- Bộ Y tế: Đề nghị xem xét dừng các hoạt động đông người dịp Tết Nguyên đán
- Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường hệ thống dự trữ oxy y tế
- Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 sau 3 tháng
- TP.HCM: Duy trì mức 2 cấp độ dịch
- TP.HCM: Đảm bảo an toàn phòng chống dịch dịp Noel, Tết
- TP.HCM: Xin thêm nhân lực để ứng phó bệnh nặng gia tăng
- TP Thủ Đức: F0 được các tổ y tế khu phố chăm sóc tại nhà
- An Giang: hàng quán được bán tại chỗ từ 20-12
- Tây Ninh: kích hoạt các tổ tuần tra lưu động
- Du khách đổ về Đà Lạt cuối tuần
- Hà Nội: Mở rộng nhánh 3 tổng đài 1022 tiếp nhận thông tin F0 điều trị tại nhà.
- Hải Phòng: Dừng chốt kiểm soát dịch ở sân bay Cát Bi
- Bộ Y tế yêu cầu Ninh Bình thu hồi văn bản cách ly người về từ Hà Nội
- WHO cấp phép cho vắc xin COVID-19 sản xuất tại Ấn Độ
Bộ Y tế: Đề nghị xem xét dừng các hoạt động đông người dịp Tết Nguyên đán
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, các hoạt động vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại các địa phương có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán.
Các địa phương căn cứ tình hình diễn biến dịch bệnh thực hiện đánh giá, cập nhật cấp độ dịch trên Cổng thông tin điện tử của địa phương và Bộ Y tế.
Việc sinh hoạt, đi lại, giao thương của người dân trong thời gian nghỉ Tết Âm lịch tuyệt đối tuân thủ đúng và đầy đủ quy định 5K (Khẩu trang, Khử khuẩn, Không tụ tập, Khai báo y tế và Khoảng cách) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường hệ thống dự trữ oxy y tế
Bộ Y tế nhận được báo cáo của một số sở y tế (TP.HCM, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kiên Giang, Trà Vinh…) và một số nhà cung ứng oxy lớn trong khu vực như Sovigaz, Oxy Đồng Nai... cho thấy có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ oxy y tế trong thời gian tới tại các tỉnh miền Tây.
So với thời kỳ đỉnh dịch tại TP.HCM và các tỉnh lân cận trước đây, lượng người bệnh hiện không cao hơn, tuy nhiên có thể sắp tới xảy ra tình trạng thiếu hụt cục bộ do tình hình dịch bệnh tại TP.HCM và đặc biệt là các tỉnh Tây Nam Bộ đột ngột bùng phát. Các nhà máy sản xuất khí oxy y tế lại chủ yếu tập trung ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, vì vậy việc vận chuyển oxy y tế đến các tỉnh Tây Nam Bộ cũng là một vấn đề khó khăn.
Bên cạnh đó, trong trạng thái bình thường mới các nhà sản xuất đã tăng sản lượng khí cung cấp cho các ngành công nghiệp, thực phẩm lên đáng kể, không còn tập trung vào công tác sản xuất oxy y tế. Do đó, trong thời gian tới Bộ đề nghị các đơn vị sản xuất, cung ứng tăng cường hệ thống dự trữ oxy y tế để đảm bảo liên thông, chủ động, ứng phó các tình huống dịch bệnh khẩn cấp, đảm bảo điều trị cho người bệnh.
Bộ Y tế cho phép tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 sau 3 tháng
Ngày 17/12, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Viện Vệ sinh dịch tế, Viên Pasteur; Cục Y tế, Bộ Công an; Cục Quân Y, Tổng Cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bảo vệ và nhắc lại. Theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, khoảng cách tiêm 1 mũi bổ sung và mũi nhắc lại sau mũi cuối cùng của liều cơ bản là 3 tháng.
Tiêm liều bổ sung: người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine) bao gồm: Người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng...; Tiêm 01 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng.
Đối với những người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.
Tiêm liều nhắc lại: người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế.
TP.HCM: Duy trì mức 2 cấp độ dịch
UBND TP.HCM thông tin về cấp độ dịch trên địa bàn vẫn là cấp độ 2, riêng quận 10 tăng cấp độ từ 2 lên 3. Như vậy so với tuần trước, quận 10 là địa phương duy nhất tăng cấp độ dịch. Ba địa phương giảm cấp độ dịch là quận 3, huyện Cần Giờ và quận 4.
