Bảo vệ động vật hoang dã- bài 1: Tiếng kêu cứu nơi rừng hoang

(VOH) - Tình trạng đáng báo động hiện nay là số động vật hoang dã quý hiếm của nước ta gần như tuyệt chủng như: voi, hổ, tê giác, voọc, vượn, rái cá…Nếu không có đối sách đầu tư và quan tâm ngay từ bây giờ, thì tương lai không xa, những loài này chỉ còn nhìn thấy qua sách vở.

Chúng tôi đã từng nghe và chứng kiến rất nhiều hành động tàn nhẫn của con người đối với động vật. Sự tàn phá và nhẫn tâm của con người đã làm cạn kiệt dần nguồn động vật hoang dã trong thiên nhiên, đẩy những loài thú quý hiếm của nước ta có nguy cơ đứng bên bờ tuyệt chủng. Hiện Việt Nam chỉ còn khoảng 400 loài động vật hoang dã đang bị đe dọa và cần được bảo vệ. Trong đó, hiện nay chỉ còn khoảng 30 con hổ, 100 con voi, còn lại gấu, tê giác và các động vật quý hiếm khác.

Một cơ sở lấy mật gấu.ảnh: tamnhin

Khi chúng tôi đến Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã ở Củ Chi, có rất nhiều con thú ở đây bị cụt tay, cụt chân, bị què quặt, đui mù trước khi được đưa về đây cứu chữa. Bù lại, chúng được anh em ở trung tâm chăm sóc và bảo vệ tận tình. Mỗi loài động vật hoang dã về nơi cứu hộ đều có hồ sơ riêng, bệnh án được cập nhật hàng ngày. Bác sĩ thú y phải theo dõi, kiểm tra liên tục, để biết được con nào thì nên cách ly, định lượng thức ăn ra sao, chăm sóc, trị bệnh thế nào… Đang bận rộn với việc phân chia thức ăn cho các con thú, anh Đoàn Văn Lực,

bác sĩ thú y chia sẻ tâm tư của anh đối với công việc cứu chữa động vật:


Từ 2006 đến nay, Trung tâm đã cứu hộ được khoảng 3.000 cá thể. Hàng năm, có trên dưới 1.000 con thú được thả về rừng hoặc chuyển đi các nơi khác trước khi chúng được kiểm tra sức khỏe, chăm sóc và phục hồi bản năng hoang dã, sẵn sàng trở về thiên nhiên. ông Lê Xuân Lâm, Giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi cho biết:


Tại trung tâm, có gần chục con gấu ngựa và gấu chó. So với những con gấu bị nuôi nhốt bất hợp pháp bên ngoài, chịu đau đớn cùng cực khi bị rút mật một cách tàn nhẫn, thì những con thú được đưa về đây đã là may mắn hơn rất nhiều.

Trầm tư khi nhớ lại lý lịch trích ngang của từng cá thể được đưa về đây, ông Lê Xuân Lâm, Giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi kể cho chúng tôi nghe rất nhiều những số phận, trôi nổi của từng con thú, về cách lấy mật gấu quá tàn nhẫn của con người đối với gấu. Đó là tại một nông trại nuôi gấu lấy mật, nơi các con gấu bị chọc lấy mật hàng ngày. Mấy con gấu tội nghiệp bị nhốt trong các lồng sắt chật hẹp, không có chỗ để đi lại. Trên bụng mỗi con đều bị chọc một lỗ thủng vĩnh viễn để lấy mật hằng ngày

. Vì vết thương mãi mãi không khép miệng này, chúng có thể nhiễm nhiều thứ bệnh, kể cả u ác tính, ung thư và viêm màng bụng. Quá đau đớn, gấu thường tìm cách đánh vào bụng mình để tự tử. Để ngăn chặn điều này, chúng bị đeo khung sắt vào cơ thể. Một con gấu mẹ đã lồng lên, phá sập cái lồng đang nhốt nó khi nghe thấy tiếng gấu con rít lên lo sợ trước lúc bị một nhân viên chích thủng bụng để lấy mật. Gấu mẹ lao thẳng đến chuồng gấu con trong khi những người lấy mật bỏ chạy tán loạn. Gấu mẹ giật lắc cái chuồng điên cuồng hòng cứu con ra. Không thể phá sập chuồng, gấu mẹ đã bất ngờ ôm lấy con rồi cuối cùng siết chặt con nó đến chết. Bỏ gấu con xuống, gấu mẹ lao đầu vào bức tường gần đó tự sát. Mỗi khi nhớ lại chuyện này, chúng tôi đã rơi nước mắt nhiều lần, lòng đầy phẫn nộ trước sự lạnh lùng và vô tình của những người trục lợi trên chính sự đau đớn của loài gấu, khai thác cùng kiệt đến giọt mật cuối cùng.

