Bình ổn giá phải đảm bảo hài hòa lợi ích

(VOH) – Phát biểu tại phiên họp sáng 15/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định bình ổn giá phải theo quy luật thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Tại Phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, dự thảo luật đã được tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, chỉnh lý công phu, giải trình đầy đủ các ý kiến đại biểu nêu.

Quốc hội họp bất thường bầu Chủ tịch nước vào sáng mai 2/3

Chủ tịch Quốc hội cũng có đề nghị cho các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau.

Về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung cụm từ “biến động lớn” trong quy định về tiêu chí đối với hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá (khoản 1 Điều 17) trong trường hợp giá có biến động tác động đến đời sống của người dân.

Về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, nhiều đại biểu và cơ quan thẩm tra đề nghị nên giữ như quy định của luật hiện hành.

Về nội dung quỹ bình ổn giá, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nghiên cứu đổi tên theo hướng rộng hơn gồm cả các biện pháp bình ổn giá. Bởi trong thực tế việc bình ổn giá phải theo quy luật thị trường và quản lý, định hướng quản lý của Nhà nước để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, nhất là bảo vệ lợi ích của những người yếu thế.

Bình ổn giá phải đảm bảo hài hòa lợi ích 1
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp thứ 21 sáng 15/3.

Chủ tịch Quốc hội góp ý thêm cho nguyên tắc định giá nên tách ra thành hai khoản.

Đối với hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá quy định phải bảo đảm nguyên tắc bù đắp chi phí, lợi nhuận (nếu có), cung cầu hàng hóa, dịch vụ và chủ trương phát triển từ chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ.

Đối với những hàng hóa, dịch vụ khác không quy định tại Điều 21, các tổ chức và cá nhân có thể chủ động định giá tài sản, hàng hóa theo nguyên tắc bù đắp chi phí có lãi, đảm bảo quy luật cung cầu cạnh tranh của thị trường.

Chủ tịch Quốc hội cũng bổ sung nội dung cho phương pháp định giá lại, theo đó có thể quy định giao Chính phủ hoặc các bộ ban hành nghị định, thông tư quy định chi tiết điều này, hoặc nghiên cứu bỏ Điều 22, Điều 23 và thay 2 điều này vào Điều 21 theo hướng Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành giữ quy định như Luật hiện hành đối với nội dung thẩm định, quyết định danh mục hàng hóa thuộc diện bình ổn giá, đồng thời tán thành duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ xem xét.

Dự thảo luật sẽ quy định theo hướng Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp định giá chung, đối với các giá chuyên ngành, phân cấp cho bộ, ngành, địa phương quản lý, đối với các mặt hàng chuyên ngành thì do cơ quan quản lý chuyên ngành chủ trì.

Về trách nhiệm kê khai và chịu trách nhiệm về thông tin kê khai, Bộ Tài chính sẽ báo cáo lại Chính phủ và làm rõ hơn về nội dung này.

Về thù lao công chứng, thù lao đấu giá, đây là ngành kinh doanh có điều kiện, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu các quy định trong luật, đánh giá tác động đầy đủ để đảm bảo lợi ích của người dân và các bên liên quan.

Liên quan đến quỹ bình ổn xăng dầu, đảm bảo quỹ hoạt động một cách bình ổn nhất; đảm bảo vai trò quản lý phải nộp vào đầy đủ kịp thời. Nghị định 95 sửa đổi sẽ đề xuất Bộ Công Thương quản lý một cách chặt chẽ hơn…

Kết luận nội dung, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao sự chủ động, tích cực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu, chỉnh sửa, đề nghị tiếp thu tối đa ý kiến tại phiên họp.

Bình luận