Hiện nay, TP.HCM đã có kế hoạch thiết lập cơ sở thu dung điều trị và kế hoạch bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu tại các cơ sở khám chữa bệnh, sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch cấp độ 4.
Các quận huyện và TP Thủ Đức thiết lập các trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm bệnh tại cộng đồng và cung cấp oxy y tế cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn.
TP.HCM: Đảm bảo an toàn phòng chống dịch dịp Noel, Tết
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM, đảm bảo an toàn trong các dịp lễ Noel, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.
Trong chiến lược y tế, cần lưu ý đến vấn đề huy động lực lượng, có quy định rõ ràng nghĩa vụ và quyền lợi của các đối tượng tham gia. Tập trung tiêm vắc xin cho những người có nguy cơ cao, xây dựng quy trình quản lý việc cấp phát, sử dụng thuốc điều trị Covid-19 đảm bảo chặt chẽ, hợp lý.
Tăng cường kiểm tra việc thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại những khu vực đông người, nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm để hạn chế lây lan dịch bệnh trong quá trình mở cửa, phục hồi các hoạt động kinh tế.
Sớm ban hành chính sách hỗ trợ đối với lực lượng y tế cơ sở (trường hợp không thể ban hành sớm chính sách thì có thể nghiên cứu cơ chế tạm ứng nhằm đảm bảo động viên kịp thời).
TP.HCM: Xin thêm nhân lực để ứng phó bệnh nặng gia tăng
Hiện mỗi ngày TP.HCM có trên dưới 1.000 ca Covid-19 mắc mới, số ca nhập viện mới có xu hướng chựng lại, nhưng số ca nặng lại tăng so với cùng kỳ tháng trước.
Để đảm bảo nhân lực cho hoạt động chống dịch, UBND TP.HCM vừa có kiến nghị Bộ Y tế chi viện 1.000 bác sĩ và 2.000 điều dưỡng, cần nhân lực hồi sức - cấp cứu để phân bổ cho các trung tâm hồi sức. Các BV ngoài tiếp nhận F0 thì chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị thuốc, đặc biệt là có phương án chuẩn bị ô xy vì cả nước đang trong giai đoạn căng thẳng và nhu cầu rất cao.
TP Thủ Đức: F0 được các tổ y tế khu phố chăm sóc tại nhà
Thành phố Thủ Đức đã thành lập các tổ y tế khu phố chăm sóc F0 tại nhà. Tổ này sẽ cử người xuống tận nhà xét nghiệm khi có cuộc gọi của người dân. Nếu dương tính, người bệnh sẽ được phát thuốc, hỗ trợ về mặt chăm sóc sức khỏe nếu có nhu cầu. Đây là một trong những nhiệm vụ chính của tổ y tế chăm sóc F0 khu phố ở TP Thủ Đức thực hiện.
Ngoài trưởng khu phố là tổ trưởng tổ y tế chăm sóc F0, còn có thêm một nhân viên y tế của trạm cùng các bạn tình nguyện viên tham gia. Sau khi nhân viên y tế này thực hiện xét nghiệm xác định có nhiễm F0 hay không, những công việc chăm sóc F0 về thuốc men, chăm sóc sức khỏe sẽ được các thành viên khác thay nhau phụ trách.
An Giang: hàng quán được bán tại chỗ từ 20-12
Chiều 17/12 tỉnh An Giang có công văn áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt bỏ giờ hạn chế ra đường và cho bán ăn uống tại chỗ (trừ vùng đỏ).
Để thích ứng an toàn trong tình hình mới, tỉnh An Giang thống nhất chủ trương ngừng áp dụng biện pháp yêu cầu người dân không ra đường từ 20h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau (trừ các địa phương thuộc cấp độ 4) kể từ ngày 20/12.
Riêng các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ các nơi thuộc cấp độ 4 - vùng đỏ) được phép hoạt động với hình thức bán hàng phục vụ khách tại chỗ (không phục vụ bia, rượu), áp dụng nghiêm 5K, giảm quy mô công suất phục vụ còn 50%, khoảng cách giữa các bàn tối thiểu 2m. Chủ quán, tổ bếp và người phục vụ phải được tiêm vắc xin đủ liều sau 14 ngày; thực hiện quét mã QR khi đến địa điểm dịch vụ ăn uống.
