Bài 1: Bến Tre - Xây dựng cộng đồng nông nghiệp hữu cơ

(VOH) - Buổi sáng dành ra 2 giờ, buổi chiều tốn thêm hai giờ ở mảnh vườn sau nhà. Thời gian làm nông chưa đầy 8 tiếng/ngày.

Có một mô hình nông nghiệp hữu cơ đã hình thành ở tỉnh Bến Tre, giúp cho người nông dân làm nông thảnh thơi và an toàn cho sức khỏe chính mình cũng như người tiêu dùng. Bên cạnh đó, mô hình này còn giáo dục thế hệ trẻ biết cách làm kinh tế nông nghiệp bền vững.

Làm nông thảnh thơi

Bà Đặng Thị Lệ (ấp An Phú, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) học làm nông nghiệp hữu cơ năm 2018. Bà sử dụng 1.200m2 đất quanh nhà đang trồng rau theo lối độc canh để canh tác đa canh, trồng các loại rau như: mồng tơi, cải xà lách, rau dền, bầu, mướp,…

Năm 2019, những thửa rau đầu tiên được đem bán cho các doanh nghiệp và  Phiên chợ xanh tử tế ở TP. Hồ Chí Minh.

Nhờ canh tác rau theo hướng hữu cơ, thu nhập một tháng của bà (trừ đi chi phí đầu vào) trên 10 triệu đồng. Sau gần 3 năm gắn bó với nông nghiệp hữu cơ, bà Lệ nhận xét: “Trước đây, gia đình tôi trồng đại trà một loại rau duy nhất trên vườn rau. Do vậy, khi được mùa thì mất giá, khi được giá thì mất mùa. Thành quả tham gia dự án làm nông nghiệp hữu cơ giúp kinh tế gia đình tôi ổn định và càng an tâm hơn khi trồng rau không phân thuốc hóa học, an toàn cho sức khỏe người trồng và người tiêu dùng.”

Bến Tre - Xây dựng cộng đồng nông nghiệp hữu cơ 1

Vườn rau sản xuất theo hướng hữu cơ tại nhà bà Đặng Thị Lệ.

Tại xã An Hòa Tây, còn có hai hộ khác tham gia nông nghiệp hữu cơ là chị Huỳnh Thị Bích Ngân (phó liên nhóm phụ trách dự án rau hữu cơ ở Ba Tri) và Trần Thị Phương Thảo (kĩ sư nông nghiệp). Họ là những thanh niên, từng phải xa quê lên tỉnh Bình Dương làm công nhân trong những nhà máy với thời gian có khi lên tới 12 giờ/ngày.

Cảm nhận công việc cực, thu nhập không bao nhiêu khi trừ hết chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, lại thêm bệnh nghề nghiệp, họ quyết định trở về quê, gắn bó với mảnh vườn quanh nhà bằng nông nghiệp hữu cơ.

Ban đầu tưởng chừng rất khó khăn vì không phân, thuốc hóa học thì làm sao rau phát triển tốt, đẹp, năng suất cao ? tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm có khó không ?

Tuy nhiên, dự án nông nghiệp hữu cơ của tổ chức Seed to table (Nhật Bản) đã thay đổi quan điểm người làm nông. “Ngày xưa trồng độc canh, chỉ cần xịt thuốc qua một lần rồi lên luống gieo hạt chứ không như bậy giờ…cực nhưng thấy vui vì khithấy cây rau phát triển tốt….từ từ vườn cũng bớt cỏ. Vận dụng mọi biện pháp, ngay từ đầu đất đai mình chuẩn bị, dọn dẹp sạch đất, sử dụng vôi để khử trùng cho đất” - Những người phụ nữ trong liên nhóm chia sẻ.

Seed to Table là tổ chức phi lợi nhuận của Nhật Bản đã có các hoạt động hỗ trợ nông dân Việt Nam trong việc bảo tồn hạt giống, cải thiện sinh kế người nghèo và sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

Bà Ino Mayu - Sáng lập viên của Tổ chức Seed to Table. Ino Mayu - đã có gần 10 năm gắn bó ở tỉnh Bến Tre để xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ (NNHC) cho tỉnh.

Ban đầu, dự án thí điểm ở huyện Ba Tri, sau đó đến huyện Mỏ Cày Nam và bây giờ nhân rộng tới huyện Bình Đại. Bà Mayu tận dụng thế mạnh của mỗi vùng để làm sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Huyện Bình Đại nhiễm mặn nên sản phẩm hữu cơ là cây dừa, vùng Ba Tri và Mỏ Cày Nam có nước ngọt nên sản xuất rau. Mục tiêu của dự án nhằm kết nối các hộ nông dân quy mô nhỏ tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ để nâng cao giá trị nông sản và cải thiện tiếp cận thị trường.

