Bản tin COVID-19 ngày 05/01: 51 tỉnh thành đã triển khai điều trị có kiểm soát bằng Molnupiravir

(VOH) - Bộ Y tế cho biết sau gần 5 tháng triển khai điều trị có kiểm soát bằng Molnupiravir, đến nay có trên 300.000 liều thuốc đã được phân bổ tại 51 tỉnh thành.

Có 10 công ty dược trong nước gửi hồ sơ đề nghị cấp đăng ký để sản xuất thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir lên Bộ Y tế, đã có 4 công ty có hồ sơ đủ điều kiện, theo lịch trình dự kiến hôm nay 5-1, hội đồng họp để xem xét.

Trước đó, vào 2 ngày 30-12 và 31-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã có 2 nghị quyết cho phép thực hiện các quy định đặc biệt để chống dịch, trong đó có quy định trong đăng ký các thuốc mới như Molnupiravir và thuốc mới phát minh điều trị COVID-19 khác.

Đề xuất chỉ xét nghiệm RT-PCR với khách đi chuyến bay quốc tế

Cục Hàng không đề xuất Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng thống nhất xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR với hành khách trước chuyến bay quốc tế theo thông lệ chung, thay vì test nhanh.

Trước đó, nhiều hãng hàng không đề nghị bỏ việc test nhanh trước và sau khi chuyến bay đến bằng cách yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong 48 giờ thay vì 72 giờ trước khi nhập cảnh để tăng độ tin cậy.

Các hãng đề xuất không đưa chi phí test nhanh vào giá vé máy bay, lập điểm thu phí test tại sân bay hoặc trả phí trực tuyến với đơn vị thực hiện xét nghiệm.

Hiện quy định hành khách phải khai báo nhập cảnh trên IGOVN, khai báo theo dõi y tế trên PC-COVID khiến hành khách gặp nhiều khó khăn khi phải khai báo trên nhiều ứng dụng, đề nghị áp dụng một ứng dụng duy nhất để khai báo nhập cảnh, khai báo y tế…

Bản tin COVID-19 ngày 05/01: 51 tỉnh thành đã triển khai điều trị có kiểm soát bằng Molnupiravir 1

Ảnh minh họa: TTO

Tình hình dịch Covid 19 tại TPHCM

TPHCM: Ghi nhận ca Omicron thứ 6

TPHCM vừa ghi nhận thêm 1 ca nhiễm Omicron là tiếp viên hàng không Đài Loan, được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm ngay. Vậy là số ca nhiễm Omicron tại TP.HCM hiện nay là 6. Cả 6 ca này đều là người nhập cảnh.

TP đã triển khai hoạt động lấy mẫu xét nghiệm giám sát đối với biến thể Omicron. Về giám sát tại cộng đồng, hiện chưa phát hiện người nhiễm biến thể mới này.

Nhằm tăng cường công tác tiêm chủng, kiểm soát biến thể mới Omicron, ngày 1-1-2022, TP.HCM tiến hành lấy mẫu test nhanh với tất cả người nhập cảnh ngay tại sân bay. Hành khách dương tính sẽ cách ly theo quy định hiện hành.

Trẻ em mắc COVID-19 tại TPHCM có xu hướng giảm

PGS.TS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết số ca mắc COVID-19, trong đó có trẻ em, trên toàn thành phố hiện có xu hướng giảm, không còn tình trạng quá tải.

Theo số liệu cập nhật đến sáng nay, toàn TP ghi nhận 149 trẻ em mắc COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, trong đó chủ yếu có triệu chứng nhẹ và trung bình.

Hầu hết các trường hợp này đang được theo dõi, chăm sóc và điều trị tại 3 bệnh viện nhi của thành phố, gồm Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng TP.

Cả 3 bệnh viện đều có khoa điều trị COVID-19 với đầy đủ phương tiện vật chất, trang thiết bị và cơ số giường đảm bảo thu dung điều trị cho các trường hợp bệnh nhi.

Nhiều trường vẫn chưa cho học sinh đi học lại

Ngày 5/1, ngày thứ hai HS từ lớp 7 đến 12 tại TPHCM đi học trực tiếp tại trường. Trong đó, riêng HS lớp 9 và 12 đã đi học trực tiếp từ ngày 13/12. Nhìn chung, sau ngày đầu tiên, tỉ lệ HS khối lớp 10 đến lớp đạt 85%, khối lớp 11 đạt 92% và khối lớp 12 vẫn giữ được tỉ lệ trên 98%.