Tây Ninh: kích hoạt các tổ tuần tra lưu động
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, hiện dịch bệnh trên địa bàn đang diễn biến rất phức tạp, ca mắc mới ngày càng gia tăng, các hoạt động tập trung đông người vẫn còn xảy ra nhưng thiếu sự quản lý, kiểm soát từ chính quyền địa phương. Do đó, đề nghị Công an tỉnh tiếp tục phối hợp truy vết, điều phối xử lý thông tin phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Căn cứ cấp độ dịch đối với từng vùng, chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của các sơ sở kinh doanh dịch vụ, nhất là vùng phải tạm dừng hoạt động.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp kiểm tra, giám sát, nhắc nhở những người hiện đang điều trị, cách ly y tế tại nhà (F0, F1), xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Trên tuyến biên giới, tỉnh cũng yêu cầu công an tăng cường bố trí lực lượng, phối hợp với bộ đội biên phòng để phòng ngừa xuất, nhập cảnh trái phép tại các trạm, các chốt phòng, chống dịch Covid-19.
Du khách đổ về Đà Lạt cuối tuần
Trong 2 ngày 16 và 17-12, tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, người dân, du khách từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ ùn ùn đổ về Đà Lạt và các địa phương tại tỉnh Lâm Đồng khiến chốt kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 số 1 tại đèo Chuối (huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) ùn ứ, quá tải.
Theo các lực lượng làm nhiệm vụ, từ 10h ngày 17/12, lượng phương tiện chủ yếu là xe con cá nhân, xe khách và xe máy trên quốc lộ 20 qua chốt vào Lâm Đồng luôn nối đuôi nhau.
Khi qua chốt, chỉ riêng những người dân, du khách đến từ vùng đỏ (thuộc cấp độ 4) phải có giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính đảm bảo thời hạn quy định mới được qua chốt. Tất cả người dân, du khách còn lại chỉ mất từ 3 - 5 phút khai báo y tế qua phần mềm PC-COVID để qua chốt.
Hà Nội: Mở rộng nhánh 3 tổng đài 1022 tiếp nhận thông tin F0 điều trị tại nhà.
Sở TT-TT Hà Nội cho biết đã mở rộng nhánh 3 của tổng đài điện thoại 1022 để tiếp nhận thông tin liên quan đến F0 điều trị tại nhà và tư vấn y tế về phòng chống dịch Covid-19.
Sau khi bấm phím 3, người dân chọn bấm phím 1: kết nối đến đường dây nóng Sở Y tế Hà Nội để cập nhật thông tin F0 điều trị tại nhà; hoặc bấm phím 2 kết nối đến Mạng lưới thầy thuốc đồng hành, để được tư vấn y tế về phòng, chống dịch Covid-19.
Đến hiện tại, tổng đài điện thoại 1022 đã triển khai 7 nhánh, từ 1 đến 7.
Sở TT-TT cho biết, tổng đài điện thoại 1022 sẵn sàng tiếp nhận phản ánh từ công dân, tổ chức 24/7 để hỗ trợ, xử lý nhanh nhất những thông tin liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Hải Phòng: Dừng chốt kiểm soát dịch ở sân bay Cát Bi
UBND TP.Hải Phòng đã có chỉ đạo dừng hoạt động Chốt kiểm soát dịch Covid-19 liên ngành và hoạt động test nhanh Covid-19 tại sân bay Cát Bi từ 0 giờ ngày 18.12. Đây cũng là chốt kiểm soát dịch Covid-19 cuối cùng ở TP.Hải Phòng.
Liên quan đến công tác tiêm chủng, Sở Y tế TP.Hải Phòng đã đề nghị UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để điều tra, thống kê tất cả người dân đang sinh sống trên địa bàn quản lý về tiền sử tiêm vắc xin phòng Covid-19. Khi phát hiện người dân trong độ tuổi chỉ định chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin thì chuyển ngay danh sách cho trung tâm y tế.
Theo kế hoạch, TP.Hải Phòng sẽ hoàn thành việc bao phủ mũi 1 cho 100% dân số từ 12 tuổi trở lên trước ngày 20/12 và tiêm mũi 2 cho tất cả người dân trên địa bàn trước ngày 25.12, kể cả trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi.