Còn nhớ một trang trại nuôi nhốt gấu lấy mật gấu bất hợp pháp ở một tỉnh Miền Bắc sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện, cái ấn tượng về nỗi kinh hoàng, tiếng kêu gào thê thiết và nỗi đau đớn tận cùng của những con gấu bị lấy mật mãi mãi làm chúng tôi không thể quên. Tim cứ thắt lại mỗi khi nhớ tới đoạn phóng sự truyền hình hôm ấy. Theo Đông y, một số thảo dược khác có giá trị chữa bệnh tương đương, có thể thay thế được mật gấu, cớ gì con người phải khai thác, tận diệt theo kiểu đó!

Ở Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi không bao giờ có một phút tĩnh lặng. Khi chúng tôi đến vào buổi trưa oi nồng, tiếng gió lao xao rít qua những rặng tre, là tiếng hót bất kể giờ giấc của loài vượn đen má vàng. Đặc tính của loài vượn này dậy sớm hót từ 4 đến 5 giờ sáng, và gần đến giờ cho chúng ăn, hoặc khi có khách, chúng cũng hót ầm trời. Ban đầu thì người dân quanh đây cũng rất khó chịu vì tiếng hót của chúng đã phá vỡ giấc ngủ của họ. Dần dà họ quen dần, ngày nào vắng tiếng hót của mấy chú vượn, người ta thấy buồn!

Tại đây, mỗi cái tên của những con thú cứu hộ đều gắn với một quá khứ, kỷ niệm. Như câu chuyện về chú vượn có cái tên rất đặc biệt: “Tiếng hót của cậu bé mồ côi”. Cái tên gợi cho người ta về sự đơn độc, cô lẻ của chú vượn con và ký ức đau thương hằn sâu vào giọng hát của chú, dù theo thời gian vẫn không xóa nhòa được. Chú vượn này được các anh kiểm lâm cứu hộ từ khu rừng ở Bình Thuận trong tình trạng thoi thóp, run rẩy. Cha mẹ của chú bị người ta bị săn bắt mất trong lần đó. Khi mới về, chú luôn sợ sệt và cảnh giác cao với các loài khác, kể cả đồng loại mình. Thường vượn thì h

ót theo bầy đàn, riêng chú vượn con này thì đợi cho đến khi bầy vượn hót xong mới cất tiếng hót. Tiếng hót của chú lúc nào cũng lạc lỏng, có điều gì đó bi ai, thê thiết, như ai oán.

Một con vật nữa có cái tên khá ngộ nghĩnh: “Tớ đã về với biển”. Đó là con rùa biển được các anh bên Chi cục kiểm tra chất lượng quản lý Thị trường ở Tân Bình cứu hộ chuyển về Trung tâm. Sau khi sức khỏe của rùa được ổn định và phục hồi hoàn toàn, anh em quyết định trả con rùa về lại biển. Bình thường, những con vật khác sau khi được cứu hộ xong thả về rừng, về biển thì chúng đi luôn và đi rất nhanh. Riêng chú rùa này khi bò ra đến sát mé biển, vẫn ngóc đầu quay lại nhìn mọi người một cách quyến luyến. Anh em ở Trung tâm nói với nhau: Nghĩa cử đó là lời tri ân của con rùa đối với những người đã cứu hộ, bảo bọc nó trong suốt thời gian qua. Điều đó làm cho các anh cảm thấy ấm lòng. Các anh bảo, mỗi khi cứu hộ thành công một con vật nào đó, thì cảm giác như mình đã cứu sống được một sinh linh vậy. Ông Trần Nhật Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, bộ phận trực thuộc Chi cục Kiểm Lâm TP.HCM tâm sự:



Những cá thể trước khi được thả về rừng, anh em ở trung tâm huấn luyện sao cho chúng phải đảm bảo tính năng hoang dã, có khả năng tìm mồi. Có như thế, chúng mới tồn tại được trong môi trường khắc nghiệt bên ngoài, nhất là phải có khả năng tự vệ khi bị các con thú khác tấn công.

Trên đoạn đường về nhà, chúng tôi miên man nghĩ về những tấm ảnh anh em chụp được trong rừng xanh về nạn đặt bẫy thú rừng. Có những con vật may mắn như chú sơn dương bị bẫy cứa gần đứt cả chân nhưng vẫn còn sống và được cứu chữa, trở lại rừng. Nhưng cũng có những con thú xấu số như bầy voọc con ở Núi Chúa bị mổ bụng, moi hết nội tạng ra ngoài. Và có cả những con thú đã thối rữa, chết khô. Đó là những nỗi đau đớn, tuyệt vọng mà khi thưởng thức những món ăn, vị thuốc, vật phẩm...từ thú rừng chắc không ai có thể tưởng tượng nổi. Và trong những cánh rừng thẳm sâu kia, nỗi đau của bầy thú vì sự tàn sát của con người còn hơn những gì mà con người có thể hình dung. Chúng tôi nhớ mãi câu nói của một người quản lý rừng từng tâm tư: “Trước mỗi bữa tiệc với thịt thú rừng, nếu còn lòng nhân hậu, mỗi thực khách hãy nghĩ rằng mình không chỉ dùng một món ăn mà còn gặm nhấm luôn cả nỗi đau đớn và tuyệt vọng của chúng”.