Quy trình thực hiện dự án khá chặt chẽ, từ mở lớp tập huấn về kĩ thuật NNHC, đào tạo giảng viên chuyên dạy NNHC, tập huấn cho nông dân cách thanh tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc và cách quản lý, chế biến sản phẩm. Tổ chức Seed to table còn xây dựng nhà chế biến, nhà sơ chế nông sản cho nông dân; Giới thiệu họ tham gia bán hàng cho các phiên chợ xanh ở thành phố Hồ Chí Minh và kí hợp đồng cung cấp rau sạch với các doanh nghiệp.

Theo số liệu công bố của tổ chức này, trong giai đoạn 2017-2021, các nhà tài trợ như Bộ ngoại giao Nhật Bản (tài trợ vốn ODA), công ty Mitsui Busan, công ty TOYO Tire đầu tư cho NNHC khoảng 5 tỷ đồng.

Dự án bắt đầu “ra trái ngọt” trong những năm gần đây, khi người nông dân đã nắm được quy trình sản xuất NNHC. Giá sản phẩm rau hữu cơ bán từ 16.000 đồng - 45.000 đồng/kg, thu nhập người nông dân từ dao động 5 triệu -12 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, hầu hết các đối tương tham gia là phụ nữ. Vì thế, nông nghiệp hữu cơ còn giúp những người phụ nữ thôn quê có thêm việc làm và nâng thu nhập cho gia đình.

Ông Huỳnh Quang Đức - Phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, khi còn làm giám đốc Trung tâm khuyến nông đã đồng hành cùng dự án NNHC của bà Mayu. Ông nhận thấy tâm huyết của bà khi hết mình hỗ trợ tỉnh xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ và giúp liên kết cộng đồng, cùng nhau xây dựng thương hiệu cho địa phương, tạo nên chuỗi giá trị cho những nhóm nông dân.

Đó là cả 1 sự thay đổi về nhận thức và hành động. Chúng tôi rất quý.

Nhận thức đó lan tỏa ra cộng đồng, hòa vào chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, an toàn bền vững của tỉnh. Đề án cũng tạo ra những mô hình thiết thực, tức là đi từ tổ chức sản xuất, liên kết, chuyển giao kỹ thuật, hướng đến thị trường, tuyên truyền cho người tiêu dùng” - ông Đức nhận xét.

Giáo dục thế hệ trẻ làm kinh tế bền vững

Song song với dự án Nông nghiệp hữu cơ, tổ chức Seed to table còn tài trợ thêm dự án Giáo dục khởi nghiệp và hướng nghiệp cho học sinh ở 10 trường THPT, 5 trường THCS, làng SOS tại huyện Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Ba Tri, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm và TP Bến Tre với giá trị khoảng 1,8 tỷ đồng.

16 vườn rau hữu cơ đã hình thành, thu hút các giáo viên và học sinh vô thích thú tham gia.

Bởi lẽ, bên cạnh việc trở thành nông dân, các học sinh còn tham gia bán rau và dùng tiền đó mua hạt giống, phân bón để gieo trồng cho vụ sau. Học sinh học cách tự quản lý chi tiêu và canh tác cho vườn rau của mình, đồng thời, học cách làm việc nhóm.

Từ vườn rau hữu cơ ở trường, giáo viên và học sinh còn bắt đầu trồng rau theo phương pháp hữu cơ tại nhà. “Giáo viên và học sinh rất háo hức tham gia vì nhận thấy được nhiều cái lợi như xây dựng nhà lưới, được học hỏi nhiều thứ, tạo điều kiện cho học sinh tham gia hoạt động” - cô Đoàn Thị Ánh Nguyệt - giáo viên trường THCS thị trấn Giồng Trôm cho biết.

Theo bà La Thị Thúy - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bến Tre, dù dự án này kết thúc nhưng nhận thấy những lợi ích từ Vườn rau sạch, Sở sẽ tiếp tục nhân rộng dự án tới các trường học khác: “Mô hình này quá tuyệt vời nên các trường khác dù không nằm trong danh sách tham gia dự án cũng đã tự bỏ kinh phí ra làm. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy tốt nó”.

Dự án nông nghiệp hữu cơ do tổ chức Seed to table tài trợ đã đặt những "viên gạch" đầu tiên giúp nông dân làm nông nghiệp nhàn hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại mà những người tham gia cần phải vượt qua, nhất là khi dự án này khép lại vào tháng 3/2021.

Khi phải tự thân vận động, liệu những nhóm nông dân này sẽ duy trì ổn định sản xuất nông nghiệp hữu cơ? Vai trò của cơ quan chức năng địa phương cần phát huy ra sao để không có cảnh “đem con bỏ chợ”?