Đối với khối THCS, khối lớp 7 và 8, tỉ lệ đi học đạt trên 87%, khối 9 vẫn giữ được tỉ lệ đi học đạt 96,7%.

Tuy nhiên, ở nhiều trường học trên địa bàn TP, HS nhiều khối lớp vẫn chưa được đến trường học trực tiếp.

Cụ thể như tại quận 4, học sinh lớp 7, 8 của quận 4 hiện chưa được đến trường với khoảng 3.500 em và dự kiến sẽ được đi học vào những ngày sắp tới.

Lí do, theo Phòng GD&ĐT quận này, ở các trường, khi khảo sát ý kiến, nhiều phụ huynh còn đắn đo, chưa thống nhất cho con đi học trực tiếp vì họ lo ngại dịch bệnh còn phức tạp. Do đó, Phòng cũng đã yêu cầu các trường tiếp tục tư vấn, thông tin thêm với phụ huynh của các khối lớp. Nếu đồng thuận, những ngày tới, HS sẽ có thể được đi học.

TPHCM thanh tra đột xuất việc mua sắm kit xét nghiệm COVID-19

Sáng nay, Phó chủ tịch UBND Thành phố ông Dương Anh Đức đã ký công văn về việc tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR.

Thanh tra TP sẽ thanh tra, kiểm tra đột xuất việc mua bán, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR xác định COVID-19 tại một hoặc một số đơn vị, doanh nghiệp.

Các cơ sở y tế cũng sẽ rà soát về quy trình, thủ tục mua sắm, về chất lượng, giá, tư cách pháp nhân... theo đúng quy định. Tập trung vào giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm đang thực hiện tại các công ty cung ứng, các cơ sở sử dụng các loại xét nghiệm.

TPHCM: Trẻ em mồ côi vì COVID-19 được nhận sổ tiết kiệm Công đoàn Việt Nam

Chiều 4/1, Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức họp báo thông tin các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Liên đoàn sẽ tổ chức 11 hoạt động chăm lo cho đoàn viên công đoàn, người lao động khó khăn. Trong đó, có trao sổ tiết kiệm Công đoàn Việt Nam cho trẻ em mồ côi vì COVID-19. Hiện TP có khoảng 195 trường hợp trẻ em mồ côi đủ điều kiện được ghi nhận.

Ông Trần Đoàn Trung - phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, mỗi chương trình được tổ chức phục vụ cho một mục đích nhất định, mong muốn tạo ra chương trình "Công nhân vui Tết cùng TP" để người lao động vơi bớt những nhọc nhằn.

Một số diễn biến tình về tình hình dịch covid 19 ở một số tỉnh thành khác

TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk: Cho phép dịch vụ ăn uống hoạt động trở lại

Từ ngày 6/1, UBND TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho phép một số loại hình kinh doanh, dịch vụ hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo các quy định về phòng chống dịch.

Dịch vụ ăn uống được hoạt động trở lại với điều kiện: phục vụ không quá 20 khách trong cùng một thời điểm, bàn cách bàn tối thiểu 2m; thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch, không phục vụ khách trong phòng kín và không sử dụng điều hòa. Khuyến khích bán hàng mang về hoặc giao hàng tại nhà. Không được kinh doanh, phục vụ khách trên vỉa hè.

Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thờ tự được hoạt động có điều kiện: hoạt động không quá 20 người; thực hiện đeo khẩu trang và đảm bảo khoảng cách 2 m.

Hoạt động lữ hành, tham quan tại khu du lịch, điểm du lịch, dịch vụ ăn uống trong cơ sở kinh doanh du lịch, cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà nghỉ...), thư viện, bảo tàng, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật được hoạt động với điều kiện phục vụ không quá 50% công suất…

Cắt tóc được hoạt động có điều kiện, bao gồm: thợ cắt tóc, nhân viên phục vụ và người cắt tóc đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng; phục vụ không quá 5 người khách trong cùng một thời điểm; đảm bảo khoảng cách giữa các thợ cắt tóc 2 m; không dùng máy điều hòa...