Bộ Y tế yêu cầu Ninh Bình thu hồi văn bản cách ly người về từ Hà Nội
Chiều 17/12, Bộ Y tế đã ký văn bản hỏa tốc gửi tỉnh Ninh Bình về việc thực hiện nghị quyết số 128 trong phòng chống dịch COVID-19.
Theo Bộ Y tế, sau khi tiếp nhận thông tin trên báo chí về việc tỉnh Ninh Bình quy định yêu cầu người từ Hà Nội về Ninh Bình dù ở cấp độ dịch nào vẫn phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 có kết quả âm tính mới được sinh hoạt, làm việc bình thường.
Bộ Y tế yêu cầu UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo Sở Y tế tỉnh Ninh Bình thu hồi văn bản nói trên đồng thời thực hiện đầy đủ các quy định về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
WHO cấp phép cho vắc xin COVID-19 sản xuất tại Ấn Độ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc xin Covovax do Ấn Độ sản xuất, phiên bản vắc xin của hãng dược Novavax, mở đường việc phân phối vắc xin này cho cơ chế COVAX.
Trong thông báo hôm qua (17/12), WHO cho biết vắc xin Covovax, do Viện Serum Ấn Độ sản xuất theo giấy phép của hãng dược có trụ sở tại Mỹ Novavax, sẽ được phân phối cho cơ chế COVAX để thúc đẩy nỗ lực tiêm ngừa COVID-19 ở những nước có thu nhập thấp.
Trợ lý tổng giám đốc WHO, tiến sĩ Mariangela Simao khẳng định các loại vắc xin hiện có vẫn là một trong những công cụ hữu hiệu ngăn nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong do COVID-19. Novavax và Viện Serum, nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới hiện nay, đã cam kết sẽ cung cấp 1,1 tỉ liều vắc xin cho cơ chế phân phối vắc xin quốc tế COVAX.
Đức cảnh báo làn sóng dịch COVID-19 thứ 5
Hôm qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Đức đã đưa ra cảnh báo về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Đức trong những tháng tới, với biến thể Omicron được cho là nguyên nhân khiến số ca mắc mới chưa thể giảm.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh Đức được cảnh báo có thể rơi vào tình trạng thiếu vaccine trong những tháng tới và biến thể Omicron có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc mới tiếp tục tăng. Mặc dù vậy, theo số liệu thống kê mới nhất của Viện Robert Koch, cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh của Đức, tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Đức đã tăng lên đáng kể.
Hàn Quốc siết chặt phòng dịch đến đầu năm 2022
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Hàn Quốc đã quyết định tăng cường các biện pháp phòng dịch bắt đầu từ hôm nay tới 2/1/2022. Quyết định đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 ở Hàn Quốc liên tục tăng cao trong những ngày gần đây. Nước này hôm qua ghi nhận hơn 7.400 ca nhiễm mới COVID-19 và hơn 70 ca tử vong do COVID-19.
Theo quy định mới, số người được phép tụ tập tối đa trên phạm vi toàn quốc được giới hạn không quá 4 người. Các nhà hàng ăn uống phải đóng cửa trước 21 giờ tối. Những người chưa tiêm phòng chỉ có thể ăn tối một mình, hoặc dùng các dịch vụ mang đi hoặc giao hàng tận nơi.
Hiện, 92% người trưởng thành ở Hàn Quốc được tiêm phòng đầy đủ, nhưng số ca mắc mới đã tăng gần gấp 5 lần kể từ khi các quy định được nới lỏng vào tháng trước, trong khi số ca bệnh nghiêm trọng đã tăng gấp 3 lần.
