Bảo hiểm y tế - cứu cánh cho bệnh nhân HIV/AIDS

(VOH) - Kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại TPHCM vào tháng 12/1990, hơn 25 năm qua, TP nói riêng cũng như cả nước nói chung đã khởi động và đẩy mạnh việc phòng chống đại dịch đạt được nhiều kết quả rất đáng trân trọng.

Người nhiễm HIV luôn cần được hỗ trợ điều trị (Ảnh minh họa: tuvanxetnghiemhiv)

Tuy nhiên, trong bối cảnh viện trợ quốc tế đang ngày một giảm dần thì tìm ra giải pháp hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS trong điều trị là nhu cầu cấp thiết.

Trong các nhóm giải pháp đặt ra thì ưu tiên hiện nay là làm sao để người nhiễm HIV/AIDS có được thẻ bảo hiểm y tế. Tuy vậy, để có được thẻ BHYT xem ra cũng không thực sự dễ dàng với người nhiễm.

Không dễ mua BHYT

Trong hệ thống an sinh xã hội thì không thể nào phủ nhận vai trò của bảo hiểm Y tế (BHYT), được xem là một chính sách an sinh xã hội rất tốt, giúp người dân giảm bớt gánh nặng về chi phí y tế trong quá trình điều trị bệnh. Hơn hết, tham gia Bảo hiểm Y tế còn mang tính nhân văn cao cả vì đó là sự san sẻ, chia sẻ trách nhiệm mỗi người với nhau.

Đặc biệt đối với người nhiễm HIV/AIDS, bảo hiểm là cứu cánh tốt nhất vì khi mắc bệnh này, họ cần uống thuốc điều trị suốt đời. Không những người nhiễm HIV/AIDS sử dụng thuốc ARV mà còn phải điều trị nhiều bệnh cơ hội khác, nên việc điều trị liên tục gần như không tránh khỏi...

Tuy nhiên, theo thống kê, tính đến tháng 6/2016, trên địa bàn TP chỉ có 36% trong số hơn 10.500 người nhiễm HIV đang điều trị thuốc ARV là có thẻ BHYT. Đáng ngại hơn, chỉ có 1/3 bệnh nhân dám sử dụng thẻ BHYT trong khám chữa bệnh.

“Có một số anh chị không mua được BHYT do không có giấy tờ tùy thân. Một số anh chị nhờ mua BHYT bên ngoài nhưng khi Sơn tới mua thì họ cũng không giải quyết. Có một người bị trả về vì tưởng bệnh không qua khỏi nhưng về họ điều trị ARV 10 năm nay vẫn sống. Đến nay khi bắt phải có BHYT thì họ không mua được, quay lên trên trường xác nhận thì nói bệnh nhân này đã chết sao mua được”, anh Phạm Hồng Sơn, phụ trách nhóm truyền thông về HIV/AIDS dựa vào cộng đồng G3 VN chia sẻ những trở ngại. 

Tiếp ý kiến anh Phạm Hồng Sơn, Lê Minh Thành – Trưởng nhóm G - LINK cho hay, nhiều người mắc HIV sinh sống tại TPHCM không dám về quê mua bảo hiểm y tế vì sợ bị lộ thông tin bị nhiễm bệnh.

“Trong 500 bạn MSM G - link đang hỗ trợ thì có phân nửa chưa có BHYT, họ có thể là sinh viên, công nhân hay phục vụ quán cà phê nào đó nhưng ngại về quê mua BHYT vì sợ lộ thông tin. Nhân đây chúng tôi muốn đề xuất có kênh bán BHYT thông qua các tổ chức cộng đồng được hay không vì họ là thành viên chúng tôi quản lý, họ tham gia hoạt động rất nhiệt tình”, anh Thành nói.

Quả thật với người nhiễm HIV/AIDS có được chiếc thẻ bảo hiểm y tế thật không hề dễ dàng, ngoài giấy tờ tùy thân thì phải tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cũng là rào cản với họ. Một thành viên sinh hoạt trong nhóm đồng đẳng cho biết: “Nếu được, chính quyền địa phương nên tháo bỏ những rào cản mua BHYT theo hộ gia đình mà ưu tiên mua cá nhân cho những người nhiễm HIV”.

Gỡ khó như thế nào?

Nói về việc không có giấy tờ tùy thân có ảnh để mua BHYT, ông Nguyễn Minh Trung, Vụ Bảo hiểm Y tế - Bộ Y tế đã giải thích: “Nếu chúng ta chưa có giấy tờ tùy thân có ảnh thì có thể nhờ cơ quan tư pháp của địa phương xác nhận trên một giấy có dán ảnh, đóng dấu giáp lai cũng giống như trường hợp học sinh hay trẻ em mất ảnh thì cũng phải có giấy đó. Trong giấy tờ tùy thân không hề có thông tin gì để lộ thông tin của người nhiễm HIV. Nên chúng ta cứ làm giấy tờ tùy thân có ảnh để hưởng những quyền lợi khác nữa”.

Riêng với nhóm hoàn toàn không có giấy tờ tùy thân, theo bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thì cần có chính sách riêng cho họ vì nhóm này rất dễ bị tổn thương xét về mặt tinh thần.

“Đây là vấn đề cần vận động chính sách riêng làm sao chứng minh nhân thân. Và chứng minh nhân thân sẽ giải quyết được họ có mua được BHYT hay không, chúng ta tách ra. Không chỉ vận động mua theo hội đoàn mà còn xa hơn, cao hơn cho nhóm dễ bị tổn thương chưa chứng minh được nhân thân để cho họ có được quyền lợi xã hội”, bà Thu cho biết.

TS.BS Lê Trường Giang – Chủ tịch Hội Y tế Công cộng cho rằng, người nhiễm bệnh có thẻ BHYT, tham gia điều trị từ đầu, liên tục thì cũng sẽ gián tiếp giảm bớt gánh nặng cho ngành y tế.

“Khi nói BHYT toàn dân thì không thể loại bỏ người nhiễm HIV được mà phải tiếp nhận bởi vì nếu điều trị sớm thì họ sẽ không bị nhiễm trùng cơ hội. Nếu bảo hiểm bỏ ra điều trị AIDS, một năm bảo hiểm tốn khoảng 3 triệu cho 1 người để điều trị, mà không bị các bệnh khác, không nằm viện, như vậy BHYT sẽ giảm rất nhiều chi phí, rất có lợi cho y tế”.

Bảo hiểm y tế suy cho cùng đó là hướng giải quyết tốt nhất về lâu dài cho người nhiễm HIV vì nguồn viện trợ quốc tế cho thuốc điều trị ARV sẽ kết thúc vào năm 2018. Đa phần người nhiễm HIV thường có thu nhập thấp, đời sống bấp bênh nên nếu khi không còn nguồn thuốc viện trợ, để cho họ “tự bơi” thì e rằng họ sẽ không có đủ năng lực tài chính.

Tiếp sức cho họ bằng chiếc thẻ bảo hiểm y tế ngoài ý nghĩa nhân văn thì đó cũng là cách để cho hệ thống y tế sẽ giảm bớt gánh nặng điều trị  - một cảnh báo có thể sẽ xảy ra nếu các nguồn viện trợ đồng loạt bị cắt giảm. Hơn nữa, trong lộ trình đến năm 2020, nước ta phấn đấu đạt 80% dân số có thẻ BHYT thì chắc chắn rằng, không thể nào để người nhiễm đứng ngoài cuộc trong câu chuyện này.