Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, năm nay bão đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Mặc dù mưa vào thời điểm đầu mùa khô được xem là tín hiệu tốt cho một số tỉnh miền Trung song bão số 1 mang theo nguy cơ mưa lớn cực đoan, dồn dập trong thời gian ngắn khiến nguy cơ cao xảy ra ngập úng và sạt lở đất.
Bão hướng vòng cung, khả năng mạnh lên cấp 10-11
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, lúc 13h ngày 11/6, tâm bão nằm ở phía đông quần đảo Hoàng Sa với sức gió mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10. Bão đang di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 10km/h, dự báo trong ngày 12/6 sẽ đi theo hướng tây bắc và bắc, hướng về đảo Hải Nam (Trung Quốc).
Theo nhận định chung từ các cơ quan khí tượng quốc tế như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, bão số 1 có xu hướng di chuyển theo hình vòng cung, sau đó đổ bộ vào đất liền Trung Quốc. Vùng ảnh hưởng của bão sẽ tác động trực tiếp đến khu vực Bắc và Trung Trung Bộ Việt Nam.
Dự báo về cường độ, bão có khả năng mạnh lên cấp 9 trong ngày 12/6 và đạt cực đại cấp 10, giật cấp 12 vào ngày 13/6. Một số mô hình cho khả năng bão mạnh tới cấp 11, song xác suất vẫn còn thấp.

Biển động dữ dội, mưa cực lớn từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi
Ông Khiêm cảnh báo, từ đêm 11/6 đến sáng 13/6, các tỉnh Trung Trung Bộ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi sẽ có mưa lớn với tổng lượng từ 100-300mm, cá biệt có nơi lên tới trên 450mm. Khu vực Bắc Tây Nguyên mưa dao động từ 70-150mm, có điểm trên 200mm.
“Đáng lo ngại nhất là các điểm mưa cục bộ với lượng mưa trên 200mm trong vòng 6 giờ gây nguy cơ rất cao về lũ quét và sạt lở đất”, ông Khiêm cho biết.
Dự báo trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi sẽ xuất hiện một đợt lũ, với đỉnh lũ đạt mức báo động 1, thậm chí vượt báo động 1. Trong khi đó, khu vực biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam (bao gồm Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ...) có gió mạnh cấp 5-7, giật cấp 8-9. Vùng gần tâm bão có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao từ 3-5m.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, tính đến chiều 11/6, Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm và thông tin tới 53.792 tàu thuyền với hơn 223.000 lao động về diễn biến và hướng đi của bão. Các tàu trong vùng ảnh hưởng đang tích cực tìm nơi tránh trú an toàn.
Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa hiện là 192.548ha, với 272.367 lồng bè và gần 4.000 chòi canh. Đây đều là đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động của bão và mưa lũ, nếu không có biện pháp chủ động di dời, gia cố.
Dự báo xu hướng bão năm 2025 có thể diễn biến phức tạp hơn bình thường với khả năng xảy ra nhiều cơn bão có quỹ đạo không điển hình, cường độ biến đổi nhanh và mưa cục bộ lớn, kéo dài. Việc chủ động ứng phó từ sớm được xác định là giải pháp then chốt để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Ngành nông nghiệp, thủy sản, giao thông và chính quyền các tỉnh miền Trung đang được yêu cầu chủ động triển khai phương án "4 tại chỗ", rà soát toàn bộ phương án phòng chống thiên tai, sơ tán dân, bảo vệ sản xuất và kiểm tra an toàn hồ đập, công trình thủy lợi.