Những điều cần biết về liều bổ sung và liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19
Mặc dù vắc-xin phòng COVID-19 có hiệu quả cao, nhưng hiệu quả đó sẽ giảm dần theo thời gian và những người thuộc nhóm nguy cơ có nhiều khả năng mắc COVID-19 nghiêm trọng hơn. Do đó, cần khuyến khích những người đủ điều kiện từ 18 tuổi trở lên, đặc biệt là nhóm người có nguy cơ nhận được liều vắc xin bổ sung và/hoặc liều nhắc lại để bảo vệ tối đa khả năng chống lại dịch bệnh COVID-19.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra rằng các kháng thể sẽ suy giảm theo thời gian, khả năng sinh miễn dịch của một số loại vắc xin cho thấy các kháng thể sẽ tồn tại ít nhất 6 tháng. Mặc dù vắc xin có thể mất khả năng bảo vệ chống lại việc nhiễm SARS-CoV-2 theo thời gian, nhưng khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng vẫn được duy trì lâu dài. Việc tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 là cần thiết, 2 liều này được WHO định nghĩa như sau:
Liều nhắc lại vắc xin phòng COVID-19: Là liều vắc xin được sử dụng cho những người đã hoàn thành đủ số mũi tiêm cơ bản theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin (có thể là một hoặc hai liều vắc xin COVID-19 tùy thuộc vào loại vắc xin). Mục tiêu của liều nhắc lại này là khôi phục hiệu quả của vắc xin mà từ đó được coi là không còn đủ hiệu quả bảo vệ nữa.
Liều bổ sung vắc xin phòng COVID-19: Có thể cần thêm liều bổ sung của vắc-xin cho những người mà tỷ lệ đáp ứng miễn dịch được coi là không đủ sau khi đã tiêm đủ số mũi tiêm của liều cơ bản. Mục tiêu của liều bổ sung này là tối ưu hóa hoặc tăng cường đáp ứng miễn dịch để thiết lập mức hiệu quả bảo vệ đủ để chống lại COVID-19. Đặc biệt, đối với những người bị suy giảm miễn dịch hay người cao tuổi thường không đạt được phản ứng miễn dịch đủ để bảo vệ sau khi đã tiêm đủ số mũi vắc xin cơ bản.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC Mỹ) cho biết trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2021, một loạt các khuyến nghị đối với việc tiêm liều vắc xin bổ sung cho những người bị suy giảm miễn dịch và một liều nhắc lại cho những người từ 18 tuổi trở lên đã được phê duyệt. Nguyên nhân do sự ra đời của biến thể B.1.617.2 (Delta) có khả năng lây nhiễm cao và sự tăng lên của các ca nhập viện và tử vong ở người từ 65 tuổi trở lên tại Hoa Kỳ. Do đó, việc tiêm liều bổ sung và nhắc lại này sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, khả năng chống lại bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong do COVID-19.
Ngày 13 tháng 8 năm 2021, các chuyên gia của CDC Mỹ đã khuyến nghị về liều bổ sung rằng: Những người nhận vắc xin mRNA COVID-19 (Pfizer-BioNTech hoặc Moderna) cần được tiêm thêm một liều bổ sung tương đồng ≥ 28 ngày sau mũi thứ hai.
Từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2021, các khuyến nghị khác về liều nhắc lại cũng được đưa ra. Trong đó, các chuyên gia khuyến cáo rằng tất cả những người từ 18 tuổi trở lên cần tiêm một liều nhắc lại sau khoảng thời gian khuyến cáo tối thiểu kể từ khi hoàn thành liều tiêm chủng chính:
-Một liều nhắc lại từ 6 tháng trở lên sau khi tiêm mũi 2 vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna.
-Một liều nhắc lại từ 2 tháng trở lên sau khi tiêm 1 mũi vắc xin Janssen.
-Tất cả những người đủ điều kiện có thể tiêm một liều nhắc lại của một loại vắc xin khác.
Việc đưa ra các khuyến cáo về liều bổ sung và nhắc lại có thể phụ thuộc vào nhiều tiêu chí, chẳng hạn như loại vắc xin, lịch tiêm, tuổi và/hoặc tình trạng y tế của người nhận vắc xin, nguy cơ phơi nhiễm và sự lưu hành của các biến thể. Ngoài lâm sàng và dịch tễ học, quyết định đề nghị một liều vắc xin bổ sung hay nhắc lại còn phụ thuộc vào các khía cạnh về chiến lược, chương trình quốc gia và nguồn cung cấp vắc xin trên toàn cầu. Trong đó, cần ưu tiên phòng chống bệnh nặng. Ngày 01/12/2021, Bộ Y tế đã ra công văn số 10225/BYT-DP về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 liều cơ bản và nhắc lại. Qua đó khẳng định tầm quan trọng của việc tiêm đủ liều vắc xin cơ bản và quy định các liều tiêm bổ sung và nhắc lại phù hợp với tình hình tại Việt Nam dựa trên cơ sở theo khuyến cáo của các chuyên gia và kinh nghiệm sử dụng vắc xin của các nước trên thế giới.