Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bí quyết giữ lửa hạnh phúc

(VOH) - Người ta thường ví von rằng: “Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp” – câu thành ngữ xưa đã gieo vào trong tiềm thức của mọi người suy nghĩ tề gia nội trợ là thiên chức của người phụ nữ. Nhưng cuộc sống ngày càng hiện đại, nhiều gia đình người nội trợ phải nhờ đến đàn ông.

Biết san sẻ

Nói “vào bếp” ở đây không phải chỉ là một việc cụ thể là vào bếp và nấu nướng không thôi, mà ý nói người đàn ông sẵn sàng giúp vợ những công việc trước đây được mặc định cho người phụ nữ như nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, chăm lo con cái…

Và bây giờ đã khác xưa rất nhiều, như chia sẻ của những ông chồng đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ tuyên dương gia đình hạnh phúc: “Thường thì bà xã vô bếp không bằng em, việc nội trợ em giành làm hết. Bà xã làm công việc nhiều hơn, cho nên em thấy công việc này cái nào mình choàng được công việc cho gia đình thì em choàng".

 “Nếu mình biết sắp xếp công việc khoa học để còn thời gian chia sẻ những công việc của nhau cũng như những khó khăn trong cuộc sống, có như vậy mới cùng nhau vun đắp được mái ấm cho gia đình”;

“Tôi thấy nam giới cũng nên phụ giúp phụ nữ trong gia đình bằng cách cũng có thể vào bếp nấu ăn, rửa chén tạo không khí ấm áp. Tôi cũng từng nấu ăn và nấu ăn rất thú vị”.

Những chia sẻ vừa rồi có thể thấy việc “bình đẳng” không đòi hỏi phải tuyệt đối công bằng kiểu vợ nấu cơm thì chồng phải rửa chén… mà nó là sự chia sẻ phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình giữa người vợ và người chồng.

Cùng với sự phát triển đi lên của xã hội thì vai trò, vị trí của người phụ nữ cũng được nâng lên rõ rệt. Phụ nữ không chỉ “tề gia nội trợ” mà đồng thời “giỏi việc nước đảm việc nhà”, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.

Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, ở phường Phước Long B, quận Thủ Đức được biết đến là người phụ nữ tháo vát việc gia đình, năng động việc xã hội. Vừa làm việc nhà nước, vừa tham gia vào phong trào phụ nữ của phường. Dù công việc bận rộn nhưng không vì thế, chị sao nhãng việc gia đình, chăm sóc chồng con; cho nên, bếp nhà vẫn ấm lửa hạnh phúc. Chị cũng được gia đình tạo mọi điều kiện tham gia công việc xã hội, giao lưu gặp gỡ bạn bè.

“Không phải người phụ nữ đấu tranh để giống như người đàn ông nhưng là sự san sẻ, giúp đỡ lẫn nhau để cuộc sống gia đình được ổn định, hạnh phúc. Tôi nghĩ người phụ nữ không nên dồn hết tâm sức của mình vào làm việc nhà. Có rất nhiều cách để người phụ nữ không phải làm quần quật với công việc nhà mà cũng cần những niềm vui nho nhỏ mà muốn có được điều đó họ phải tự tìm niềm vui của họ mà thôi”, chị Ngọc chia sẻ.

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Chấp nhận lẫn nhau

Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thúy, giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, để giữ lửa hạnh phúc gia đình mỗi người cần phải biết bày tỏ tình yêu thương bằng những ngôn ngữ, cử chỉ đơn giản nhất, gần gũi nhất giúp chúng ta có thể hiểu nhau hơn, yêu thương nhau nhiều hơn và đem lại hạnh phúc cho chính bản thân, gia đình và cộng đồng, duy trì và phát triển những nét đẹp truyền thống của gia đình Việt.

”Muốn có hạnh phúc lâu dài thì phải chấp nhận lẫn nhau. Có nghĩa là phải có thời gian tìm hiểu, thích nghi là anh thế này, anh thế kia, nói với nhau có thể là tranh luận, tranh cãi và qua tranh cãi họ hiểu được con người của nhau và có thể chấp nhận nhau, được người kia yêu thương hơn kể cả cái tốt lẫn cái xấu, thì lúc đó cuộc sống gia đình mới được hòa hợp”, bà Thuý cho biết.

PGS.TS Nguyễn Thị Hoài Phương - Phó Trưởng Khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TPHCM nhìn nhận, trên thực tế, trong xã hội hiện đại, khi người phụ nữ đã tham gia và có nhiều vai trò tương đương với nam giới trong các lĩnh vực bên ngoài xã hội thì xem ra cuộc phân công lại vai trò, nhiệm vụ của người đàn ông và phụ nữ trong gia đình trở nên căng thẳng đối với nhiều cặp vợ chồng.  Rất nhiều chị em được thoát khỏi cảnh luôn luôn bị xếp sau... xó bếp, chồng cho phép thì mới làm...

Tuy nhiên, để gia đình thật sự hạnh phúc, người phụ nữ không nhất thiết phải lo hết việc nội trợ, con cái, vì thực tế nhiều ông chồng thường vụng về hơn trong những công việc này, và người phụ nữ cũng ít khi yêu cầu chồng làm tất cả mọi công việc. Chia sẻ đôi khi chỉ cần quan tâm chồng tắm rửa cho con chẳng hạn, nấu bữa cơm khi vợ bận hoặc có thể đơn giản chỉ là một lời động viên cũng khiến người vợ cảm thấy công việc vơi bớt đi nặng nhọc.

"Giới nữ phải tạo nên sự bình đẳng cho mình chứ không phải cứ phải hy sinh hết cho gia đình, cho chồng con, phải bỏ việc cơ quan, về nhà phải chợ búa, cơm nước, phải làm hết mọi việc trong gia đình thì mới gọi là phụ nữ giỏi! Tức là mình phải đóng góp cho gia đình nhưng đóng góp như thế nào, tổ chức cuộc sống ra sao để mọi thành viên trong gia đình cùng tham gia vào chứ không phải dành hết về mình”, TS Phương cho biết.

Người Việt Nam vốn coi trọng gia đình và hạnh phúc gia đình được xem là một trong những yếu tố quan trọng của hạnh phúc nói chung. Nhưng với tình trạng ly hôn đang gia tăng ở nhiều địa phương, cho thấy hạnh phúc gia đình đang đối mặt với nhiều thách thức.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Trần Hướng Dương, Vụ phó Vụ Gia đình – Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho rằng đây là sự phát triển của xã hội, có 3 đôi kết hôn thì có một đôi ly hôn, đó là sự rạn nứt. Mọi người có thể thấy đây là một sự phát triển chung của xã hội. Nhưng trong cuộc sống có thể do sự lỏng lẻo trong các mối quan hệ gây ra những vụ ly hôn trong gia đình. Nhưng gia đình luôn luôn là nền tảng tạo cho con người tốt đẹp, do đó, phải xây dựng và gắn bó tốt hơn nền tảng của gia đình để phát triển và hạnh phúc.

Nếu trong một gia đình mà người chồng có công việc bận rộn, nặng nhọc và lo toan kinh tế nhiều hơn thì việc người vợ đảm đương phần chủ yếu công việc nội trợ là điều phù hợp. Ngược lại, trong gia đình mà vợ chồng đều có công việc như nhau thì người chồng rất cần chia sẻ công việc với vợ để gia đình thêm hòa thuận. Khi người đàn ông nội trợ chẳng có gì là xấu hay kém cả. Điều quan trọng là vẫn giữ được ngọn lửa yêu thương trong gia đình.

Bình luận