Chờ...

Báo động từ 'Thử thách Momo' hướng dẫn trẻ em tự sát trên Youtube

(VOH) - Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử vừa yêu cầu Google gỡ bỏ và tăng cường bộ lọc, kiểm duyệt các clip có nội dung độc hại để không còn tiếp tục xuất hiện trên Youtube.

Gần đây cộng đồng phụ huynh tại Việt Nam lo lắng khi trên mạng Youtube xuất hiện nhiều video có nội dung độc hại, hướng dẫn trẻ em tự sát. Một trong số những nội dung này là "Thử thách Momo", một trào lưu đến từ Anh.

Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử vừa yêu cầu Google gỡ bỏ và tăng cường bộ lọc, kiểm duyệt các clip có nội dung độc hại để không còn tiếp tục xuất hiện trên Youtube.

Thử thách Momo

Hình ảnh đáng sợ của Momo xuất hiện trên video Peppa Pig cho trẻ em. Ảnh: Revistacrescer.

Đầu 2019, trên một số mạng xã hội, trong đó có WhatsApp, cũng như diễn đàn lan truyền một trào lưu có tên "Thử thách Momo" (Momo Challenge), được cho là có nguồn gốc từ Anh. Cụ thể, một người phụ nữ có hình hài đầu người, mình gà, tóc đen, mắt lồi sẽ hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân.

Các phiên bản của câu chuyện Momo đã lan truyền trên mạng xã hội. Chúng đã thu hút hàng trăm ngàn lượt chia sẻ và dẫn đến các bài báo đăng câu chuyện. Theo đó, trẻ em được liên lạc trên WhatsApp bởi một tài khoản tự xưng là momo. Trẻ em được khuyến khích để cứu nhân vật và sau đó cần thực hiện các yêu cầu thử thách cũng như đảm bảo không nói với các thành viên khác trong gia đình họ.

Mặc dù trung tâm an toàn internet (Anh) cho biết đó là tin giả nhưng các bản sao không chính thức của phim hoạt hình như Peppa Pig đã được tải lên YouTube có đính kèm các cảnh quay “Momo” được chỉnh sửa và gây ra tác động tiêu cực cho trẻ em. Điều này đã làm cho nhiều phụ huynh lo lắng khi thấy hình ảnh liên quan đến Momo xuất hiện trên YouTube có thể gây hại cho con em mình.

Theo Telegraph, "Thử thách Momo" bị phát hiện chèn bên trong một số video không chính thức, có nội dung lấy lại từ kênh hoạt hình Peppa Pig và game Fortnite từ cuối tháng 2. Điều đáng lo ngại là chúng hướng dẫn cách để một người tự làm hại bản thân, thậm chí tự tử.

Trong trò chơi, một người phụ nữ đầu người mình gà với mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi sẽ hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân. Hiện vẫn chưa thể xác định rõ chính xác nguồn gốc của "trò chơi tự sát" Momo, ai là người đứng sau trò chơi được lan truyền này.

Nhiều phụ huynh lo lắng chúng sẽ ảnh hưởng đến con em họ, do hình ảnh đáng sợ này xuất hiện trong clip có nội dung trẻ em (chỉ YouTube, không có ở YouTube Kids), lại rất khó kiểm duyệt bởi chỉ xuất hiện thời gian rất ngắn.

Theo Buenos Aires Times, ngày 29/7/2018, một cô bé 12 tuổi (ở Ingeniero Maschwitz, Argentina) bị nghi tìm đến cái chết sau khi nhắn tin trên ứng dụng Whatsapp với tài khoản có tên Momo.

Cô bé được tìm thấy đã qua đời ở tư thế treo cổ trên cây ở sau nhà. Khi đó, điện thoại đang quay một đoạn video, cảnh sát cho rằng cô bé đang ghi lại hình ảnh để đăng lên mạng xã hội, xác nhận thực hiện thử thách của trò chơi. Nhiều trường hợp tương tự cũng được phát hiện, khiến phụ huynh lo ngại.

Tính đến thời điểm hiện tại, “trò chơi tự sát” Momo đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước Châu Âu, Mỹ, khu vực châu Mỹ Latinh.

Chia sẻ vấn đề nói trên, đại diện của Google cho biết: Thử thách Momo được đồn đại trên YouTube là không có thật và Google vẫn đang có hành động phòng ngừa để chặn nội dung này xuất hiện trên hệ thống, những nội dung như thế này vi phạm chính sách của chúng tôi và sẽ bị xóa khỏi YouTube ngay lập tức.