Phú Yên: Dự kiến tiêm xong mũi 3 vaccine phòng COVID-19 trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022

Từ ngày 4/1, Sở Y tế tỉnh Phú Yên triển khai chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 (mũi 3) cho các đối tượng đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế trên diện rộng. Sở Y tế tỉnh Phú Yên đặt mục tiêu hoàn thành chiến dịch này trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên cho biết, để triển khai chiến dịch tiêm bổ sung này, Bộ Y tế đã phân bổ cho tỉnh 40.000 liều vaccine Astrazeneca và hơn 37.000 liều Pfizer. Việc tổ chức tiêm chủng được thực hiện tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố và các điểm tại Trường Cao Đẳng Y tế Phú Yên, Bệnh viện Công an tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên.

Đà Nẵng: Yêu cầu tiêm mũi 3 vắc xin Covid-19 đến ngày 29 Tết Nguyên đán

Chiều 4/1, tại cuộc họp Ban chỉ đạo (BCĐ) Phòng, chống dịch Covid-19, Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu ngành y tế tiêm mũi 3 vắc xin phòng Covid-19 cho người đã tiêm mũi 2 đủ 3 tháng trở lên, kéo dài cho đến ngày 29 Tết Nguyên đán.

Bà Ngô Thị Kim Yến, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, cho biết đến ngày 10.1, ngành y tế TP sẽ tiêm hết cho người dân đã tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 từ ngày 30.9 trở về trước.

Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cũng yêu cầu Sở Y tế TP sớm trình việc hỗ trợ tiền ăn cho trẻ em dưới 6 tuổi và người nghèo khi điều trị trong bệnh viện. Trước mắt, ngành y tế không thu khoản chi phí này đối với các đối tượng đã nêu.

Hà Nội: Số ca mắc mới, số ca chuyển nặng và tử vong đều tăng

Những ngày gần đây, Hà Nội liên tục đứng đầu cả nước về số ca mắc hằng ngày. Mặc dù so với các tỉnh thành có số mắc mới thấp hơn, Hà Nội vẫn giữ được số ca chuyển nặng và tử vong thấp so với thống kê chung cả nước. Nhưng so với các tuần trước đây, số bệnh nhân chuyển nặng và tử vong ở Hà Nội đang gia tăng.

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, thành viên nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ F0 mùa dịch, cho biết trước đây các bệnh nhân bác sĩ gặp đều là ca nhẹ, nhưng tuần này ngày nào cũng có 2-3 ca nặng, có người chỉ số SpO2 xuống thấp.

Tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Y Hà Nội, những ngày gần đây đều có 2-5 ca tử vong/ngày, phần lớn là người cao tuổi có bệnh nền và một tỉ lệ lớn chưa tiêm vắc xin.

Với việc F0 tăng nhanh, trong thời gian qua, Hà Nội cũng đã thiết lập nhiều trạm y tế lưu động và cơ sở thu dung mới, như quận Long Biên đã đưa vào vận hành 15 trạm y tế lưu động và một cơ sở thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 trên địa bàn quận.

Một số diễn biến tình về tình hình dịch Covid-19 trên thế giới

Campuchia không cho phép bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron được điều trị tại nhà

Hôm nay 5/1, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã ra chỉ thị không cho phép bất cứ bệnh nhân nào nhiễm biến thể Omicron được điều trị tại nhà, bất kể điều kiện kinh tế hay tuổi tác.

Hiện các bệnh nhân nhiễm Omicron tại Campuchia đang được điều trị tại Trung tâm Quốc gia điều trị bệnh Lao phổi, Phong và Bệnh viện Loung Mae.

Theo thông cáo của Bộ Y tế Campuchia, tính đến ngày 5/1, nước này phát hiện tổng cộng 94 ca nhiễm biến thể Omicron đều là các ca nhập cảnh, trong đó một số ca đã khỏi bệnh.

Bản tin COVID-19 ngày 05/01: 51 tỉnh thành đã triển khai điều trị có kiểm soát bằng Molnupiravir 2
Ảnh minh họa

Israel xác định hiệu quả vượt trội của mũi tiêm tăng cường thứ 4

Là nước đầu tiên trên thế giới triển khai tiêm bổ sung vaccine mũi 4 nhằm bảo vệ người dân trước sự lây lan của biến thể Omicron, Israel công bố kết quả sơ bộ cho thấy mũi tiêm vaccine ngừa COVID-19 này giúp làm tăng gấp 5 lần lượng kháng thể trong 1 tuần sau khi tiêm.

Loại vaccine mới được sử dụng là của hãng Moderna, sẽ được tiêm cho những người đã từng tiêm 3 mũi vaccine của Pfizer. Việc thử nghiệm nhằm đánh giá hiệu quả chống lại biến thể Omicron và tác dụng của việc sử dụng trộn lẫn các loại vaccine khác nhau trên cùng một bệnh nhân.

