổ chức phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại không tính vào thời gian 20 ngày của thời hạn hòa giải, đối thoại nêu trên để thống nhất trong thực hiện và bảo đảm tính khả thi.

Về trình tự nhận, phân công, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án, các ý kiến cho rằng, quy định như dự thảo Luật là chưa rõ, dễ dẫn đến đương sự hiểu việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Do đó, đề nghị cân nhắc quy định rõ các trình tự, thủ tục này để bảo đảm sự tự nguyện của các bên ngay từ đầu: hoặc là lựa chọn cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án hoặc lựa chọn thủ tục giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Bé gái 11 tuổi tử vong vì rơi từ tầng 39 chung cư - Đội Điều tra Tổng hợp Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đang điều tra vụ việc một bé gái sinh năm 2008 tử vong thương tâm khi rơi từ tầng 39 chung cư Goldmark City xuống đất.

Hết dịch tả heo châu Phi bao nhiêu ngày thì được nuôi tái đàn? - Hội nghị quốc tế về bệnh dịch tả heo châu Phi đã được tổ chức sáng nay (26/11) tại TPHCM.

Bình luận