Hàng chục trẻ em Đức bị tiêm nhầm vaccine COVID-19 người lớn

Có đến 42 trẻ em từ 5-11 tuổi tại Đức đã bị tiêm nhầm vaccine phòng COVID-19 dành cho người trưởng thành. 42 em nhỏ này đã tiêm liều vaccine Pfizer/BioNtech cao gấp 3 lần so với mức dành cho lứa tuổi của các em.

Chuyên gia tại Sở Y tế của nước này cho biết, việc tiêm liều lượng tăng cường cho trẻ em là không cần thiết nhưng điều này dự kiến không ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch của các em đối với virus SARS-CoV-2. Và dự kiến không dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Mỹ ghi nhận 1 triệu ca nhiễm mới/ngày

Mỹ vừa ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm trong 24 giờ. Đây là số ca bệnh ở mức cao kỷ lục toàn cầu, chưa từng có quốc gia nào khác trên thế giới ghi nhận kể từ đầu đại dịch COVID-19. Con số một triệu ca nhiễm của ngày 3-1 cũng gần gấp đôi con số 590.000 ca nhiễm được ghi nhận bốn ngày trước.

Thủ đô Washington D.C và bang Florida có mức tăng ca nhiễm mới cao nhất trong hai tuần qua. Washington D.C ghi nhận số ca bệnh COVID-19 tăng 902% trong khoảng thời gian này, còn Florida có mức tăng 744%.

Cảnh giác mùa Covid-19 hôm nay:

Mất bao lâu để mũi tiêm tăng cường vaccine phòng COVID-19 có hiệu quả?

Khi tiêm bất kỳ loại vaccine nào, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra phản ứng kháng thể để chống lại sự lây nhiễm trong tương lai.

Giả sử chúng ta đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi cuối cùng vài tháng trước. Theo thời gian, phản ứng miễn dịch của cơ thể sẽ yếu đi, và lúc này một mũi tiêm tăng cường sẽ nhắc lại hệ thống miễn dịch với mầm bệnh để tạo ra nhiều tế bào sản xuất kháng thể hơn.

Cho đến nay, không thể biết chính xác thời điểm tiêm tăng cường vaccine phòng COVID-19 có hiệu lực hoàn toàn. Các chuyên gia cho hay, không chắc bạn sẽ được bảo vệ thêm ngay sau khi tiêm liều tăng cường. Bởi thông thường cần mất vài ngày hoặc vài tuần để các tế bào nhớ tạo ra nhiều kháng thể hơn. Tuy nhiên, có thể giữa tuần đầu tiên và tuần thứ hai, cơ thể bắt đầu có sự gia tăng đáng kể khả năng bảo vệ của mũi tiêm tăng cường.

Theo dõi những người tham gia thử nghiệm vaccine Pfizer trong 100 ngày sau khi tiêm vaccine cho thấy, tác dụng tích cực của mũi tiêm tăng cường có thể bắt đầu ngay sau 7 ngày. Kết quả có thể tương tự như với mũi tiêm Moderna tăng cường.

Đối với vaccine Johnson & Johnson, các nhà nghiên cứu cho hay, khi tiêm nhắc lại vào thời điểm 6 tháng sau mũi tiêm duy nhất, mức độ kháng thể tăng gấp 9 lần một tuần sau đó. Các mức kháng thể đó tiếp tục tăng lên cao gấp 12 lần sau một tháng tiêm nhắc lại.

Cả nước có 17.017 ca mắc mới. Hà Nội có số ca cao nhất

 Hôm nay (5/1) cả nước ghi nhận 17.017 ca nhiễm mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 16.997 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.168 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 12.299 ca trong cộng đồng). Có 230 ca tử vong

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh cao như sau: Hà Nội (2.505), Tây Ninh (862), Hải Phòng (792), Khánh Hòa (782), Bình Định (735), Cà Mau (687), Bình Phước (682), Vĩnh Long (657), Trà Vinh (576), Bến Tre (499), TP. Hồ Chí Minh (448),

 - Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (-216), Đắk Lắk (-94), Tây Ninh (-54).

- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Trà Vinh (+380), Cà Mau (+237), Vĩnh Long (+226).

- Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 25 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP. Hồ Chí Minh (6), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 22.662 ca

- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 16.133 ca/ngày.